Để sử dụng Xangdau.net, Vui lòng kích hoạt javascript trong trình duyệt của bạn.

To use Xangdau.net, Please enable JavaScript in your browser for better use of the website.

Loader

Hành động khí hậu đối mặt với sự kiểm tra thực tế trong cuộc khủng hoảng năng lượng

Hội nghị thượng đỉnh về khí hậu ở Glasgow vào tháng 11 trùng với thời điểm bắt đầu mùa sưởi ấm mùa đông ở Bắc bán cầu. Ngay khi các nhà lãnh đạo toàn cầu đang chạy đua để thực hiện các cam kết phát thải ròng bằng 0 và hành động mang tính quyết định để giải quyết những tác động tồi tệ nhất của biến đổi khí hậu, thì châu Âu và châu Á bắt đầu được tận mắt chứng kiến ​​thị trường năng lượng truyền thống thắt chặt trông như thế nào.

Bất chấp sự gia tăng kỷ lục trong đầu tư toàn cầu vào năng lượng tái tạo và lắp đặt công suất năng lượng sạch trong những năm gần đây, năng lượng tái tạo không đủ để đáp ứng sự phục hồi tiêu thụ điện. Các ngành sản xuất điện và sử dụng nhiều năng lượng nhận thấy rằng các mặt hàng nhiên liệu hóa thạch quan trọng -như than và khí tự nhiên - đang ở mức thấp khi các nền kinh tế phục hồi sau đại dịch.

Các ưu tiên của chính phủ chuyển từ hành động giảm phát thải trong dài hạn sang giải quyết tình trạng khủng hoảng năng lượng tức thời, hóa đơn năng lượng tăng cao và phục vụ cho an ninh năng lượng trong ngắn hạn. Ngay cả những quốc gia đã cam kết không phát thải ròng vào năm 2050, chẳng hạn như Vương quốc Anh và Hoa Kỳ, cũng chứng kiến ​​mức tiêu thụ than tăng cao do khí tự nhiên trở nên quá đắt đỏ đối với một số đơn vị sản xuất điện.

Khí thải tăng vọt khi nhiên liệu hóa thạch quay trở lại

Đơn cử như, giá khí đốt tự nhiên tăng cao và tốc độ gió thấp vào mùa thu năm 2021 đã buộc Vương quốc Anh phải khởi động lại một nhà máy than cũ nhằm đáp ứng nhu cầu điện, bất chấp việc nước này đã cam kết loại bỏ sản xuất điện than vào tháng 10 năm 2024.

Trung Quốc, nước gây ô nhiễm lớn nhất thế giới và là nước tiêu thụ than nhiều nhất, đã ra lệnh tăng sản lượng than, đạt mức cao kỷ lục trong tháng 12 năm 2021 và cả năm 2021. Trung Quốc đang tìm cách đảm bảo nguồn cung năng lượng cho mùa đông, hạ nhiệt giá than cao và tránh lặp lại cuộc khủng hoảng điện mùa thu năm 2021.

Còn tại Hoa Kỳ, than đá đang trở lại tạm thời khi sản lượng nhiệt điện than hàng năm của nước này tăng lần đầu tiên vào năm 2021 kể từ năm 2014 do giá khí đốt tự nhiên cao khuyến khích việc sử dụng than nhiều hơn trong sản xuất điện. EIA cho biết sản lượng than của Hoa Kỳ sẽ tăng gần 5% vào năm 2022 và sau đó tăng thêm 3% vào năm 2023.

Do tăng cường sản xuất nhiệt điện than vào năm 2021, tiến độ giảm phát thải của Mỹ đã bị đảo ngược vào năm ngoái, chuyển từ mức thấp hơn 22,2% so với năm 2005 vào năm 2020 xuống chỉ còn 17,4% vào năm 2021", khiến Mỹ thậm chí còn đi xa khỏi việc đạt được mục tiêu khí hậu 2025 và 2030 của mình”, Rhodium Group cho biết trong một ước tính vào tháng trước.

Sự phục hồi kinh tế từ đại dịch đã đưa sản lượng điện than trên thế giới lên mức cao kỷ lục mới vào năm ngoái, với nhu cầu than toàn cầu có thể đạt mức cao mới trong năm nay, làm phá hỏng các nỗ lực không phát thải ròng, Cơ quan Năng lượng Quốc tế (IEA) cho biết trong báo cáo Than hàng năm 2021 vào tháng 12.

"Nhu cầu năng lượng phục hồi nhanh chóng đã làm căng thẳng chuỗi cung ứng than và khí đốt tự nhiên, đẩy giá bán buôn điện lên cao. Bất chấp tốc độ tăng trưởng ấn tượng của năng lượng tái tạo, sản lượng điện từ than và khí vẫn đạt mức kỷ lục. Kết quả là, khí thải cacbon hàng năm của ngành điện toàn cầu đã vọt lên mức cao mới mọi thời đại sau khi giảm trong hai năm trước đó”, IEA cho biết trong Báo cáo thị trường Điện - tháng 1 năm 2022 với dữ liệu năm 2021.

Hơn nữa, than đá đã đáp ứng hơn một nửa mức tăng nhu cầu điện toàn cầu trong năm ngoái, IEA cho biết.

Sự phục hồi kinh tế toàn cầu sau COVID đang làm tăng lượng khí thải lên kỷ lục một lần nữa, sau khi giảm kỷ lục vào năm 2020.

Cuộc khủng hoảng năng lượng cho thấy rõ việc chuyển đổi phải trả giá cao

Các chính phủ vẫn cam kết thực hiện tiến trình không phát thải ròng của mình, nhưng họ đã bắt đầu nhận ra rằng việc này có thể sẽ tốn kém hơn nhiều so với những gì tưởng tượng, bao gồm chi phí xã hội để thúc đẩy các chính sách khử cacbon trong việc sử dụng năng lượng.

Bob McNally, chủ tịch công ty tư vấn Rapidan Energy Group của Mỹ và là cựu quan chức Nhà Trắng, nói với Bloomberg: “Chúng ta sẽ có một bài kiểm tra căng thẳng kéo dài nhiều năm về ý chí chính trị để áp đặt các chính sách chuyển đổi tốn kém”.

Trong khi vẫn đang thúc đẩy việc thực hiện mục tiêu phát thải ròng bằng 0, các chính phủ hiện đang cố gắng ngăn chặn hậu quả từ cuộc khủng hoảng năng lượng dẫn đến hóa đơn năng lượng của người tiêu dùng tăng vọt.

Tại Hoa Kỳ, các đảng viên Dân chủ đang rất muốn tìm cách phục hồi dự luật Xây dựng lại tốt hơn (Build Back Better), mà một trong những người của họ, Thượng nghị sĩ đảng Dân chủ Tây Virginia Joe Manchin, đã chặn tại Thượng viện. Build Back Better mang lại hàng tỷ đô la Mỹ tiền hỗ trợ mở rộng năng lượng sạch.

Đồng thời, Chính quyền Biden đang rất muốn nhìn thấy giá xăng cao của Mỹ ha nhiệt, đặc biệt là trong bối cảnh cuộc bầu cử giữa kỳ vào tháng 11, khi đảng Dân chủ có thể mất thế đa số trong Quốc hội, điều này có thể ngăn cản các chính sách hành động khí hậu đầy tham vọng hơn nữa từ Tổng thống Biden.

Đề cập đến tốc độ chuyển đổi toàn cầu cần thiết để hạn chế sự nóng lên toàn cầu, John Kerry, đặc phái viên Hoa Kỳ về biến đổi khí hậu, cho biết vào tháng trước:

"Chúng tôi đang gặp khó khăn. Tôi hy vọng mọi người hiểu điều đó. Không phải rắc rối nào là chúng ta không thể thoát ra, nhưng chúng ta đang không đi đúng hướng."

Hầu hết các quốc gia có khả năng triển khai lượng năng lượng tái tạo bổ sung rất đáng kể, nhưng họ đang chọn sử dụng khí đốt, nhưng khí đốt không có khả năng giảm phát thải 100% với giá cả phải chăng không giúp ích cho các mục tiêu khí hậu, Kerry nói thêm.

Alok Sharma, Chủ tịch Hội nghị Thượng đỉnh Glasgow COP26, cho biết tại một sự kiện Chatham House vào tháng trước: “Nếu chúng ta không tôn trọng những cam kết, chúng sẽ dần biến mất”.

Các nhà lãnh đạo chính sách khí hậu ở Hoa Kỳ và Anh đang thúc giục thế giới giữ các cam kết từ hội nghị thượng đỉnh về khí hậu mới đây. Tuy nhiên, phần lớn thế giới hiện đang tập trung vào việc đảm bảo nguồn cung năng lượng trước mắt, điều này có nguy cơ làm suy yếu các mục tiêu giảm phát thải và các cam kết phát thải ròng bằng 0.

Nguồn tin: xangdau.net  

ĐỌC THÊM