Tuần qua giá vàng và đồng giảm, nhưng giá dầu, khí gas và nhiều nông sản đồng loạt tăng.
Năng lượng: Giá dầu và khí đều tăng
Giá dầu thô tuần qua tăng ngoạn mục do tâm lý lạc quan của giới đầu tư về triển vọng tái cân bằng cung-cầu trên thị trường này. Dầu thô đã tăng giá liên tiếp trong cả 5 phiên vừa qua.
Phiên giao dịch cuối tuần, giá dầu Brent tăng tăng 15 US cent lên 55,62 USD/thùng - mức cao nhất trong 5 tháng, khi giới đầu tư tăng cường hoạt động mua vào trước báo cáo cho thấy nhu cầu tiêu thụ dầu đang gia tăng; dầu thô ngọt nhẹ (WTI) giữ ở mức 49,89 USD/thùng.
Tính chung cả tuần, giá dầu Brent tăng 3,3%, mức tăng mạnh nhất kể từ cuối tháng 7; còn giá dầu WTI tăng gần 5%, mức tăng mạnh nhất trong gần hai tháng.
Hàng loạt các thông tin đều hỗ trợ giá dầu tăng.
Các nhà các nhà máy lọc dầu ở Mỹ hoạt động trở lại sau cơn bão Harvey và Saudi Arabia tiến hành các cuộc đàm phán về khả năng gia hạn thỏa thuận cắt giảm sản lượng dầu mỏ. Thống kê cho thấy nhiều nhà máy lọc dầu ở Mỹ đang khởi động trở lại sau cơn bão Harvey, làm tăng nhu cầu đối với nguồn dầu thô Mỹ.
Bên cạnh đó, thị trường còn được hỗ trợ bởi thông tin Bộ trưởng Dầu mỏ Saudi Arabia Khalid al-Falih thảo luận với người đồng cấp Kazakhstan và Venezuela về khả năng tiếp tục gia hạn thêm ba tháng nữa đối với thỏa thuận cắt giảm nguồn cung cho thị trường của các nước trong và ngoài Tổ chức Các nước Xuất khẩu Dầu mỏ (OPEC) sau thời điểm tháng 3/2018.
OPEC cho biết sản lượng dầu của tổ chức này đã giảm trong tháng 8/2017. Theo một báo cáo mới của OPEC, sản lượng khai thác dầu của 14 quốc gia thành viên thuộc tổ chức này trong tháng 8 đạt 32,755 triệu thùng/ngày, giảm 79.000 thùng/ngày so với mức 32,834 triệu thùng/ngày vào tháng Bảy trước đó. Các nhà phân tích cho biết bản báo cáo trên của OPEC cũng cho thấy thỏa thuận cắt giảm sản lượng của OPEC với các nước không thuộc OPEC đang giúp hạn chế nguồn cung toàn cầu dư thừa.
Cơ quan Năng lượng Quốc tế (IEA) cho biết tình trạng dư cung toàn cầu đang bắt đầu cải thiện. Trong báo cáo hàng tháng mới công bố IEA cho biết thị trường dầu toàn cầu có dấu hiệu đang dần cân bằng trở lại và sản phẩm dầu dự trữ ở các nước công nghiệp phát triển có thể sẽ sớm giảm xuống dưới mức trung bình của 5 năm. Bên cạnh đó, IEA cũng nâng dự báo tăng trưởng nhu cầu dầu toàn cầu sau khi tình trạng thiếu hụt dầu gia tăng mạnh trong quý II/2017 so với cùng kỳ năm ngoái. Cụ thể, nhu cầu dầu toàn cầu được dự đoán sẽ tăng 1,6 triệu thùng/ngày lên bình quân 97,7 triệu thùng/ngày trong năm nay, nhờ mức tiêu thụ cao ở Mỹ và châu Âu.
Theo sau báo cáo của IEA, OPEC cũng nâng dự báo nhu cầu tiêu thụ dầu mỏ trong năm 2018, đồng thời nhấn mạnh đến những dấu hiệu cho thấy sự thắt chặt hơn của thị trường. Gene McGillian, Giám đốc bộ phận nghiên cứu thị trường tại Tradition Energy, tại Stamford, Connecticut (Mỹ), nhận định báo cáo của OPEC đã thúc đẩy hoạt động mua vào của các nhà giao dịch.
Các nhà phân tích của HSBC dự báo 2017 sẽ là năm nhu cầu tiêu thụ dầu mỏ tăng trưởng đặc biệt mạnh mẽ. Bên cạnh đó, ngân hàng này dự báo giá dầu Brent sẽ tăng lên lần lượt 65 USD/thùng và 70 USD/thùng trong các năm 2018 và 2019.
Giá dầu Brent có thể chạm mức kháng cự 55,85 USD/thùng
Giá dầu WTI có thể chạm mức kháng cự 50,43 USD/thùng
Khí gas cũng tăng giá do hoạt động mua bù sau khi cơn bão Harvey làm gián đoạn nguồn cung từ Mỹ sang châu Á.
Khí gas hóa lỏng (LNG) giao ngay trên thị trường châu Á tăng 60 US cent lên 7 USD/mmBtu, hợp đồng giao tháng 11 tăng lên 7,4 -7,5 USD.
Kim loại quý: Giá vàng giảm
Thị trường vàng thế giới trải qua một tuần “ảm đạm”, do đồng USD tăng giá và thông tin về việc thu hẹp chương trình kích thích kinh tế của các ngân hàng trung ương trên thế giới.
Phiên giao dịch cuối tuần, giá vàng giảm sau khi một quan chức của Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) kêu gọi thu hẹp chương trình kích thích kinh tế của ngân hàng này. Giá vàng giao ngay giảm 0,6 % xuống 1.3281,88 USD/ounce, tính chung cả tuần giá giảm 1,8% và là tuần giảm mạnh nhất kể từ đầu tháng 7. Vàng giao tháng 12/2017 đóng phiên giảm 0,3% xuống 1.325,20 USD/ounce.
Thị trường chứng khoán, đồng USD và trái phiếu chính phủ Mỹ đều phục hồi khiến nhu cầu về tài sản an toàn, trong đó bao gồm vàng giảm sút sau khi vốn đã yếu đi bởi thiệt hại do bão Irma gây ra cho bang Florida của Mỹ thấp hơn so với dự báo trước đó.
Đồng bạc xanh tăng giá sau khi xuất hiện báo cáo cho thấy giá sản xuất tại Mỹ phục hồi trong tháng 8/2017. Thống kê cũng cho thấy giá tiêu dùng nội địa tại Mỹ tăng mạnh hơn dự kiến trong tháng Tám. Sự gia tăng của lạm phát có thể hỗ trợ kịch bản Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) tiếp tục nâng lãi suất. Nhà phân tích Carsten Menke, thuộc Julius Baer, dự báo Fed sẽ tăng lãi suất trong tháng 12 tới.
Đồng USD mạnh lên khiến vàng được định giá bằng đồng bạc xanh trở nên đắt đỏ hơn so với những nhà đầu tư nắm giữ các đồng tiền khác.
Theo các chuyên gia, thị trường vàng thế giới đang phớt lờ tình hình căng thẳng liên quan đến chương trình hạt nhân của Triều Tiên và hướng sự chú ý vào các số liệu kinh tế toàn cầu. Commerzbank cho biết trong tháng Tám, lượng vàng nhập khẩu của Ấn Độ, quốc gia tiêu thụ vàng lớn thứ hai thế giới, ở mức thấp nhất kể từ đầu năm tới nay.
Tuy nhiên, chắc chắn tình hình căng thẳng xung quanh tham vọng hạt nhân của Bình Nhưỡng vẫn sẽ ít nhiều tác động tới thịa trường vàng.
Thành viên ban điều hành ECB, Sabine Lautenschlaeger, đã đưa ra lời kêu gọi giảm bớt quy mô của chương trình nới lỏng định lượng trị giá 2.300 tỷ euro do ECB tiến hành. Nhà phân tích Jens Pedersen, thuộc Danske Bank, tại Copenhagen, nhận định phát biểu này là tin xấu đối với giá vàng trước những luồng thông tin về kế hoạch dừng chương trình mua trái phiếu của ECB và “chấn chỉnh” bảng cân đối kế toán của Fed. Các động thái “bình thường hóa” chính sách tiền tệ của các ngân hàng trung ương thường gây sức ép lên giá vàng.
Kim loại cơ bản: Giá đồng có tuần giảm mạnh nhất kể từ tháng 12
Phiên giao dịch cuối tuần, giá đồng giảm 0,3% xuống 6.481 USD/tấn, và tính chung cả tuần giảm 3,1%, mức giảm mạnh nhất kể từ tháng 12, khi các nhà đầu cơ bán ra mạnh sau khi giá lên mức cao nhất 3 năm. Đồng đã giảm hơn 7% từ mức cao 6.970 USD/tấn ngày 5/9, và tính từ đầu năm tới nay đã giảm 18%.
Nông sản: Giá tăng trong tuần qua
Giá đường trắng giao ngay giảm mạnh trong phiên cuối tuần, giảm 4,9 USD tương đương 1,3% xuống 369,20 USD/tấn, trong khi đường giao thô tháng 10 tăng 0,28 US cent tương đương 1,9% lên 14,55 USD/lb. Tính chung cả tuần, giá đường thô tăng 3,3%, trong phiên cuối tuần có lúc giá lên mức 14,58 US cent, cao nhất kể từ 3/8.
Cà phê arabica giao tháng 12 cũng tăng 3,75 US cent tương đương 2,7% trong phiên cuối tuần, lên 1,414 USD/lb, tính chung cả tuần giá tăng 9,2%, mức tăng mạnh nhất trong gần 2 tháng; trong khi đó robusta giao tháng 11 giảm 1 USD tương đương 0,1% xuống 1.992 USD/tấn, nhưng tính chung cả tuần vẫn tăng 1,6%.
Lo ngại về việc thiếu mưa ở Brazil tiếp tục thúc đẩy hoạt động mua đầu cơ, hỗ trợ giá cà phê tăng lên.
Giá hàng hóa thế giới
Hàng hóa | ĐVT | 9/9 | 16/9 | 16/9 so với 15/9 | 16/9 so với 15/9 (%) |
Dầu thô WTI | USD/thùng | 47,48 | 49,89 | 0,00 | 0,00% |
Dầu Brent | USD/thùng | 53,78 | 55,62 | +0,15 | +0,27% |
Dầu thô TOCOM | JPY/kl | 34.900,00 | 37.060,00 | +270,00 | +0,73% |
Khí thiên nhiên | USD/mBtu | 2,89 | 3,02 | -0,05 | -1,50% |
Xăng RBOB FUT | US cent/gallon | 164,76 | 166,17 | +3,30 | +2,03% |
Dầu đốt | US cent/gallon | 176,57 | 179,88 | +2,13 | +1,20% |
Dầu khí | USD/tấn | 524,00 | 534,75 | +3,75 | +0,71% |
Dầu lửa TOCOM | JPY/kl | 49.220,00 | 51.620,00 | +400,00 | +0,78% |
Vàng New York | USD/ounce | 1.351,20 | 1.325,20 | -4,10 | -0,31% |
Vàng TOCOM | JPY/g | 4.655,00 | 4.693,00 | -17,00 | -0,36% |
Bạc New York | USD/ounce | 18,12 | 17,70 | -0,09 | -0,49% |
Bạc TOCOM | JPY/g | 62,40 | 62,50 | -0,70 | -1,11% |
Bạch kim giao ngay | USD/t oz. | 1.007,60 | 969,05 | -15,75 | -1,60% |
Palladium giao ngay | USD/t oz. | 935,59 | 924,92 | -2,00 | -0,22% |
Đồng New York | US cent/lb | 304,15 | 294,90 | -0,85 | -0,29% |
Đồng LME 3 tháng | USD/tấn | 6.693,00 | 6.507,00 | +9,00 | +0,14% |
Nhôm LME 3 tháng | USD/tấn | 2.099,00 | 2.086,00 | -12,00 | -0,57% |
Kẽm LME 3 tháng | USD/tấn | 3.031,00 | 3.031,00 | +25,00 | +0,83% |
Thiếc LME 3 tháng | USD/tấn | 20.550,00 | 20.540,00 | +5,00 | +0,02% |
Ngô | US cent/bushel | 356,75 | 354,75 | +0,50 | +0,14% |
Lúa mì CBOT | US cent/bushel | 437,75 | 449,00 | +6,00 | +1,35% |
Lúa mạch | US cent/bushel | 232,00 | 236,00 | -2,00 | -0,84% |
Gạo thô | USD/cwt | 12,72 | 12,81 | 0,00 | -0,04% |
Đậu tương | US cent/bushel | 962,00 | 968,75 | -7,25 | -0,74% |
Khô đậu tương | USD/tấn | 305,20 | 311,40 | -1,70 | -0,54% |
Dầu đậu tương | US cent/lb | 34,94 | 34,81 | -0,27 | -0,77% |
Hạt cải WCE | CAD/tấn | 489,70 | 489,10 | +0,50 | +0,10% |
Cacao Mỹ | USD/tấn | 1.933,00 | 2.009,00 | +36,00 | +1,82% |
Cà phê Mỹ | US cent/lb | 130,65 | 141,40 | +3,75 | +2,72% |
Đường thô | US cent/lb | 14,09 | 15,17 | +0,32 | +2,15% |
Nước cam cô đặc đông lạnh | US cent/lb | 154,00 | 149,65 | -1,15 | -0,76% |
Bông | US cent/lb | 74,59 | 69,07 | -0,05 | -0,07% |
Lông cừu (SFE) | US cent/kg | -- | -- | -- | -- |
Gỗ xẻ | USD/1000 board feet | 388,10 | 379,20 | +0,30 | +0,08% |
Cao su TOCOM | JPY/kg | 228,80 | 221,40 | +0,20 | +0,09% |
Ethanol CME | USD/gallon | 1,54 | 1,55 | 0,00 | 0,00% |
Nguồn tin: Vinanet.vn