Lãnh đạo một doanh nghiệp đầu mối dự báo, nếu cơ quan điều hành không trích sử dụng quỹ bình ổn thì giá xăng dầu có thể tăng 700-900 đồng/lít.
Giá xăng dầu liên tục chịu áp lực tăng giá từ đầu năm nay
Liên quan tới kỳ điều hành giá xăng dầu diễn ra vào hôm nay (17/3), lãnh đạo một doanh nghiệp đầu mối xăng dầu cho hay, giá xăng dầu trong nước sẽ vẫn chịu áp lực tăng giá theo đà tăng của thế giới.
Theo vị này, giá xăng dầu thế giới tăng liên tục trong thời gian qua và đang ở mức cao kỷ lục trong một năm qua.
"Nếu cơ quan điều hành không trích sử dụng quỹ bình ổn thì giá xăng dầu có thể tăng 700-900 đồng/lít. Dĩ nhiên, nếu xả quỹ thì mức tăng có thể sẽ thấp hơn", vị này cho biết.
Theo dữ liệu của Bộ Công Thương, giá xăng thành phẩm bình quân trên thị trường Singapore ở chu kỳ này với RON 92 là 71,05 USD một thùng, RON 95 gần 72,65 USD một thùng, tăng 6-7% so với kỳ trước.
Trên thị trường thế giới, kết phiên giao dịch hôm thứ Sáu (15/3), giá dầu thô quay đầu giảm do nhà đầu tư lo ngại về triển vọng tăng trưởng kinh tế toàn cầu đồng.Theo đó, giá dầu WTI giảm 19 cent xuống 58,42 USD/thùng. Giá dầu Brent giảm 23 cent xuống 67 USD/thùng.
Dự báo, trong tuần này, các nhà đầu tư tiếp tục chú ý đến triển vọng nguồn cung dầu thô trên toàn cầu trong bối cảnh việc OPEC giảm sản lượng đang giúp việc dư cung được thắt chặt trở lại. OPEC và các nước ngoài tổ chức dự kiến sẽ họp vào ngày 17 - 18/4 nhằm đưa ra những quyết định về chính sách cắt sản lượng. Đồng thời trong tuần tới, thị trường cũng chú ý nhiều hơn tới tồn kho cũng như hoạt động khai thác dầu thô của Mỹ.
Trong phiên điều hành mới nhất diễn ra vào hôm 2/3, Liên Bộ Tài chính - Công Thương quyết định giữ nguyên mức trích lập quỹ bình ổn và tiếp tục tăng mạnh mức chi sử dụng Quỹ bình ổn với xăng E5RON92 từ 1.932 đồng/lít lên 2.000 đồng/lít; Xăng RON95 từ 1.171 đồng/lít lên 1.250 đồng/lít; Dầu diesel giữ ở 1.354 đồng/lít; Dầu hỏa ở 1.078 đồng/lít; Dầu mazut ở 1.699 đồng/kg.
Sau khi thực hiện trích lập, chi sử dụng Quỹ bình ổn giá xăng dầu như trên, giá các mặt hàng xăng dầu tăng từ 700-959 đồng/lít. Cụ thể, xăng E5RON92 tăng 939 đồng/lít lên mức không cao hơn 17.211 đồng/lít; Xăng RON95 tăng 946 đồng/lít lên 18.549 đồng/lít; Dầu diesel tăng 959 đồng/lít lên 15.868 đồng/lít; Dầu hỏa tăng 700 đồng/lít lên 14.885 đồng/lít; Dầu mazut tăng 808 đồng/kg lên 14.083 đồng/kg.
Như vậy, sau 6 kỳ giảm giá liên tiếp và 3 phiên giữ nguyên giá trong năm 2019, giá xăng dầu đã phải tăng giá trong kỳ điều hành này do đà tăng chung của giá xăng dầu thế giới.
Dù giá xăng dầu nhập khẩu có xu hướng tăng trong thời gian qua nhưng theo Bộ Công Thương, giá bán lẻ vẫn được điều hành nhằm mục đích điều hành giá xăng dầu theo cơ chế thị trường có sự quản lý của Nhà nước.
Đồng thời góp phần kiểm soát lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô, góp phần giảm chi phí đầu vào của doanh nghiệp sản xuất và kinh doanh, hỗ trợ đời sống sinh hoạt của người dân, đặc biệt thời gian sau Tết Nguyên đán, giá cả một số mặt hàng thiết yếu vẫn ở mức cao so với trước Tết Nguyên đán, tác động đến một số chỉ số kinh tế vĩ mô trong quý I/2019 của Chính phủ.
"Quỹ Bình ổn giá xăng dầu đã được chi sử dụng ở mức cao và liên tục để giữ ổn định giá bán xăng dầu trong nước tại các kỳ điều hành giá xăng dầu trước, trong và sau Tết Nguyên đán Kỷ Hợi 2019, góp phần bình ổn giá cả các mặt hàng tiêu dùng", Bộ Công Thương cho biết.
Nguồn tin: baodautu.vn