IEA cho biết sản lượng trong tháng 3/2019 của nhà sản xuất dầu hàng đầu Tổ chức Các nước Xuất khẩu Dầu mỏ (OPEC) đã giảm xuống mức thấp nhất trong hai năm.
Một cơ sở khai thác dầu tại Dammam, cách thủ đô Riyadh của Saudi Arabia 450km về phía Đông. (Nguồn: AFP/TTXVN)
Báo cáo hàng tháng mới nhất của Cơ quan Năng lượng Quốc tế (IEA) công bố ngày 11/4 cho hay Saudi Arabia đã cắt giảm sản lượng dầu nhiều hơn so với mức cam kết.
IEA cũng đồng thời đưa ra cảnh báo về những diễn biến trái chiều trong nền kinh tế toàn cầu và nhu cầu tiêu thụ năng lượng.
Theo IEA, sản lượng trong tháng 3/2019 của nhà sản xuất dầu hàng đầu Tổ chức Các nước Xuất khẩu Dầu mỏ (OPEC) đã giảm xuống mức thấp nhất trong hai năm.
Sản lượng của OPEC trong tháng Ba cũng đã giảm 0,55 triệu thùng/ngày xuống còn 30,13 triệu thùng/ngày - mức thấp nhất trong vòng bốn năm.
IEA nhận định sự suy giảm trên phần lớn là do Saudi Arabia “mạnh tay” cắt giảm sản lượng và cuộc khủng hoảng ở Venezuela.
[Saudi Arabia muốn đẩy giá dầu lên ít nhất 70 USD mỗi thùng]
Báo cáo của IEA cũng cho biết các quốc gia OPEC đã tuân thủ tới 153% cam kết cắt giảm sản lượng theo thỏa thuận. Tuy nhiên, tỷ lệ tuân thủ của các nước không thuộc OPEC chỉ ở mức 64%, trong đó Nga tiếp tục điều chỉnh sản lượng của nước này từng bước.
Theo IEA, nếu các nhà sản xuất thực hiện đúng cam kết, thị trường có thể trở lại tình trạng cân bằng trong quý 2 năm nay.
Tuy nhiên, IEA cảnh báo rằng nhu cầu ở các nước thuộc Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế (OECD) đã giảm 0,3 triệu thùng mỗi ngày trong ba tháng cuối năm 2018 - lần giảm theo quý đầu tiên kể từ cuối năm 2014 tới nay.
IEA nhấn mạnh rằng nhu cầu năng lượng của OECD có khả năng sẽ yếu đi trong quý 1/2019 do sự yếu kém ở một số nền kinh tế châu Âu. Thậm chí, nhu cầu tiêu thụ có khả năng sẽ còn giảm sâu hơn nếu có nước Anh rời Liên minh châu Âu (EU) trong hỗn loạn.
Trong khi nhu cầu ở Trung Quốc, Ấn Độ và Mỹ tăng lên, OECD cảnh báo rằng thị trường dầu mỏ có dấu hiệu thắt chặt trong lúc có những dấu hiệu trái chiều về triển vọng kinh tế toàn cầu.
Các dự báo về tăng trưởng kinh tế thế giới đã bị cắt giảm trong những tháng gần đây do lo ngại về tác động của tranh chấp thương mại, cũng như kinh tế Trung Quốc đang có các dấu hiệu “giảm tốc”./.
Nguồn tin: vietnamplus.vn