Sau nhiều kiến nghị bất thành, mới đây Hiệp hội xăng dầu Việt Nam đã có văn bản gửi Thủ tướng xin chỉ đạo Bộ Tài chính hoàn trả số tiền hơn 57,6 tỷ đồng mà một doanh nghiệp thành viên của Hiệp hội này đã tạm nộp vì quyết định ấn định thuế được cho là không đúng của cơ quan hải quan.
Cụ thể, Tổng công ty Dầu Việt Nam (PV OIL) là doanh nghiệp đã tạm nộp cho ngân sách số tiền 57,6 tỷ đồng vì cơ quan Hải quan cáo buộc 03 lô hàng xăng dầu mà công ty này nhập khẩu bất hợp pháp, không đủ Giấy chứng nhận xuất xứ hàng hóa C/O
PV OIL đang kiến nghị nhiều cơ quan chức năng và Thủ tướng để đòi lại số thuế được cho là nộp oan
Trên thực tế, bắt đầu từ 1/9/2016, Việt Nam chính thức áp dụng biểu thuế nhập khẩu ưu đãi đặc biệt với hàng hóa nhập khẩu từ các nước ASEAN giai đoạn 2016-2018 (thuế suất ATIGA). Nếu hàng hóa có xuất xứ (Giấy chứng nhận xuất xứ hàng hóa C/O) tại nước và lãnh thổ ASEAN sẽ được giảm thuế và hoàn thuế.
Trong văn bản do ông Phan Thế Ruệ, Chủ tịch Hiệp hội Xăng dầu Việt Nam ký gửi lên Thủ tướng khẳng định, PV OIL có Giấy chứng nhận xuất xứ hàng hóa (C/O) của 03 lô hàng xăng dầu nhập khẩu hoàn toàn hợp pháp, có xuất xứ rõ ràng. Việc thiếu chữ ký trên các C/O là khách quan vì PV OIL cũng cần các C/O hợp lệ để được hưởng thuế ưu đãi đặc biệt ATIGA và thực tế việc này không làm thay đổi bản chất của các C/O.
Nhằm tháo gỡ khó khăn cho hoạt động sản xuất kinh doanh và đảm bảo yêu cầu cổ phần hóa PV OIL, Hiệp hội Xăng dầu xin đề nghị Thủ tướng sớm chỉ đạo Bộ Tài chính hoàn trả số tiền hơn 57,6 tỷ đồng mà PV OIL đã tạm nộp, tránh thiệt hại cho doanh nghiệp (DN).
"Việc thu Ngân sách Nhà nước năm nay rất khó khăn, nhưng Hiệp hội đề nghị Bộ Tài chính cần thu đúng, thu đủ, tránh gây khó khăn cho DN", văn bản của Hiệp hội Xăng dầu nhấn mạnh.
Trước đó, ngày 27/7/2016, Cục Kiểm tra sau thông quan (Tổng cục Hải quan - Bộ Tài chính) đã gửi Phiếu báo tin số 477, thông báo số thuế ấn định dự kiến là 57,6 tỷ đồng cho PV OIL vì 03 tờ khai của 03 lô hàng nhập khẩu xăng dầu liên quan đến C/O mẫu D không có chữ ký của người xuất khẩu tại ô số 11.
Tuy nhiên, PV OIL sau đó cũng giải trình và khẳng định 03 lô hàng trên hoàn toàn hợp pháp, có xuất xứ rõ ràng từ các nhà máy lọc dầu tại Singapore. Đồng thời Công ty này khẳng định: Việc thiếu sót của người xuất khẩu (người xin cấp C/O) không ký trên ô số 11 của 03 lô hàng xăng dầu nhập khẩu là hoàn toàn khách quan. Việc này người mua (là PV OIL) không thể chi phối, tác động tới việc này.
"Về nguyên tắc hàng chỉ cần C/O của lô hàng hợp lệ và đúng về mặt thể thức để được hưởng hoàn thuế theo quy định. Dù các C/O trên không đáp ứng hoàn toàn yêu cầu về thể thức nhưng không làm thay đổi bản chất của các lô hàng", Hiệp hội giải thích.
Theo Hiệp hội, khi các lô hàng trên bị cơ quan Hải quan ấn định thuế, PV OIL sẽ chịu nhiều thiệt thòi, bất lợi và chắc chắn sẽ làm xáo trộn hoạt động kinh doanh. Hiện PV OIL đang gặp rất nhiều khó khăn và khẩn trương cổ phần hóa theo đúng chỉ đạo. Việc ấn định thuế nếu sẽ làm giảm giá trị của PV OIL khi lên sàn vào cuối năm nay.
Trước khi Hiệp hội Xăng dầu gửi kiến nghị lên Thủ tướng, PV OIL và Bộ Công thương cũng đã có văn bản kiến nghị Tổng cục Hải quan, Bộ Tài chính giải trình vấn đề xung quanh C/O đối với 03 lô hàng bị cáo buộc chưa rõ ràng dẫn đến bị quyết định thu thuế sau đó. Đồng thời, chính DN này cũng đề nghị lập đoàn thanh tra của Bộ Tài chính và Tổng cục Hải quan sang Singapore để truy xuất nguồn gốc lô hàng và doanh nghiệp mà PV OIL nhập khẩu. Tuy nhiên, mọi biện pháp đều vô ích, quyết định ấn định thuế vẫn được thực hiện.
Nguồn tin: Dantri