Cho rằng biểu khung thuế dự kiến trong tờ trình (mức trần 8.0000 đồng/lít) là quá cao, Hiệp hội Xăng dầu đề nghị mức thuế bảo vệ môi trường với mặt hàng xăng nâng từ 3.000 đồng/lít lên tối đa 5.000 đồng/lít.
Hiệp hội Xăng dầu Việt Nam (VINPA) vừa tiếp tục có văn bản gửi Bộ Tài chính nêu ý kiến về dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Thuế bảo vệ môi trường.
Theo đó, VINPA đồng tình với phương án tăng thuế bảo vệ môi trường của Bộ Tài chính. VINPA cho rằng việc sửa đổi, bổ sung về đối tượng và khung mức thuế đảm bảo trách nhiệm bảo vệ môi trường của cá nhân, tổ chức khi sử dụng các sản phẩm có tác động trực tiếp đến môi trường, phù hợp với lộ trình hội nhập kinh tế quốc tế.
Tuy nhiên, theo VINPA, biểu khung thuế dự kiến trong tờ trình (mức trần 8.0000 đồng/lít) là quá cao.
VINPA đề nghị mức thuế bảo vệ môi trường với mặt hàng xăng nâng từ 3.000 đồng/lít lên tối đa 5.000 đồng/lít; dầu diesel nâng từ 1.500 đồng/lít lên tối đa 3.000 đồng/lít; nhiên liệu bay từ 3.000 đồng/lít lên 5.000 đồng/lít và dầu madut từ 900 đồng/kg lên tối đa 3.000 đồng/kg.
Đối với xăng dầu sinh học, để khuyến khích sử dụng, VINPA đồng tình chọn phương án đối với sản phẩm phối trộn tỉ lệ 5%, mức thuế bằng 80% mức thuế cụ thể của xăng gốc hóa thạch và dầu diesel tương ứng; đối với sản phẩm phối trộn ở mức 10%, mức thuế bằng 70% mức thuế cụ thể của xăng gốc hóa thạch và dầu diesel tương ứng. Đây là phương án ưu đãi lớn nhất trong số các phương án được đề xuất.
Hiện khung thuế bảo vệ môi trường với mặt hàng xăng đang là 1.000 - 4.000 đồng/lít và Bộ Tài chính dự kiến đề xuất Chính phủ báo cáo với Quốc hội để tăng khung thuế suất này lên 3.000 - 8.000 đồng/lít.
Trước đó, tại hội thảo “Thị trường xăng dầu Việt Nam và vấn đề thể chế” tổ chức ngày 16/5, Hiệp hội Xăng dầu Việt Nam một lần nữa thể hiện quan điểm đồng tình với việc tăng thuế bảo vệ môi trường đối với xăng dầu. Tuy nhiên, Hiệp hội đề nghị Bộ Tài chính cần tính toán kỹ để điều chỉnh tăng thuế nội địa cho phù hợp với nền kinh tế, sức dân, tránh điều hành giật cục, gây sốc cho nền kinh tế và người tiêu dùng.
Liên quan tới đề xuất nâng khung thuế bảo vệ môi trường với mặt hàng xăng dầu, mới đây, trao đổi tại phiên họp báo Chính phủ thường kỳ tháng 5 diễn ra chiều 3/6, Thứ trưởng Bộ Tài chính Trần Xuân Hà cho biết, theo quy định, việc quyết định khung thuế suất thuế bảo vệ môi trường là do Quốc hội ban hành, còn mức cụ thể do Ủy ban Thường vụ Quốc hội quyết định.
Đề cập đến vấn đề “lợi ích quốc gia” khi xem xét thuế bảo vệ môi trường với xăng dầu, Thứ trưởng Hà cho hay: Bộ Tài chính thấy rằng, đây là một khoản thu làm tăng nguồn thu cho ngân sách Nhà nước (NSNN). Khi thu được khoản này sẽ tạo điều kiện để cơ cấu lại nguồn thu ngân sách đặt trong bối cảnh, thuế nhập khẩu xăng dầu sẽ về 0%.
Hơn nữa, giá xăng dầu tại Việt Nam hiện đang được đánh giá ở mức thấp nhất so với các nước khác có chung đường biên giới. Do đó, theo Thứ trưởng Hà, việc tăng thuế bảo vệ môi trường cũng là một trong những biện pháp giúp quản lý mặt hàng xăng dầu và hạn chế tình trạng buôn lậu. Vấn đề xem xét đến lợi ích của doanh nghiệp và người dân, tác động chung đến lạm phát sẽ được tính toán thấu đáo cụ thể khi điều chỉnh mức thuế suất thuế bảo vệ môi trường với mặt hàng xăng dầu sau này.
Nguồn tin: Danviet.vn