Sáu tháng sau cuộc chiến của Nga tại Ukraine, sản lượng dầu của Nga tiếp tục vượt kỳ vọng mặc dù các chuyên gia đang cảnh báo rằng Moscow sẽ ngày càng khó duy trì sản lượng khi các lệnh trừng phạt của phương Tây bắt đầu có hiệu lực.
Theo báo cáo mới nhất của Cơ quan Năng lượng Quốc tế (IEA), xuất khẩu dầu của Nga trong tháng 7 đã giảm 115 ngàn thùng/ngày xuống còn 7,4 triệu thùng/ngày, từ mức khoảng 8 triệu thùng/ngày vào đầu năm. Sự sụt giảm đó không bằng mức sụt giảm 2-3 triệu thùng/ngày được một số chuyên gia dự đoán. Lượng dầu thô và các sản phẩm dầu của nước này đến Mỹ, Anh, EU, Nhật Bản và Hàn Quốc đã giảm gần 2,2 triệu thùng/ngày kể từ khi chiến tranh bùng nổ, 2/3 trong số đó được chuyển hướng sang các thị trường khác. Doanh thu xuất khẩu giảm từ 21 tỷ USD trong tháng 6 xuống còn 19 tỷ USD trong tháng 7, do khối lượng giảm và giá dầu thấp hơn.
Xuất khẩu sang Ấn Độ có thể bù đắp phần lớn dòng chảy giảm sang các quốc gia phương Tây. Theo các báo cáo mới trong quý thứ hai, Ấn Độ đã cắt giảm nhập khẩu dầu thô từ Hoa Kỳ một triệu tấn trong khi tăng mạnh nhập khẩu dầu giá rẻ của Nga.
Tỷ trọng năng lượng của Ấn Độ hiện đã khác hẳn so với một năm trước. Năm ngoái, dầu của Nga trong rổ dầu thô của Ấn Độ chỉ chiếm 2,2%, trong khi của Mỹ là 9,2%; hiện tại, Nga chiếm gần 12,9% nhập khẩu dầu thô của Ấn Độ, trong khi thị phần của Mỹ đã giảm xuống chỉ còn 5,4%.
Ấn Độ chưa bao giờ là khách hàng mua dầu thô lớn của Nga dù phải nhập khẩu 80% nhu cầu. Trong một năm thông thường, Ấn Độ chỉ nhập khẩu 2-5% lượng dầu thô từ Nga, gần bằng tỷ lệ của Hoa Kỳ trước khi nước này tuyên bố cấm 100% đối với các mặt hàng năng lượng của Nga. Thật vậy, Ấn Độ chỉ nhập khẩu 12 triệu thùng dầu thô của Nga vào năm 2021, với phần lớn dầu của nước này có nguồn gốc từ Iraq, Ả Rập Xê-út, Các Tiểu vương quốc Ả Rập Thống nhất và Nigeria.
Tuy nhiên, IEA cho biết Nga sẽ ngày càng khó duy trì mức sản xuất đó.
Giám đốc IEA Fatih Birol nói với Reuters: “Nếu thiếu các công ty phương Tây, thiếu các nhà cung cấp công nghệ, thiếu các công ty dịch vụ, Nga sẽ khó khăn hơn nhiều để duy trì hoạt động sản xuất”.
Nguồn tin: xangdau.net