Đồng đô la Mỹ đã thống trị thương mại toàn cầu và dòng vốn trong nhiều thập kỷ. Tuy nhiên, như Bruo Venditti của Visual Capitalist nêu chi tiết bên dưới, nhiều quốc gia đang tìm kiếm các lựa chọn thay thế cho đồng bạc xanh để giảm bớt sự phụ thuộc của họ vào nước Mỹ.
Sự thống trị của đồng đô la
Gần như chỉ sau một đêm, Hoa Kỳ đã trở thành cường quốc tài chính hàng đầu sau Thế chiến thứ nhất. Nước này chỉ tham chiến vào năm 1917 và nổi lên mạnh mẽ hơn nhiều so với các đối tác châu Âu.
Kết quả là, đồng đô la bắt đầu thay thế đồng bảng Anh với tư cách là đồng tiền dự trữ quốc tế và Hoa Kỳ cũng trở thành nước tiếp nhận đáng kể nguồn vàng thời chiến.
Sau đó, đồng đô la đã đạt được vai trò lớn hơn vào năm 1944, khi 44 quốc gia ký kết Thỏa thuận Bretton Woods, tạo ra một chế độ trao đổi tiền tệ quốc tế chung được neo bằng đồng đô la Mỹ, đồng đô la này sau đó được neo vào giá vàng.
Vào cuối những năm 1960, hàng xuất khẩu của Châu Âu và Nhật Bản trở nên cạnh tranh hơn so với hàng xuất khẩu của Hoa Kỳ. Có một nguồn cung đô la lớn trên khắp thế giới, khiến việc hỗ trợ đô la bằng vàng trở nên khó khăn. Tổng thống Nixon đã chấm dứt khả năng chuyển đổi trực tiếp của đô la Mỹ sang vàng vào năm 1971. Điều này đã chấm dứt cả chế độ bản vị vàng và giới hạn về số lượng tiền tệ có thể được in.
Mặc dù vẫn là đồng tiền dự trữ quốc tế, nhưng kể từ đó, đồng đô la Mỹ ngày càng mất đi sức mua.
Các bước của Nga và Trung Quốc hướng tới phi đô la hóa
Lo ngại về sự thống trị của Mỹ đối với hệ thống tài chính toàn cầu và khả năng 'vũ khí hóa' đồng đôla của nước này, các quốc gia khác đã thử nghiệm nhiều giải pháp thay thế để giảm bớt quyền bá chủ của đồng đô la.
Khi Hoa Kỳ và các quốc gia phương Tây khác áp đặt biện pháp trừng phạt kinh tế đối với Nga để đáp trả cuộc xâm lược Ukraine, Moscow và chính phủ Trung Quốc đã hợp tác cùng nhau để giảm sự phụ thuộc vào đồng đô la và thiết lập sự hợp tác giữa các hệ thống tài chính của họ.
Kể từ cuộc xâm lược vào năm 2022, giao dịch bằng đồng rúp-nhân dân tệ đã tăng gấp 80 lần. Nga và Iran cũng đang hợp tác để tung ra một loại tiền điện tử được dựa vào vàng, theo hãng thông tấn Nga Vedmosti.
Ngoài ra, các ngân hàng trung ương (đặc biệt là của Nga và Trung Quốc) đã mua vàng với tốc độ nhanh nhất kể từ năm 1967 khi các quốc gia chuyển sang đa dạng hóa dự trữ của họ khỏi đồng đô la.
Các quốc gia khác đang giảm sự phụ thuộc vào đô la như thế nào
Phi đô la hóa là một chủ đề ở những nơi khác trên thế giới:
- Trong những tháng gần đây, Brazil và Argentina đã thảo luận về việc tạo ra một đồng tiền chung cho hai nền kinh tế lớn nhất Nam Mỹ.
- Trong một hội nghị ở Singapore vào tháng 1, nhiều cựu quan chức Đông Nam Á đã nói về những nỗ lực phi đô la hóa đang được tiến hành.
- Các Tiểu vương quốc Ả Rập Thống nhất và Ấn Độ đang đàm phán để sử dụng đồng rupee để giao dịch các mặt hàng phi dầu mỏ nhằm tránh xa đồng đô la, theo Reuters.
- Lần đầu tiên sau 48 năm, Ả Rập Saudi cho biết quốc gia giàu dầu mỏ này sẵn sàng giao dịch bằng các loại tiền tệ khác bên cạnh đồng đô la Mỹ.
Bất chấp những diễn biến này, ít người cho rằng sẽ sớm thấy sự kết thúc của tình trạng bá chủ toàn cầu của đồng đô la. Hiện tại, các ngân hàng trung ương vẫn nắm giữ khoảng 60% dự trữ ngoại hối bằng đô la.
Nguồn tin: Zerohedge.com
© Bản tiếng Việt của xangdau.net