Tại hội nghị thượng đỉnh G20 ở Ấn Độ vào cuối tuần qua, Mỹ, Ấn Độ, Ả Rập Saudi và UAE đã công bố một tuyến thương mại mới nhằm kết nối Ấn Độ với Trung Đông và châu Âu, bằng các cảng và đường sắt, nhằm thách thức trực tiếp tham vọng Vành đai và Con đường của Trung Quốc.
Tuyến đường thương mại được đề xuất – được đặt tên bởi Tổng thống Joe Biden là sự khởi đầu của một “kỷ nguyên kết nối mới” - hình dung ra một tuyến đường phía đông kết nối Ấn Độ với các quốc gia thuộc Hội đồng Hợp tác vùng Vịnh (GCC) và một tuyến đường phía Bắc nối GCC với châu Âu.
Mặc dù hành lang thương mại mới có thể đối trọng với sáng kiến Vành đai và Con đường của Trung Quốc, nhưng nó cũng sẽ mang lại cho Ả Rập Saudi và UAE nhiều lựa chọn hơn khi họ điều hướng mối quan hệ mạnh mẽ hơn với Trung Quốc và mối quan hệ lung lay với Mỹ.
Bên lề hội nghị G20, Reuters dẫn lời ông Biden cho biết tuyến đường thương mại mới sẽ tạo ra “cơ hội vô tận về năng lượng sạch, điện sạch và lắp đặt cáp để kết nối cộng đồng”.
Bộ trưởng Đầu tư Saudi Khalid Al Falish cũng ca ngợi tham vọng của hành lang này, gọi nó là “tương đương với Con đường Tơ lụa và Con đường Gia vị”, đồng thời báo trước “sự kết nối năng lượng lớn hơn, vật liệu xanh, hàng hóa qua xử lý và thành phẩm sẽ tái cân bằng thương mại toàn cầu”, Reuters đưa tin.
Ngoài ra, những tác động địa chính trị cũng rất rộng lớn. Dự án lớn này không chỉ đóng vai trò là phản ứng trực tiếp trước mức chi tiêu cơ sở hạ tầng của Trung Quốc trên toàn thế giới mà còn tìm cách tạo ra một cú hích khác cho nỗ lực của Washington nhằm bình thường hóa quan hệ giữa các quốc gia vùng Vịnh Ả Rập và Israel.
Nó cũng có thể là động lực cho Ả Rập Saudi, nước xuất khẩu dầu thô lớn nhất thế giới, bằng cách tạo ra mối liên kết trực tiếp với Ấn Độ, một trong những nền kinh tế phát triển nhanh nhất thế giới.
Trong khi đó, Bắc Kinh cho biết nước này hoan nghênh tuyến đường thương mại mới nhưng cảnh báo không nên sử dụng nó như một công cụ địa chính trị.
Hành lang thương mại mới xuất hiện khi Sáng kiến Vành đai và Con đường trị giá hàng tỷ USD của Trung Quốc đang gặp khó khăn vì các vấn đề đầu tư. Thêm vào những khó khăn đó, Italy gần đây tuyên bố sẽ rút khỏi dự án dưới sức ép đến từ các đảng phái chính trị.
Nguồn tin: xangdau.net