Để sử dụng Xangdau.net, Vui lòng kích hoạt javascript trong trình duyệt của bạn.

To use Xangdau.net, Please enable JavaScript in your browser for better use of the website.

Loader

Hệ lụy khi giá quá thấp

Mặc dù thông báo mới đây của Mỹ về việc sẽ hỗ trợ 17,4 tỷ USD cho ngành ô tô đã góp phần đẩy giá dầu thô lên trên 44 USD/thùng vào đầu tuần này, nhưng mức giá trên vẫn đe doạ sẽ gây ra hậu quả xấu đối với ngành năng lượng.

Mở đầu Hội nghị Bộ trưởng 27 nước sản xuất và tiêu thụ dầu tại London (Anh) diễn ra vào cuối tuần qua, Thủ tướng Anh Gordon Brown đã cảnh báo rằng, nếu không kìm giữ đà suy giảm giá dầu, thì xét về dài hạn, cả nhà sản xuất lẫn người tiêu thụ đều bị thiệt, kinh tế toàn cầu sẽ phải trả giá hàng ngàn tỷ USD mỗi năm. Theo Thủ tướng Anh, về ngắn hạn, giá dầu giảm xuống mức kỷ lục sẽ ảnh hưởng tiêu cực đến hoạt động đầu tư vào ngành năng lượng.
 
Tại hội nghị này, những nước sản xuất và tiêu thụ dầu lớn nhất thế giới cũng kêu gọi phải tăng cường phối hợp để đẩy mạnh các biện pháp nhằm bình ổn giá dầu, qua đó đảm bảo mức đầu tư cho nguồn cung năng lượng trong tương lai. Chủ tịch Tổ chức Các nước xuất khẩu dầu lửa (OPEC) Chakib Khelil khẳng định rằng, mức giá 75 USD/thùng là ngưỡng “không được phép phá vỡ” trong dài hạn.
 
Saudi Arabia một trong những nước xuất khẩu dầu lớn nhất thế giới cũng nhận định, 75 USD/thùng dầu là “mức giá phải chăng”. Mặc dù vậy, nhiều nước tiêu thụ dầu, trong đó đại diện là Ấn Độ, lại cho rằng, mức giá 40-50 USD/thùng như hiện tại là hợp lý.
 
Trong khi cuộc tranh cãi về “tính hợp lý” của giá dầu còn chưa ngã ngũ thì những biến động thất thường trên thị trường dầu lửa đang khiến nhiều công ty năng lượng gặp khó khăn trong việc lập kế hoạch cho tương lai, khiến danh sách các dự án bị trì hoãn ngày càng dài. Mới đây, tại Mỹ, nhiều giếng dầu khai thác đã phải tạm thời đóng cửa, một số dự án xây dựng nhà máy lọc dầu mới ở Saudi Arabia, Kuwait và Ấn Độ đã phải giãn tiến độ.
 
Nhiều kế hoạch khoan dầu ngoài khơi ở bờ biển châu Phi cũng đang bị xem xét lại. Tuy vậy, các kế hoạch cắt giảm lớn nhất đến nay dường như lại tập trung vào những dự án khai thác dầu nặng ở Canada, một trong những nơi có chi phí sản xuất cao nhất thế giới.
 
TatoilHydro, một công ty dầu lớn của Na Uy, gần đây đã phải rút dự án trị giá 12 tỷ USD ở Canada do giá dầu giảm mạnh. Trong khi đó, các công ty Shell, Nexen, Petro-Canada đều đã phải hủy hoặc trì hoãn các dự án mới ở tỉnh Alberta (Canada). Theo một số công ty khai thác dầu khí ở đây, họ chỉ có lãi khi giá dầu ở mức 90 USD/thùng.
 
Saudi Arabia cũng cho biết, 2 dự án lọc dầu mới với Công ty ConocoPhillips và Total của Pháp đã phải trì hoãn cho tới khi chi phí giảm hơn. Còn Kuwait phải tạm dừng kế hoạch triển khai Dự án xây dựng nhà máy lọc dầu thứ 4, trị giá 15 tỷ USD. Gần đây, Công ty dầu lửa quốc gia Petro SA (Nam Phi) cũng thông báo hủy kế hoạch xây dựng nhà máy chuyển than thành nhiên liệu lỏng; Tập đoàn TNK-BP (Anh-Nga) thông báo giảm 1 tỷ USD chi phí đầu tư trong năm tới; Callon Petroleum (một công ty lớn của Mỹ) cũng thông báo ngừng dự án khai thác ở vùng nước sâu vịnh Mexico.
 
Ông Peter Jacksson, nhà phân tích tại Công ty CERA nhận định rằng, việc nhiều dự án năng lượng bị trì hoãn có thể khiến nguồn cung nhiên liệu toàn cầu giảm mạnh với mức giảm tương đương 4 triệu thùng dầu/ngày trong vòng 5 năm tới, bằng khoảng 5% nguồn cung dầu lửa trên thị trường thế giới hiện nay. Hãng tư vấn năng lượng PFC thì ước tính, tổng chi phí khai thác và sản xuất dầu khí sẽ giảm mạnh vào đầu năm tới sau khi đạt mức 329 tỷ USD trong năm 2007. Riêng đầu tư vào hoạt động thăm dò dầu khí của Mỹ trong năm tới có thể giảm 41% so với năm nay.
 
Theo tờ International Herald Tribune, việc giảm vốn đầu tư, trì hoãn nhiều dự án khai thác sẽ tác động trực tiếp tới nguồn cung. Hệ quả là nhiều khả năng sẽ xảy ra đợt tăng giá chóng mặt trên thị trường dầu lửa toàn cầu một khi kinh tế tế giới phục hồi và hiển nhiên, kinh tế thế giới sẽ lại bị tác động “đúp”..

(Đầu tư)

ĐỌC THÊM