Giá dầu suy giảm, các nhà thầu dầu khí cũng có xu hướng giảm khối lượng giếng khoan thăm dò.
Nhiều mỏ dầu đang suy giảm sản lượng khai thác (Trong ảnh: Mỏ Bạch Hổ)
Suy giảm cả sản lượng khai thác lẫn thăm dò
Mới đây, nhận định về hoạt động thăm dò, khai thác của Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN), báo cáo của Viện Dầu khí Việt Nam nhận định: Trong 6 tháng đầu năm 2018, gia tăng trữ lượng cũng chỉ đạt 1,5 triệu tấn quy dầu, có khoảng cách quá xa so với mục tiêu cả năm là 10 - 15 triệu tấn quy dầu. Hệ số gia tăng trữ lượng bù trừ vào sản lượng khai thác đạt hệ số an toàn trong giai đoạn 2011 - 2015 là 1,5 lần, suy giảm tới mức đáng lo ngại vào năm 2016 khi chỉ còn 0,65 lần, rồi tiếp tục giảm xuống mức nguy hiểm là 0,17 lần vào năm 2017 và 6 tháng đầu năm 2018 xuống còn 0,13 lần - mức báo động đối với công tác tìm kiếm, thăm dò dầu khí và sự phát triển bền vững của PVN trong thời gian tới.
Bên cạnh đó, sản lượng các mỏ dầu đang suy giảm, nhiều mỏ dầu có tỷ lệ ngập nước cao như: Bạch Hổ - Rồng, Rạng Đông - Phương Đông, Sư Tử Đen - Sư Tử Vàng... làm ảnh hưởng đến việc khai thác. Các mỏ khí có trữ lượng lớn như Lan Tây/Lan Đỏ, Rồng Đôi/Rồng Đôi Tây cũng đều đã suy giảm sản lượng trong khi các nguồn khí tiềm năng lớn gặp nhiều khó khăn về tiến độ phát triển khai thác.
Bàn về cơ chế khuyến khích đầu tư thăm dò khai thác dầu khí ở Việt Nam trong bối cảnh hiện nay, nhóm nghiên cứu của Viện Dầu khí Việt Nam cho biết: Tính đến thời điểm 31/12/2017, với vai trò đại diện cho nước chủ nhà, PVN đã ký kết 108 hợp đồng/dự án (HĐ/DA) với các nhà thầu ở trong và ngoài nước để tiến hành các hoạt động thăm dò khai thác dầu khí. Tới nay, số HĐ/DA kết thúc đang có xu hướng tăng do nhiều dự án ký kết trước đó kết thúc giai đoạn thăm dò và không có phát hiện dầu khí.
Cần phát triển khai thác các mỏ cận biên
Trước tình hình trên, các chuyên gia nhận định, mặc dù có nhiều mỏ dầu khí mới được đưa vào khai thác trong những năm vừa qua nhưng PVN sẽ gặp nhiều khó khăn trong việc đảm bảo sản lượng khai thác dầu khí đạt 23 - 34 triệu tấn dầu quy đổi năm theo kế hoạch 5 năm 2011 - 2015. Để gia tăng sản lượng khai thác, ngoài việc áp dụng các biện pháp nâng cao thu hồi dầu và tìm kiếm thêm các mỏ mới ở nước ngoài, Việt Nam cần phải có cơ chế chính sách mới để khuyến khích các nhà thầu phát triển các mỏ cận biên ở Việt Nam. “Việc phát triển khai thác mỏ cận biên luôn tiềm ẩn nhiều rủi ro và khó khăn. Do đó, Chính phủ Việt Nam cần có chính sách đảm bảo cho nhà thầu đầu tư phát triển khai thác mỏ cận biên có thể nhận được một phần lợi nhuận để bảo đảm cho rủi ro nếu gặp phải”, nhóm nghiên cứu của Viện Dầu khí Việt Nam nhấn mạnh.
Qua đây, nhóm nghiên cứu đề xuất cơ chế ưu đãi, khuyến khích nhà thầu dầu khí đầu tư phát triển khai thác mỏ cận biên ở Việt Nam. “Trong điều kiện tính kinh tế của việc phát triển khai thác mỏ cận biên là hạn chế, để phát triển khai thác được các mỏ này, Chính phủ Việt Nam cần xác định sẽ nhận phần thu ít hơn so với phần Chính phủ nhận được ở các mỏ thông thường. Hay nói cách khác là cần có sự chia sẻ rủi ro cũng như lợi ích cho nhà đầu tư”, báo cáo của Viện Dầu khí Việt Nam kiến nghị.
Ngoài ra, Việt Nam có thể xem xét giảm thuế thu nhập (CIT) đối với lợi nhuận được nhà thầu sử dụng để phục vụ công tác nghiên cứu công nghệ kỹ thuật mới áp dụng cho mỏ cận biên. Xem xét đề xuất cơ chế khuyến khích nhà thầu kết nối với các cơ sở hạ tầng hiện có và tạo điều kiện để nhà thầu có thể phát triển chung, phát triển cụm mỏ cận biên hoặc ưu tiên phát triển theo thứ tự. Cần phải xây dựng hệ thống cơ sở hạ tầng theo quy hoạch mang tính tổng thể để các nhà thầu có thể kết nối trong quá trình phát triển các mỏ cận biên, đặc biệt là các mỏ khí cận biên. Vì vấn đề này có ảnh hưởng không nhỏ đến hiệu quả kinh tế phát triển mỏ cận biên, do đó ảnh hưởng đến quyết định đầu tư của nhà thầu.
Để khuyến khích nhà thầu triển khai thực hiện công nghệ nâng cao thu hồi dầu (EOR), Chính phủ cần ban hành cơ chế chính sách ưu đãi về thuế tài nguyên, thu hồi chi phí và thuế thu nhập doanh nghiệp của nhà thầu. Ngoài ra, Chính phủ cũng cần bổ sung một số điều khoản về EOR vào hợp đồng chia sản phẩm (PSC) mẫu đã được ban hành và ban hành hợp đồng EOR đối với việc triển khai đầu tư cho EOR, áp dụng cho các lô hợp đồng dầu khí đã ký. Trong khi chờ ban hành hợp đồng EOR, PVN sẽ trợ giúp nhà thầu ký hợp đồng bổ sung hợp đồng dầu khí nếu nhà thầu có ý định triển khai EOR.
Về phía PVN, các chuyên gia khuyến cáo tập đoàn cần nhanh chóng làm các thủ tục cần thiết để trình Bộ Công thương xin ý kiến Thủ tướng Chính phủ và Quốc hội để ban hành các quyết định liên quan tới việc ưu đãi, khuyến khích nhà thầu trong tìm kiếm, thăm dò, phát triển khai thác dầu khí ở Việt Nam.
Nguồn tin: vietnambiz.vn