Thông tin Tập đoàn Xăng dầu Việt Nam (Petrolimex) sắp niêm yết trên TTCK khiến CP của doanh nghiệp trên thị trường OTC bất ngờ được đẩy lên mức trên 3.0, so với mức giá khoảng 2.0 trước đó. Theo nhận định của giới đầu tư, Petrolimex sẽ còn tăng nữa khi ngày chào sàn đang đến gần. Nhưng liệu mức giá này có hợp lý khi lợi thế lớn nhất của tập đoàn này là vị thế độc quyền đang mất dần.
Hiệu quả từ CPH
Petrolimex được hình thành từ việc cổ phần hóa (CPH) và cấu trúc lại Tổng công ty Xăng dầu Việt Nam, chính thức trở thành công ty đại chúng từ năm 2012. Từ khi IPO đến nay, qua hơn 5 năm tổng số vốn huy động của Petrolimex tăng từ 7.800 tỷ đồng lên 17.500 tỷ đồng. Về cơ cấu cổ đông, với cơ cấu Nhà nước nắm giữ gần 95% cổ phần, đến nay Petrolimex đã chính thức hoàn thành nhiệm vụ thoái vốn, đưa tỷ lệ vốn nhà nước giảm xuống mức 75%. Theo đó, cơ cấu cổ đông của Petrolimex gồm NĐT trong nước chiếm 80,08%, NĐTNN chiếm 8% và CP quỹ chiếm 11,98%. Bên cạnh lĩnh vực kinh doanh chính xuất nhập khẩu và kinh doanh xăng dầu (chiếm 86% doanh thu và 75% lợi nhuận gộp), tập đoàn này còn kinh doanh các sản phẩm lọc hóa dầu khí, khí hóa lỏng, vận tải xăng dầu, bảo hiểm… Theo thống kê, mảng kinh doanh xăng dầu của Petrolimex hiện chiếm đến 50% thị phần nhờ sở hữu 2.352 cửa hàng và hơn 4.000 đại lý xăng dầu trên cả nước. Petrolimex cùng với PV Oil và Saigon Petro hiện thống lĩnh hơn 75% thị phần xăng dầu trên cả nước
Việc CPH Petrolimex đã mang lại những hiệu ứng tích cực khi lợi nhuận trước khi cổ phần từ con số âm 1.461 tỷ đồng dần được xóa bỏ và đến thời điểm cuối năm 2015, lợi nhuận sau thuế bật tăng mạnh mẽ lên mức 2.724 tỷ đồng (tăng 746%). Đặc biệt, từ khi CPH đến nay, cổ đông của Petrolimex nhận được cổ tức bình quân với mức 8%/năm. Theo BCTC quý III-2016, kết quả sản xuất kinh doanh 9 tháng năm 2016 của Petrolimex tiếp tục ghi nhận được những con số hết sức khả quan. Cụ thể, tổng doanh thu thuần hợp nhất đạt 88.059 tỷ đồng (bằng 78% so với cùng kỳ). Theo lý giải của Petrolimex, doanh thu giảm do giá dầu thô thế giới (WTI) bình quân 9 tháng năm 2015 là 51,01USD/thùng, trong khi bình quân cùng kỳ năm 2016 là 41,31USD/thùng (bằng 80,98% giá dầu bình quân 9 tháng năm 2015). Tuy nhiên, tổng lợi nhuận hợp nhất trước thuế đạt 4.064 tỷ đồng (đạt 102% kế hoạch và bằng 160% so với cùng kỳ).
Ngoài ra, việc lợi nhuận tăng mạnh so với doanh thu do công ty mẹ nhận được cổ tức, lợi nhuận chia từ các công ty con, công ty liên doanh liên kết tăng. Trong khi đó, chi phí hoạt động tài chính giảm mạnh do công ty mẹ hoàn nhập dự phòng đầu tư vào các công ty con, công ty liên doanh liên kết và không phát sinh lỗ tỷ giá. Trong năm 2016, ảnh hưởng chênh lệch tỷ giá trong kỳ đến lợi nhuận hoạt động kinh doanh được ghi nhận thường xuyên theo thực tế, nên không bị biến động lớn do chênh lệch dồn tích vào thời điểm điểu chỉnh tỷ giá như thời gian từ năm 2015 trở về trước. Nhờ cách tính này, quý III-2016, Petrolimex phát sinh lỗ chênh lệch tỷ giá chỉ 4 tỷ đồng, giảm 424 tỷ đồng so với quý III-2015, khi NHNN điều chỉnh tăng tỷ giá bình quân liên ngân hàng thêm 1% và nới biên độ giao dịch từ 2-3%
Áp lực cạnh tranh gia tăng
Petrolimex đang hoàn thiện hồ sơ, thủ tục nộp lên UBCKNN để sẵn sàng lên sàn vào quý I-2017. Trong thông báo mới nhất của mình, tập đoàn này cho biết đã hoàn thành phương án phát hành vốn, giảm vốn nhà nước từ 94,99% xuống 75,87% theo chỉ đạo Thủ tướng Chính phủ. Thông tin này ngay lập tức tác động đến giá CP của Petrolimex và hiện đang giao dịch ở mức 31.500-32.000 đồng/CP. Mức giá này vẫn còn thấp hơn nhiều so với mức giá 39.000 đồng/CP Petrolimex đã bán cho JX Nippon Oil & Energy (chiếm 8% vốn điều lệ) hồi tháng 9-2016. Chính vì vậy, có không ít nhận định cho rằng Petrolimex nhiều khả năng sẽ tăng qua mốc 4.0 khi thời điểm niêm yết đang đến gần.
Petrolimex sẽ mất vị thế độc quyền kinh doanh xăng dầu bán lẻ.
Tuy nhiên, cũng có ý kiến cho rằng mức giá 4.0 nếu Petrolimex dự định mang ra chào sàn là cao so với một doanh nghiệp đang mất dần vị thế độc quyền, lợi thế kinh doanh lớn nhất của Petrolimex. Theo phân tích của các chuyên gia, về dài hạn hoạt động kinh doanh của Petrolimex sẽ gặp nhiều khó khăn do gặp phải sự cạnh tranh quyết liệt từ các đối thủ truyền thống là PV Oil hay Saigon Petro, và mới nhất là Idemitsui Q8 vừa được cấp phép phân phối và bán lẻ xăng dầu tại thị trường Việt Nam. Idemitsui Kosan (Nhật Bản) cùng với Công ty Dầu khí Kuwait (KPI) đều chiếm 35,1% vốn trong Công ty liên doanh Lọc hóa dầu Nghi Sơn có quy mô hơn 9 tỷ USD. Đây cũng là 2 cổ đông của Công ty TNHH Xăng dầu Idemitsui Q8 vừa được cấp giấy phép hoạt động tháng 4-2016. Theo kế hoạch, Idemitsui Q8 sẽ mở cây xăng đầu tiên tại Hà Nội vào đầu năm 2017.
Một yếu tố không kém phần quan trọng NĐT cần lưu ý nếu muốn đầu tư vào Petrolimex, là hiện tượng đầu tư ngoài ngành của tập đoàn này. Báo cáo của Thanh tra Chính phủ được công bố đầu năm 2016, cho thấy ngoài ngành nghề kinh doanh chính, Petrolimex đã đầu tư hơn 2.255 tỷ đồng vào các lĩnh vực ngân hàng, bảo hiểm, bất động sản. Trong đó, có những khoản đầu tư giá trị lớn không đúng quy định, như việc rót thêm 400 tỷ đồng vào PG Bank, hơn 171 tỷ đồng vào bảo hiểm hay đầu tư 51 tỷ đồng vào bất động sản không có sự chấp thuận của Bộ Công Thương và Thủ tướng Chính phủ. Ngoài ra, tập đoàn này còn sử dụng sai nguồn vốn đầu tư kinh doanh hơn 646 tỷ đồng, cho các đơn vị thành viên vay dài hạn. Một số khoản đầu tư vào các doanh nghiệp khác cũng có nguy cơ thua lỗ và mất vốn.
Nguồn tin: saigondautu