Trong báo cáo Triển vọng Năng lượng Thế giới mới nhất của mình, Cơ quan Năng lượng Quốc tế tuyên bố do cuộc khủng hoảng năng lượng đang hoành hành trên thế giới hiện nay, nhu cầu nhiên liệu hóa thạch sẽ đạt đỉnh, đẩy nhanh quá trình chuyển đổi sang năng lượng tái tạo. Nhưng liệu đây có phải chỉ là một kịch bản mơ tưởng?
IEA- lần đầu tiên- dự báo điều này xảy ra - trên tất cả các kịch bản mà IEA đưa ra cho dự báo của mình. Theo ngay cả Kịch bản chính sách đã nêu - thường là kịch bản thận trọng nhất - nhu cầu đối với nhiên liệu hóa thạch sẽ bắt đầu giảm vĩnh viễn vào giữa những năm 2020 “ở mức trung bình hàng năm gần tương đương với sản lượng của một mỏ dầu lớn.”
Than sẽ là loại nhiên liệu đầu tiên rơi vào tình trạng này- và chỉ trong vài năm ngắn nữa kể từ bây giờ. Theo sau đó là cái kết của khí đốt tự nhiên, sẽ chững lại vào năm 2030. Trong khi đó, dầu mỏ sẽ bị triệt tiêu bởi dòng xe điện.
Nhưng liệu có thực sự như vậy hay không?
Cuộc khủng hoảng năng lượng bắt đầu từ năm ngoái ở châu Âu với sự thiếu hụt nguồn cung khí đốt đã hoàn toàn bùng phát trong năm nay sau khi Nga cắt giảm xuất khẩu mặt hàng này sang EU. Sự gián đoạn này đã đẩy nhu cầu nhiên liệu hóa thạch cao hơn so với trước đại dịch.
Vào thời điểm đó, BP dự báo dầu đạt đỉnh đã xảy ra vào năm 2019. Theo BP, nhu cầu dầu sẽ không bao giờ trở lại mức năm 2019. Về vấn đề đó, tất cả những ai tham gia dự báo đều nói rằng nhu cầu than sẽ không bao giờ tăng trưởng trên toàn cầu nữa, và khí đốt sẽ là cầu nối cho tương lai năng lượng tái tạo. Sau đó, khí đốt bắt đầu bị chỉ trích cùng với dầu là bẩn và không phù hợp. Nhưng đó là lúc trước khi xảy ra cuộc khủng hoảng.
Giờ đây, nhu cầu than đá đã tăng lên do nguồn cung khí đốt eo hẹp ở châu Âu, với việc các nước mở cửa trở lại nhà máy chạy bằng than, thúc đẩy sản xuất dầu và thậm chí chuyển đổi các nhà máy điện chạy bằng khí đốt sang than cho mùa đông.
Các chính trị gia - cùng với IEA - dường như tin rằng đây là một sự thúc đẩy nhu cầu ngắn hạn mà sẽ chấm dứt vào thời điểm thị trường khí đốt trở lại bình thường. Vấn đề với niềm tin này là thị trường khí đốt sẽ không trở lại bình thường trong một tuần hoặc thậm chí một tháng. Trên thực tế, khó có khả năng thị trường khí đốt ở châu Âu sẽ trở lại bình thường vì bình thường có nghĩa là nhận được 40% khí đốt từ Nga.
Với việc nguồn cung LNG mới của Hoa Kỳ chậm được đưa đến và thay thế lượng khí đốt bị mất của Nga qua đường ống, chúng ta có thể thấy nhu cầu than tăng mạnh trong một vài năm nữa. Và rồi thì, Trung Quốc, Ấn Độ, và các nền kinh tế châu Á khác sẽ tiếp tục sử dụng than vì nó sẽ vẫn rẻ hơn khí đốt, đặc biệt là khí đốt hóa lỏng, vốn có giá cao ngất ngưởng bởi những người mua ‘khát năng lượng’ ở châu Âu.
Về dầu, IEA dường như tin rằng xe điện sẽ triệt tiêu nhu cầu dầu bắt đầu từ giữa những năm 2030. Tuy nhiên, điều này sẽ đòi hỏi phải sản xuất, bán và sử dụng hàng triệu xe điện, nhưng điều này còn lâu mới chắc chắn vì sự thiếu hụt ngày càng rõ rệt trong thế giới kim loại và khoáng sản.
Những cảnh báo về nguồn cung đồng đã được đưa ra từ ngành khai thác mỏ và từ các nhà phân tích trong nhiều tháng nay. Trafigura là hãng mới đây lên tiếng về điều này, cho biết hồi đầu tháng rằng dự trữ đồng toàn cầu đã giảm xuống mức thấp nguy hiểm, tương đương với khoảng 4,9 ngày tiêu thụ toàn cầu. Trafigura cho biết tại một sự kiện của FT, vào cuối năm nay, con số này sẽ giảm xuống còn 2,7 ngày.
“Không phải ngẫu nhiên mà EU quyết định đưa ra mục tiêu tăng gấp đôi công suất năng lượng mặt trời từ năm 2030 đến năm 2025. Tất cả những điều đó đều đòi hỏi rất nhiều đồng”, Kostas Bintas, đồng trưởng bộ phận kinh doanh kim loại và khoáng sản của Trafigura, cho biết.
“Hãy nhìn những chiếc xe điện ở khắp mọi nơi, những con số trên đường thật đáng ngạc nhiên. Nó cũng cần rất nhiều đồng. Do đó, chúng ta đã rút rất nhiều từ kho dự trữ trong suốt năm rất khó khăn này. "
Điều mà tất cả những cảnh báo này gợi ý là khá đơn giản: có thể không có đủ nguyên liệu thô cho tất cả các xe điện - và các trang trại năng lượng mặt trời và gió - cần được bán để triệt tiêu diệt nhu cầu dầu mỏ và mở ra tương lai năng lượng tái tạo.
Theo IEA, quá trình chuyển đổi là một vấn đề của an ninh năng lượng, và cuộc chiến ở Ukraine đã làm nổi bật điều đó và có khả năng sẽ đóng vai trò như một chất xúc tác cho quá trình chuyển đổi nhanh hơn. Thật vậy, một quốc gia càng có nhiều năng lượng được sản xuất ở trong nước thì quốc gia đó càng an toàn. Vấn đề là các dạng năng lượng tái tạo được lựa chọn để thúc đẩy quá trình chuyển đổi không tốt trong việc mang lại an ninh năng lượng.
Người mới nhất làm rõ điều đó là Jeffrey Currie của Goldman Sachs, đã trao đổi với CNBC vào tuần trước rằng khoảng 3,8 nghìn tỷ đô la đã được đầu tư vào năng lượng tái tạo trong thập kỷ qua, và khoản đầu tư lớn này chỉ đưa tỷ lệ nhiên liệu hóa thạch trong cơ cấu năng lượng toàn cầu từ 82% xuống 81%.
Giờ đây, Currie tiếp tục lưu ý, tỷ lệ này có thể quay trở lại mức 82% vì sự eo hẹp năng lượng đã thúc đẩy tiêu thụ nhiều than hơn. Ông cũng chỉ ra rằng các khoản đầu tư vào năng lượng tái tạo đã ở mức công suất, nhưng hệ số sử dụng công suất của các hệ thống lắp đặt năng lượng gió và năng lượng mặt trời có xu hướng khá thấp. Đây là thứ ngăn cản gió và năng lượng mặt trời mang lại an ninh năng lượng mà giám đốc Fatih Birol của IEA đã đề cập đến.
Cơ quan Năng lượng Quốc tế đã trở nên khá nổi tiếng trong vài năm qua với tư cách là cơ quan đấu tranh cho quá trình chuyển đổi năng lượng hơn là một cơ quan năng lượng mở cửa cho tất cả các dạng năng lượng. Sự nhấn mạnh của IEA vào quá trình chuyển đổi cần phải diễn ra nhanh nhất có thể và nó không có mối liên hệ nhân quả nào với cuộc khủng hoảng năng lượng đã gây ra một số hoài nghi, đáng chú ý nhất là sau khi công bố Lộ trình tới Net Zero.
Vào thời điểm đó, Bộ trưởng năng lượng của Ả Rập Xê Út đã chế nhạo kế hoạch này và gọi nó là “La La Land”. Điều thú vị là, kể từ khi công bố lộ trình, nhu cầu nhiên liệu hóa thạch đã thực sự tăng lên và đã khiến chính IEA kêu gọi đầu tư nhiều hơn vào chúng, sau khi tuyên bố trong lộ trình rằng chúng ta không cần đầu tư thêm vào sản xuất dầu và khí đốt nữa.
Giống như lộ trình đó, báo cáo Triển vọng Năng lượng Thế giới mới đây của IEA có thể đi vào lịch sử như là suy nghĩ ảo tưởng của cơ quan này hơn là sự phản ánh bất kỳ thực tế hợp lý nào.
Nguồn tin: xangdau.net