Để sử dụng Xangdau.net, Vui lòng kích hoạt javascript trong trình duyệt của bạn.

To use Xangdau.net, Please enable JavaScript in your browser for better use of the website.

Loader

Hành trình nhập 80 triệu tấn dầu thô của BSR: Từ học việc vươn lên tầm chuyên gia

 Trải qua hơn 12 năm, Công ty CP Lọc hóa dầu Bình Sơn (BSR) đã nhập 80 triệu tấn dầu thô sau khi chuyến tàu thứ 1.000 nhập hàng an toàn vào cuối tháng 5-2021. Đây là một quá trình vô cùng phức tạp, nỗ lực vượt khó, từ vị trí người học việc vươn lên tầm cao chuyên gia.

Ngày 29-12-2008, Nhà máy Lọc dầu (NMLD) Dung Quất tập trung tối đa nguồn lực để nhập lô dầu thô đầu tiên phục vụ việc chạy khởi động nhà máy. Ở phía ngoài xa vịnh Việt Thanh, tàu Torn Gudrun đang tiến vào khu vực phao rót dầu không bến (SPM) để bơm dầu vào nhà máy. Thời điểm đó, anh Phan Đông Hải (nguyên Trưởng ban Quản lý cảng biển) là nhân sự Việt Nam giàu kinh nghiệm về hàng hải nhất tại BSR. Anh Hải kể lại, khi ấy các chuyên gia cả ngoại lẫn nội đánh giá năng lực của đội ngũ vận hành cảng biển của BSR đáp ứng yêu cầu công việc là... 0%, bởi hầu hết là các sinh viên vừa tốt nghiệp các trường đại học và trung học hàng hải.

Chuyến nhập dầu đầu tiên ấy được đánh giá là không thành công như mong đợi bởi thời tiết khắc nghiệt và nhân sự thiếu kinh nghiệm. Các chuyên gia của nhà thầu Technip lo ngại, có chuyên gia Pháp đã bỏ về. Lãnh đạo Ban Quản lý dự án vô cùng âu lo.

Trước khi chuyến dầu thứ 2 cập bến, anh Trương Văn Tuyến, Trưởng ban Quản lý dự án gọi anh Hải lên hỏi: “Chuyến này có chắc chắn thành công?”. Anh Hải suy nghĩ trong giây lát và quả quyết rằng sẽ làm được. Sau đó, anh Hải cùng đồng nghiệp lập phương án, nghiên cứu mọi yếu tố rủi ro của thời tiết và rút ra những bài học kinh nghiệm sau lần nhập dầu đầu tiên. Chuyến nhập dầu thứ 2 thành công, rồi chuyến thứ 3 cũng thành công.

Khi đó, nhà thầu Technip đồng ý giao cho Ban Quản lý cảng biển chịu trách nhiệm vận hành phao SPM trong giai đoạn chạy thử. Sau khi nhận trách nhiệm lớn lao đó, gần như ngay lập tức, bộ phận cảng biển phải tự hoàn thiện kỹ năng, trình độ. Thời điểm ấy, mỗi khi tác nghiệp, mọi người đều ghi chép, quay phim lại đầy đủ để về đất liền... “mổ băng”. Từ những tài liệu đó, mọi người biết chỗ nào chưa được, chỗ nào cần phát huy, chỗ nào còn mất an toàn... Chỉ sau vài tháng ngắn ngủi, nhân sự cảng biển đã “tạm lành nghề”, có thể đảm nhận những nhiệm vụ phức tạp, yêu cầu kỹ thuật cao.

Khi NMLD Dung Quất bước vào giai đoạn vận hành, có một chuyên gia của nhà thầu O&M nhận xét: “Tôi đã làm qua rất nhiều dự án, nhưng công tác nhập dầu của các anh tốt hơn, tiết kiệm hơn rất nhiều”. Đó là sự ghi nhận khách quan của một chuyên gia nước ngoài về những nỗ lực của nhân sự BSR, từ những người học việc, bị động trở thành những người chủ động trong công việc.

Chiến lược trọng tâm của BSR là đa dạng hóa nguồn dầu thô cung cấp cho NMLD Dung Quất nhằm bổ sung, thay thế dần sản lượng dầu thô Bạch Hổ và các chủng loại dầu trong nước ngày càng sụt giảm. Để chủ động và linh hoạt lựa chọn các nguồn dầu thô nhập khẩu, BSR đã đẩy mạnh công tác tìm kiếm, đánh giá các nguồn dầu thô có khả năng cung cấp cao và mức chế biến tối đa tại NMLD Dung Quất, đặc biệt là các loại dầu cơ hội, dầu có giá cạnh tranh.

Trải qua hơn 12 năm nhập dầu thô, kỹ thuật, phương pháp của BSR ngày càng sáng tạo nhằm rút ngắn thời gian nhập dầu, tiết kiệm chi phí, ít bị tác động hơn từ điều kiện thời tiết.

Theo quy trình, tàu hàng sẽ neo gần phao SPM. Đây là một tổ hợp cơ khí nặng 360 tấn, cao 10m, bao gồm các hệ thống plem, đường ống ngầm dẫn dầu thô dài 3,2km tới nhà máy và 2 đường ống nổi dài 242m để nối từ phao rót dầu đến tàu chở dầu thô. Phao bơm có công suất khoảng 6.000m3 dầu thô/giờ. Công việc lắp ống vào đầu van sẽ có khoảng 10 người tham gia, gồm công nhân, kỹ sư, giám sát an toàn và lái cẩu. Từ phao SPM, dầu thô sẽ đi ngầm dưới biển 3,2km, đi ngầm trên đất liền 1,2km trước khi bơm vào 8 bể dầu thô của NMLD Dung Quất. Đây là khâu đầu tiên trong rất nhiều công đoạn phức tạp để sản xuất xăng dầu của nhà máy.

Có những thời điểm, để phục vụ cho công tác chạy thử hết công suất của NMLD Dung Quất vào đầu tháng 11-2009, chỉ trong 11 ngày BSR đã nhập thành công 7 chuyến tàu. Thông thường theo hợp đồng ký với một tàu dầu cỡ trung bình, nhà nhập dầu có 36-40 giờ cho một chuyến nhập dầu, nhưng với kỹ thuật, kinh nghiệm lâu năm, BSR chỉ cần khoảng 16-18 giờ. Đối với những tàu dầu lớn cỡ 110.000 tấn, khi mới vận hành phao SPM, BSR cần 55 giờ tác nghiệp trên biển, nhưng hiện nay chỉ mất 24 giờ. Cũng từng ấy con người, thiết bị, hạ tầng nhưng thời gian giảm đi, năng suất lao động đã tăng lên hơn 2 lần. Một ví dụ cụ thể: Việc vận tải dầu thô từ Trung Đông về Dung Quất khi sử dụng tàu Sue Max, giá giảm được 55 cent/thùng. Theo hợp đồng được ký, thời gian làm hàng cho một chuyến tàu dầu Sue Max là 60 giờ, trong khi chuyến đầu tiên BSR chỉ thực hiện trong 42 giờ; chuyến thứ 2 xuống còn 32 giờ. Thời gian càng rút ngắn, chi phí tiết kiệm sẽ càng cao.

Kể từ thời điểm ngày 29-12-2008, đến nay NMLD Dung Quất đã trải qua hơn 4.500 ngày nhập dầu nguyên liệu với 1.000 chuyến tàu, nhập hơn 80 triệu tấn dầu, trong đó có 70,82 triệu tấn dầu trong nước (905 chuyến), 7,237 triệu tấn dầu ngoại nhập (95 chuyến). Theo kế hoạch, trong năm 2021, NMLD Dung Quất sẽ nhập thêm 7,273 triệu tấn dầu thô. Trong tương lai, NMLD Dung Quất sẽ có thêm hàng nghìn chuyến tàu nhập dầu thô nữa, nhưng cột mốc chuyến tàu nhập dầu thô thứ 1.000 sẽ luôn được ghi nhớ.

Từ chuyến đầu tiên được đánh giá không thành công đến 999 chuyến an toàn tuyệt đối là một quá trình dài từ vị trí người học việc vươn lên tầm cao chuyên gia của nhân sự BSR.

Nguồn tin: PetroTimes

ĐỌC THÊM