Cơ quan Năng lượng Quốc tế (IEA) cho biết hôm thứ Tư, nhu cầu dầu toàn cầu dự kiến đạt trung bình 99,4 triệu thùng/ngày trong năm nay, hạ triển vọng nhu cầu năm 2022 xuống bớt 260.000 thùng/ngày để phản ánh sự trở lại của các đợt phong tỏa nghiêm trọng tại quốc gia nhập khẩu dầu hàng đầu thế giới, Trung Quốc.
Các biện pháp phong tỏa nghiêm ngặt ở Trung Quốc - nơi các nhà chức trách tiếp tục với chính sách “zero-COVID” cho 26 triệu cư dân ở trung tâm tài chính Thượng Hải - đã dẫn đến kỳ vọng nhu cầu dầu thấp hơn cho quý 2 năm 2022 và cả năm nói chung, IEA cho biết trong Báo cáo thị trường dầu hàng tháng cho tháng 4.
Hôm thứ Ba, OPEC cũng đã cắt giảm dự báo tăng trưởng nhu cầu dầu cho năm 2022 xuống gần 500.000 thùng/ngày do tăng trưởng kinh tế toàn cầu dự kiến thấp hơn với cuộc chiến của Nga ở Ukraine và sự trở lại của lệnh phong tỏa ở Trung Quốc.
Không giống như trong báo cáo tháng trước, khi IEA cảnh báo về sự thiếu hụt lớn trong nguồn cung dầu, IEA hiện nói rằng “dự báo nhu cầu thấp hơn, sản lượng tăng ổn định từ các thành viên OPEC+ cùng với Mỹ và các nước không thuộc OPEC+, và lượng dự trữ lớn từ các quốc gia thành viên IEA sẽ ngăn chặn tình trạng thiếu hụt nguồn cung mạnh phát triển”.
Tồn kho toàn cầu tiếp tục giảm trong tháng Hai, với các kho dự trữ của OECD giảm thêm 42,2 triệu thùng xuống 2,611 tỷ thùng trong tháng Hai, gần gấp đôi so với xu hướng theo mùa. Dữ liệu sơ bộ cho thấy dự trữ trong ngành của OECD là 8,8 triệu thùng trong tháng 3, theo ước tính của IEA.
IEA cũng dự báo sản xuất dầu của Nga ngày càng bị gián đoạn. Nguồn cung dầu của Nga dự kiến sẽ giảm 1,5 triệu thùng/ngày trong tháng 4 khi các nhà máy lọc dầu nước này tiếp tục cắt giảm hoạt động, nhiều người mua xa lánh hơn và kho dự trữ của Nga đầy ắp.
IEA cho biết: “Từ tháng 5 trở đi, gần 3 triệu thùng sản lượng của Nga mỗi ngày có thể bị gián đoạn do các lệnh trừng phạt quốc tế và khi tác động của lệnh cấm vận mở rộng có hiệu lực”.
Cơ quan này lưu ý rằng việc giải phóng hàng loạt kho dự trữ từ Hoa Kỳ và các đồng minh IEA là "sự cứu trợ đáng hoan nghênh cho một thị trường dầu mỏ vốn đã thắt chặt đang đối mặt với sự bất ổn ngày càng lớn trong bối cảnh vô số tác động bắt nguồn từ các lệnh trừng phạt và cấm vận nhằm vào Nga của cộng đồng quốc tế và sự tẩy chay của người tiêu dùng”.
Theo ước tính của IEA về nguồn cung của OPEC+, 19 thành viên của liên minh chỉ tăng sản lượng dầu 40.000 thùng/ngày vào tháng 3, so với mức tăng 400.000 thùng/ngày theo kế hoạch. OPEC+ đã bơm thấp hơn 1,5 triệu thùng/ngày so với hạn ngạch đề ra cho tháng 3. OPEC đã bỏ dữ liệu từ IEA tại cuộc họp gần đây nhất với tư cách là nhà cung cấp nguồn thứ cấp để đánh giá sản lượng.
Nguồn tin: xangdau.net