Cơ quan năng lượng quốc tế (IEA) cho biết sự tuân thủ cắt giảm sản lượng của OPEC trong tháng trước đã giảm xuống mức thấp nhất trong 6 tháng vì một số thành viên đã bơm dầu nhiều hơn mức đã cam kết, do đó làm trì hoãn việc tái cân bằng thị trường.
Mức độ tuân thủ của OPEC trong tháng 6 xuống còn 78% từ 95% của tháng 5 do sản lượng cao hơn so với cho phép từ Algeria, Ecuador, Gabon, Iraq, UAE và Venezuela bù lại sự tuân thủ mạnh mẽ của Saudi Arabia, Kuwait, Qatar và Angola.
Tổ chức các nước xuất khẩu dầu mỏ và một số nhà sản xuất không thuộc OPEC, trong đó có Nga, đã đồng ý cắt giảm sản lượng khoảng 1,8 triệu thùng mỗi ngày cho đến tháng 3 năm 2018 để giảm bớt lượng dầu thô toàn cầu do sản lượng của Mỹ tăng mạnh.
Có hai nguyên nhân chính: sự phục hồi mạnh mẽ trong sản xuất dầu từ Libya và Nigeria và mức độ tuân thủ thấp hơn của OPEC với thoả thuận.
Hai thành viên được miễn trừ của OPEC, Libya và Nigeria đã tăng sản lượng tổng cộng hơn 700.000 thùng/ngày trong những tháng gần đây, IEA cho biết.
Các đợt cắt giảm đã giúp ổn định giá dầu ở mức 45-50 USD/thùng, nhưng giá đã chịu sức ép mới trong những tuần gần đây do sản lượng Mỹ tăng và ít bằng chứng tồn kho toàn cầu giảm từ mức cao kỷ lục trên 3 tỷ thùng.
IEA cho biết tăng trưởng nhu cầu mạnh mẽ trong nửa cuối năm 2017 và năm 2018 sẽ thúc đẩy quá trình tái cân bằng thị trường.
Nhu cầu dầu thô của OPEC được dự báo sẽ tăng đều đặn suốt năm 2017 và đạt 33,6 triệu thùng/ngày trong quý IV - tăng 1 triệu thùng/ngày so với sản lượng tháng 6 của OPEC.
Cơ quan này cũng cho biết mặc dù các nước không thuộc OPEC như Mỹ, Canada và Brazil đã tăng trưởng trở lại nhưng đợt giảm giá dầu gần đây có thể buộc một số nhà sản xuất Mỹ đánh giá lại triển vọng của họ.
"Các dữ liệu tài chính cho thấy mặc dù sản lượng có thể đang tăng mạnh nhưng lợi nhuận không cao và các báo cáo gần đây cho thấy các nhà điều hành hàng đầu của công ty nói rằng giá dầu cần mức giá khoảng 50 USD/thùng để duy trì tăng trưởng sản xuất", IEA cho biết.
Nguồn tin: xangdau.net