Phiên giao dịch 5/3 trên thị trường thế giới (kết thúc vào rạng sáng 6/3 giờ VN), giá dầu đảo chiều tăng trong khi vàng giảm. Nông sản biến động, hầu hết với xu hướng tăng.
Trên thị trường năng lượng, giá dầu tăng sau khi Cơ quan Năng lượng Quốc tế (IEA) dự báo nhu cầu năng lượng toàn cầu sẽ tăng thêm 6,9 triệu thùng/ngày, lên mức 104,7 triệu thùng/ngày vào năm năm 2023.
Kết thúc phiên giao dịch, giá dầu thô ngọt nhẹ (WTI) giao tháng 4/2018 trên sàn New York tăng 1,32 USD (2,2%) lên 62,57 USD/thùng, trong khi giá dầu Brent giao cùng kỳ hạn trên sàn London cũng tăng 1,17 USD/thùng (1,8%) lên 65,54 USD/thùng.
Theo IEA, nhu cầu năng lượng thế giới tăng cao nhờ kinh tế ở châu Á tăng trưởng và sự phục hồi mạnh mẽ của ngành công nghiệp hóa dầu ở Mỹ, sẽ làm nhu cầu năng lượng thế giới tăng lên 104,7 triệu thùng/ngày vào năm 2023. Do đó ngành dầu mỏ cần đẩy mạnh đầu tư trong hai năm 2015-2016, khi các nước sản xuất cắt giảm chi phí do giá dầu giảm xuống dưới 30 USD/thùng từ mức trên 100 USD/thùng trong năm 2014.
Các Bộ trưởng Dầu mỏ của Tổ chức Các nước Xuất khẩu Dầu mỏ (OPEC) và đại diện của các nhà sản xuất dầu đá phiến của Mỹ có cuộc gặp ở Houston nhân sự kiện CERAWeek, hội nghị thường niên lớn nhất của ngành năng lượng, diễn ra ngày 5/3.
Với việc thị trường tiến dần tới ngưỡng cân bằng cung-cầu và dư cung đang giảm, bước đi tiếp theo của các quốc gia khai thác dầu sẽ là nới lỏng chính sách cắt giảm sản lượng.
Theo Bộ trưởng Dầu khí Saudi Arabia, ông Khalid Al-Falih,OPEC và các nước đồng minh trong đó có Nga sẽ hạn chế dần việc cắt giảm sản lượng trong năm tới. Các quốc gia tham gia thỏa thuận cắt giảm nguồn cung sẽ hiểu được tầm quan trọng của cán cân cung - cầu thị trường dầu thô đồng thời sẽ đưa ra những chiến lược tiếp theo sau khi đã được phân tích cụ thể.
Ông Khalid Al-Falih cho biết: "Cắt giảm sản lượng có thể sẽ hạn chế dần trong năm 2019 tuy nhiên chúng tôi chưa thể đưa ra thời gian cụ thể cũng như cách thức thực hiện. Mặc dù vậy, chúng tôi biết chắc rằng cán cân thị trường sẽ không bị ảnh hưởng".
Sản lượng dầu đá phiến tại Mỹ gia tăng được cho là "lực cản" đối với nỗ lực giảm sản lượng và đẩy giá lên của OPEC. Tuần trước, IEA nhận định Mỹ có thể sẽ vượt Nga trở thành nhà sản xuất dầu thô lớn nhất thế giới vào năm 2019. Cơ quan Thông tin Năng lượng Mỹ (EIA) mới đây cũng điều chỉnh sản lượng dầu thô trong tháng 11/2017 của nước này lên mức kỷ lục 10,057 triệu thùng/ngày.
Ông Al-Falih tỏ ra không quá lo ngại việc Mỹ tăng sản lượng vì ông cho rằng nhu cầu dầu trên thị trường còn khá mạnh và thị trường có thể tiêu thụ lượng dầu đó. Hiện sản lượng dầu thô của Mỹ đã đạt kỷ lục kèm theo nước này tăng cường xuất khẩu lên ngưỡng cao nhất 4 tháng. Nhu cầu xuất khẩu tăng giúp trữ lượng dầu Mỹ giảm đồng thời xoa dịu nỗi lo nỗ lực rút lượng dầu thừa của OPEC bị phá hủy.
Trên thị trường kim loại quý, giá vàng giảm do đồng USD mạnh lên đã lấn át tác động từ tình hình bất ổn do kết quả bầu cử ở Italy và những lo ngại về nguy cơ xảy ra một cuộc chiến thương mại trên toàn cầu.
Giá vàng giao ngay giảm 0,2% xuống còn 1.319,82 USD/ounce, trong khi giá vàng giao tháng 4/2018 giảm 3,5 USD, hay 0,3% và khép phiên ở mức 1.319,90 USD/ounce.
Với những kim loại quý khác, giá bạc giảm 0,5% xuống còn 16,40 USD/ounce, trong khi giá bạch kim giảm 0,2% và được giao dịch ở mức 960,50 USD/ounce.
Chỉ số đồng USD đo sức mạnh của “đồng bạc xanh” so với rổ các đồng tiền chủ chốt tăng 0,2%, sau khi có thời điểm chạm mức thấp nhất trong gần một tuần qua.
Tuy nhiên, giá vàng vẫn được hỗ trợ bởi tuyên bố của Tổng thống Mỹ Donald Trump hồi tuần trước rằng nước này sẽ đánh thuế cao vào các mặt hàng nhôm và thép nhập khẩu. Theo sau tuyên bố này là những lời đe dọa trả đũa từ Liên minh châu Âu (EU) và Canada.
Trong khi đó, theo kết quả bầu cử ở Italy, không có phe nào trong số 3 lực lượng chính trị chủ chốt ở nước này giành đủ đa số quá bán để tự đứng ra thành lập chính phủ và một quốc hội treo là kết quả của cuộc bầu cử lần này. Với kết quả bầu cử như vậy, tương lai chính trị của Italy vẫn chưa hề chắc chắn.
Triển vọng thành lập một đại liên minh giữa liên minh cánh hữu và đảng Dân chủ (PD) trung tả dường như là một kịch bản đang được các nhà đầu tư và giới chức EU kỳ vọng. Vàng thường được xem là kênh đầu tư thay thế trong những thời kỳ bất ổn tài chính và địa chính trị như hiện nay.
Thị trường đang đón đợi số liệu việc làm của Mỹ sẽ được công bố vào ngày 9/3 tới để tìm kiếm manh mối về những đợi tăng lãi suất tiếp theo của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed).
Trên thị trường nông sản, giá cà phê arabica giao tháng 5 giảm 1,1 US cent tương đương 0,9% xuống 1,211 USD/lb, trong khi robusta giao cùng kỳ hạn tăng 4 USD tương đương 0,2% lên 1.755 USD/tấn.
Kết quả điều tra của Rabobank cho thấy sản lượng cà phê Brazil niên vụ 2018/19 sẽ đạt 56,8 triệu bao (1 bao = 60 kg), giảm so so với 59 triệu bao dự báo trước đây.
Với đường, giá đường thô giao tháng 5 tăng 0,14 US cent tương đương 1% lên 13,56 US cent/lb, còn đường trắng giao cùng kỳ hạn tăng 3,9 USD tương đương 1,1% lên 367,10 USD/tấn.
Về những thông tin liên quan, Cuba bắt đầu xuất khẩu đường thô trở lại từ cuối tháng 2/2018, nhưng khối lượng không nhiều. Nước này sản xuất 1,8 triệu tấn đường thô trong năm 2016/17, và kỳ vọng sẽ đạt 1,6 triệu tấn trong niên vụ này mặc dù siêu bão Irma ảnh hưởng nghiêm trọng tới mùa màng. Tuy nhiên, một số chuyên gia nước này cho rằng thiên tại có thể khiến sản lượng đường vụ này chỉ đạt 1,3 đến 1,4 triệu tấn. Cuba tiêu thụ 600.000 đến 700.000 tấn đường mỗi năm, và đã ký hợp đồng bán 400.000 tấn cho Trung Quốc mỗi năm. Phần còn lại bán trên thị trường dưới hình thức đấu thầu mở.
Tại Brazil, nhu cầu ethanol của Brazil ước tính đạt 1,37 tỷ lít trong tháng 1/2018, tăng 55% so với cùng tháng năm ngoái, theo liên đoàn mía đường Unica.
Lý do nhu cầu tăng bởi các chủ xe chuyển hướng từ dùng xăng khoáng sang nhiên liệu sinh học do có sự chênh lệch lớn về giá.
Nhu cầu ethanol mạnh và giá đường quốc tế thấp dự kiến sẽ khiến các nhà máy tăng cường sản xuất nhiên liệu sinh học ở công suất tối đa. Và khi đó sản lương đường sẽ giảm.
Được biết, giá xăng khoáng và xăng sinh học ở Brazil chênh lệch tới 1,21 real/lít (1,4 USD/gallon).
Hàng hóa | ĐVT | Giá | +/- | +/- (%) |
Dầu thô WTI | USD/thùng | 62,57 | +1,32 | +2,2% |
Dầu Brent | USD/thùng | 65,54 | +1,17 | +1,8% |
Dầu thô TOCOM | JPY/kl | 40.530,00 | +1.050,00 | +2,66% |
Khí thiên nhiên | USD/mBtu | 2,71 | +0,01 | +0,18% |
Xăng RBOB FUT | US cent/gallon | 193,61 | +0,12 | +0,06% |
Dầu đốt | US cent/gallon | 190,05 | +0,38 | +0,20% |
Dầu khí | USD/tấn | 575,75 | +1,75 | +0,30% |
Dầu lửa TOCOM | JPY/kl | 55.890,00 | +940,00 | +1,71% |
Vàng New York | USD/ounce | 1.323,60 | -3,70 | -0,28% |
Vàng TOCOM | JPY/g | 4.515,00 | +21,00 | +0,47% |
Bạc New York | USD/ounce | 16,48 | +0,06 | +0,38% |
Bạc TOCOM | JPY/g | 56,20 | -0,10 | -0,18% |
Bạch kim giao ngay | USD/t oz. | 963,84 | +2,33 | +0,24% |
Palladium giao ngay | USD/t oz. | 989,71 | +3,83 | +0,39% |
Đồng New York | US cent/lb | 313,75 | +0,95 | +0,30% |
Đồng LME 3 tháng | USD/tấn | 6.910,00 | +12,00 | +0,17% |
Nhôm LME 3 tháng | USD/tấn | 2.145,50 | -3,50 | -0,16% |
Kẽm LME 3 tháng | USD/tấn | 3.296,00 | -59,00 | -1,76% |
Thiếc LME 3 tháng | USD/tấn | 21.550,00 | +75,00 | +0,35% |
Ngô | US cent/bushel | 386,00 | -1,25 | -0,32% |
Lúa mì CBOT | US cent/bushel | 503,25 | -6,00 | -1,18% |
Lúa mạch | US cent/bushel | 269,00 | 0,00 | 0,00% |
Gạo thô | USD/cwt | 12,47 | 0,00 | -0,04% |
Đậu tương | US cent/bushel | 1.074,75 | -2,75 | -0,26% |
Khô đậu tương | USD/tấn | 392,40 | -0,80 | -0,20% |
Dầu đậu tương | US cent/lb | 32,28 | +0,07 | +0,22% |
Hạt cải WCE | CAD/tấn | 529,10 | -1,40 | -0,26% |
Cacao Mỹ | USD/tấn | 2.446,00 | +133,00 | +5,75% |
Cà phê Mỹ | US cent/lb | 121,10 | -1,10 | -0,90% |
Đường thô | US cent/lb | 13,56 | +0,14 | +1,04% |
Nước cam cô đặc đông lạnh | US cent/lb | 140,40 | +1,80 | +1,30% |
Bông | US cent/lb | 85,23 | +3,14 | +3,83% |
Lông cừu (SFE) | US cent/kg | -- | -- | -- |
Gỗ xẻ | USD/1000 board feet | 479,50 | -4,30 | -0,89% |
Cao su TOCOM | JPY/kg | 193,50 | -0,40 | -0,21% |
Ethanol CME | USD/gallon | 1,48 | +0,01 | +0,68% |
Nguồn tin: vinanet.vn