Giá dầu tiếp tục mất 4% trong phiên 15/4 do chịu áp lực từ tình trạng dư cung toàn cầu tăng mạnh.
Theo báo cáo công bố ngày 15/4, Cơ quan Năng lượng Quốc tế (IEA) dự báo nhu cầu dầu mỏ toàn cầu sẽ xuống mức thấp kỷ lục trong năm nay do các biện pháp phong tỏa được áp dụng nhằm hạn chế sự lây lan của dịch bệnh Covid-19.
Giá dầu tiếp tục giảm trong phiên 15/4.
Trong báo cáo hàng tháng mới nhất của mình, IEA cho rằng nhìn chung nhu cầu “vàng đen” trong năm 2020 sẽ giảm 9,3 triệu thùng dầu/ngày. Cũng theo IEA, chỉ riêng trong tháng 4 này nhu cầu thế giới sẽ giảm 29 triệu thùng dầu/ngày, mức dư thừa kỷ lục từng ghi nhận vào năm 1995.
Cụ thể, giá dầu Brent sụt 1,19 USD, tương đương 4%, xuống 28,41 USD/thùng. Trong khi đó, giá dầu ngọt nhẹ WTI của Mỹ giảm 45 xu Mỹ, tương đương 2,2%, xuống còn 19,66 USD/thùng.
Đà giảm mạnh của giá dầu trong phiên trước đó khiến nhà đầu tư đẩy mạnh mua vào mặt hàng này.
Tuy nhiên, dự trữ dầu thô của Mỹ tăng làm dấy lên lo ngại rằng thỏa thuận cắt giảm sản lượng kỷ lục của Tổ chức các nước xuất khẩu dầu mỏ (OPEC) và các đồng minh (còn được gọi là nhóm OPEC+) sẽ không đủ để bù đắp nhu cầu tiêu thụ suy yếu do các biện pháp hạn chế đi lại và giãn cách xã hội của nhiều quốc gia nhằm ngăn chặn sự lây lan của đại dịch Covid-19.
Theo báo cáo của Viện Dầu khí Quốc gia Mỹ (API), dự trữ dầu thô của nước này trong tuần kết thúc ngày 10/4 đã tăng 13,1 triệu thùng, vượt mức dự báo của giới phân tích là tăng 11,7 triệu thùng.
Các thương nhân gia tăng lo ngại nhu cầu sẽ bị tác động do các biện pháp hạn chế đi lại và những gián đoạn về thương mại trong bối cảnh bùng phát đại dịch Covid-19.
Giới phân tích đã cảnh báo về nguy cơ dư cung dầu thô dù OPEC+ đã đạt thỏa thuận cắt giảm sản lượng lịch sử. OPEC+ cuối tuần qua đã nhất trí cắt giảm sản lượng 9,7 triệu thùng/ngày trong tháng 5 và tháng 6.
Theo tuyên bố của OPEC về thỏa thuận trên, mức cắt giảm sản lượng sẽ giảm xuống 7,7 triệu thùng/ngày từ tháng 7 đến hết năm nay và sau đó là 5,8 triệu thùng/ngày trong 16 tháng tiếp theo, đến cuối tháng 4/2022.
“Việc chậm thực hiện thỏa thuận giảm nguồn cung, không tuân thủ chặt chẽ của các nước OPEC+ cũng như thiếu cam kết giảm sản lượng của các nhà sản xuất dầu mỏ lớn vẫn tiếp tục gây áp lực đối với đà phục hồi của giá dầu” - nhà phân tích Ole Hansen của ngân hàng Saxo nhận xét.
Trong khi đó, cảnh báo của Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) về khả năng nền kinh tế thế giới sẽ rơi vào cuộc suy thoái trầm trọng nhất kể từ cuộc Đại suy thoái những năm 1930 càng khiến giới đầu tư thêm longại. IMF dự báo tăng trưởng kinh tế thế giới sẽ suy giảm 3% trong năm 2020 do ảnh hưởng của dịch bệnh Covid-19./.
Nguồn tin: kinhtedothi.vn