Theo báo cáo mới của Cơ quan Năng lượng Quốc tế (IEA), sản lượng dầu toàn cầu đã tăng mạnh trong tháng 6 khi “các nhà sản xuất mở van”. OPEC là một thủ phạm chính, với Libya và Nigeria đang cố gắng hết sức để lẩn tránh việc cắt giảm sản xuất mà các thành viên khác đang thực hiện.
Nhưng không chỉ có hai quốc gia này, là hai nước được miễn trừ khỏi thỏa thuận cắt giảm.; mà Saudi Arabia cũng đã thúc đẩy sản lượng lên khoảng 120.000 thùng/ngày trong tháng 6, so với một tháng trước đó. Theo đó, sản lượng của Ả-rập Xê-út vượt 10 triệu thùng/ngày lần đầu tiên trong năm 2017. Sự tăng trưởng này, kết hợp với mức tăng 80.000 thùng/ngày từ Libya và 60.000 thùng/ngày từ Nigeria, cộng với một số khoản đóng góp nhỏ hơn từ Equatorial Guinea, khiến cho sản lượng tháng 6 của OPEC cao hơn 340.000 thùng/ngày so với tháng 5. Nó cũng làm cho mức độ tuân thủ của nhóm xuống còn 78 phần trăm từ 95 phần trăm trong tháng 5, tỷ lệ tuân thủ hàng tháng tồi tệ nhất của nhóm kể từ khi thỏa thuận có hiệu lực vào đầu năm.
Thậm chí còn tệ hơn, khi con số sản xuất từ Libya và Nigeria cao hơn nhiều so với mức trung bình tháng 6 của họ. Trong vài tháng vừa qua, hai nước đã tăng thêm 700.000 thùng/ngày vào nguồn cung mới, bù lại gần một nửa của 1,8 triệu thùng/ngày trong lượng cắt giảm của các nước trong và ngoài OPEC. Và nhiều thùng dầu hơn có thể đang trên đường đưa vào. IEA cho biết, sản lượng của Libya hiện đang trên 1 triệu thùng/ngày, cao nhất trong 4 năm qua, và Nigeria có thể sản xuất "tăng vọt lên tới tổng công suất gần 1,8 triệu thùng/ngày trong tháng Tám", tăng từ 1,59 triệu thùng/ngày trong tháng 6.
IEA lưu ý rằng thỏa thuận cắt giảm sản lượng được tính trung bình trong toàn bộ thời gian tuân thủ cho đến tháng 3 năm 2018, do đó con số dữ liệu của một tháng có lẽ không có ý nghĩa nhiều. Nhưng nó không báo trước điềm hay. Nếu mức sản xuất cao hơn tiếp tục, hoặc nếu mức độ tuân thủ thấp hơn nữa, thì nó sẽ ném hầu hết các dự báo về tái cân bằng ra ngoài cửa sổ. Fatih Birol, giám đốc điều hành của IEA, phát biểu tại một cuộc họp ở Istanbul, "Sẽ là sáu tháng rất khó khăn cho ngành công nghiệp dầu mỏ”.
Tuy nhiên, những khó khăn của OPEC cũng có nghĩa là đá phiến Mỹ cũng đang phải chịu đựng. Giá đã sụp đổ hồi tháng 6, và có nhiều nguyên nhân khác gây ra lo ngại về sức khoẻ của ngành công nghiệp đá phiến so với trước đây. IEA cho biết, "dữ liệu tài chính cho thấy trong khi sản lượng có thể tăng lên, thì lợi nhuận không thể", ngay cả các giám đốc điều hành của ngành công nghiệp này cũng nói rằng dầu cần phải có giá trên 50 USD/thùng cho sự tăng trưởng bền vững của đá phiến. Đá phiến Mỹ vẫn có thể vẫn phát triển trong tương lai gần, nhưng "sự ồ ạt gần đây đang bị kiềm chế".
Tuy nhiên, hiện tại, nguồn cung ngoài OPEC đang gây áp lực cho thị trường dầu. IEA cho biết sản lượng dầu toàn cầu tăng 1.2 triệu thùng/ngày so với một năm trước, và "nguồn cung ngoài OPEC đang quay lại mô hình tăng trưởng vững chắc". Năm tới, mọi thứ không trở nên tốt hơn. Các nước không thuộc OPEC - dẫn đầu là Mỹ, Canada và Brazil - sẽ bổ sung thêm 1,4 triệu thùng/ngày nguồn cung mới, đủ để đáp ứng cho toàn bộ sự tăng trưởng nhu cầu toàn cầu. Như vậy, bất kỳ sự gia tăng sản lượng nào từ OPEC sẽ chỉ làm cho thị trường trở nên thừa mứa. Điều đó đặt ra một câu hỏi rất lớn về những gì OPEC dự định thực hiện sau tháng 3 năm 2018 khi hiệp ước của nó hết hạn. Hiện tại, nhóm này vẫn chưa có "chiến lược rút lui".
Niềm hy vọng trong cơn bĩ cực cho giá dầu là nhu cầu đã phục hồi mạnh mẽ hơn nhiều trong quý II so với quý đầu tiên, nhảy vọt từ 1 triệu thùng/ngày lên 1,5 triệu thùng/ngày. IEA đã điều chỉnh con số tổng tăng trưởng nhu cầu cho năm 2017 lên 1,4 triệu thùng/ngày, tăng 0,1 triệu thùng/ngày so với tháng trước.
Kết hợp cung và cầu với nhau, IEA dự đoán rằng lượng dầu tồn kho toàn cầu sẽ phải rút xuống ở mức 0,7 triệu thùng/ngày trong quý II, mặc dù dữ liệu mới ra cho thấy lượng sụt giảm có thể không thực sự xảy ra với tốc độ như vậy.
Cuối cùng, thông điệp của IEA còn bi quan hơn nhiều so với những tháng trước. Hồi tháng 5, cơ quan này cho biết "việc tái cân bằng về điều cơ bản là đang ở đây và, trong ngắn hạn, đang tăng tốc." Nhưng tâm lý lạc quan đó đã biến mất. IEA đã viết trong tuần này rằng "Chúng ta cần phải chờ lâu hơn một chút nữa để xác nhận liệu quá trình tái cân bằng đã thực sự bắt đầu trong quý 2 năm nay hay chưa và sự tự tin của các nhà đầu tư đang mất dần đi là hợp lý hay không".
Nguồn tin: xangdau.net