Hội nghị xăng dầu thế giới lần thứ 23 đã khai mạc ngày 5/12 tại thành phố Houston, thuộc bang Texas của Mỹ.
Hội nghị diễn ra trong bối cảnh biến thể mới Omicron của virus SARS-CoV-2 xuất hiện khiến hoạt động kinh tế toàn cầu và tiêu dùng năng lượng trở nên khó đoán định.
Đơn vị tổ chức hội nghị, Hội đồng dầu khí thế giới (WPC, trụ sở tại London - Anh) cho biết hội nghị năm nay xoay quanh các chủ đề gồm vai trò của dầu và khí đốt Mỹ trên thị trường năng lượng toàn cầu; sự phát triển của đá phiến dầu; chuyển đổi số trong ngành dầu mỏ; chuyển đổi năng lượng từ dầu, khí đốt và than đá sang năng lượng gió, Mặt Trời và các công nghệ sạch khác; tầm nhìn tương lai về ngành năng lượng.
Theo đại diện của WPC, sự kiện này đã bị hoãn từ năm 2020 do ảnh hưởng của đại dịch COVID-19. Hội nghị năm nay cũng vắng mặt đại diện nhiều nước do việc hạn chế đi lại và tâm lý lo ngại sự lây lan của biến thể mới. Bộ trưởng Năng lượng 8 nước Saudi Arabia, Kazakhstan, Qatar, Argentina, Guinea Xích Đạo, Hy Lạp, Thổ Nhĩ Kỳ và Romania, cũng như Giám đốc Điều hành (CEO) các công ty năng lượng lớn như BP, Sonatrach và Qatar Energy không tham dự sự kiện năm nay. Tuy nhiên, hội nghị vẫn thu hút được hơn 4.000 người từ 70 quốc gia và vùng lãnh thổ đăng ký tham gia, với sự góp mặt của hơn 300 diễn giả uy tín trong các chương trình chiến lược và diễn đàn về kỹ thuật.
Trong phiên họp ngày 6/12, CEO của các "đại gia" nhiên liệu Chevron, Exxon Mobil, Saudi Aramco, Equinor và TotalEnergies sẽ trình bày hướng chuyển đổi khỏi nhiên liệu hóa thạch. Tổng thư ký Tổ chức các nước xuất khẩu dầu mỏ (OPEC) Mohammad Barkindo sẽ có đánh giá trực tuyến vào ngày 7/12. Đây là một phần nỗ lực của các nhà sản xuất dầu nhằm đáp ứng những yêu cầu của chính phủ về cắt giảm khí thải CO2 và chuyển sang sử dụng nhiên liệu sạch hơn, đặc biệt khi lo ngại về tình trạng biến đổi khí hậu toàn cầu gia tăng.
WPC được thành lập năm 1933, gồm 65 nước thành viên chiếm hơn 96% sản xuất và tiêu thụ dầu khí toàn cầu. Hội đồng này chủ trương tổ chức hội nghị xăng dầu thế giới 3 năm//lần nhằm tạo diễn đàn để các quốc gia thảo luận các vấn đề cùng quan tâm trong ngành công nghiệp trọng yếu. Hội nghị năm nay được tổ chức trong bối cảnh ngành công nghiệp toàn cầu đối mặt với tình trạng thiếu khí đốt tự nhiên tại châu Á và châu Âu do ảnh hưởng của đại dịch dẫn đến sản lượng bị cắt giảm. Tình trạng giá nhiên liệu tăng vọt được kiểm soát trong thời gian gần đây do những hạn chế đi lại mới được áp dụng và quyết định của OPEC nới lỏng hạn chế sản xuất dầu để đảm bảo sự ổn định của thị trường "vàng đen".
Nguồn tin: TTXVN