Người đứng đầu Cơ quan Năng lượng Quốc tế IEA nói với tờ Financial Times, đầu tư vào năng lượng carbon thấp cần phải tăng gấp ba lần nếu thế giới muốn đạt được các mục tiêu của Thỏa thuận Paris.
“Có một sự không phù hợp tổng thể và sự không phù hợp này càng kéo dài thì nguy cơ giá càng biến động mạnh hơn nữa trong tương lai”, Fatih Birol lưu ý rằng mức đầu tư hiện tại vào năng lượng sạch chỉ bằng một phần ba so với mức cần thiết.
Tuy nhiên, ông Birol cũng nói rằng các khoản đầu tư dự kiến vào khai thác dầu khí hiện đã phù hợp với các mục tiêu khí hậu của Thỏa thuận Paris. Đó là một tin vui hiếm hoi đối với một ngành vốn đã trở thành mục tiêu của những cáo buộc liên tục là ngành duy nhất chịu trách nhiệm về những thay đổi bất lợi của khí hậu.
IEA dự kiến nhu cầu khí đốt sẽ sớm đạt đỉnh sau năm 2025, Birol cũng cho biết thêm rằng nhu cầu dầu cũng sắp đạt đỉnh trong vòng hơn 5 năm một chút, ngay cả khi chính phủ các nước không đưa ra cam kết mới về biến đổi khí hậu. Theo IEA, nhu cầu dầu mỏ sẽ đạt đỉnh ở mức 97 triệu thùng/ngày, mặc dù trong một dự báo trước đó cho ngắn hạn, IEA ước tính nhu cầu dầu sẽ đạt 100,6 triệu thùng/ngày trong năm tới. Đây là mức cao hơn nhiều so với mức đỉnh mới nhất.
Cũng theo IEA, đầu tư toàn cầu vào năng lượng trong năm nay sẽ tăng lên 1,9 nghìn tỷ USD, trong đó 370 tỷ USD là đầu tư vào sản xuất điện cacbon thấp.
Trong cuộc phỏng vấn với FT, ông Birol một lần nữa nói rằng năng lượng tái tạo không phải là nguyên nhân dẫn đến cuộc khủng hoảng nguồn cung năng lượng ở châu Âu, đồng thời nói thêm rằng cuộc khủng hoảng này ắt hẳn sẽ làm không chệch hướng các nhà lãnh đạo châu Âu trong quá trình chuyển đổi năng lượng của họ.
Theo ông, cuộc khủng hoảng là do nhiều yếu tố, bao gồm sự phục hồi không đồng đều sau đại dịch, gián đoạn nguồn cung khí đốt và thời tiết không thuận lợi.
Nguồn tin: xangdau.net