Phiên giao dịch 19/3 trên thị trường thế giới (kết thúc vào rạng sáng 20/3 giờ VN), chứng khoán giảm điểm tác động trái chiều lên dầu mỏ và kim loại quý.
Trên thị trường năng lượng, giá dầu giảm do chứng khoán giảm điểm và lo ngại nguồn cung gia tăng sẽ khiến tình trạng dư cung tiếp diễn.
Kết thúc phiên giao dịch, dầu thô ngọt nhẹ (WTI) giao tháng 4/2018 giảm 0,28 USD xuống 62,06 USD/thùng; dầu Brent giao tháng 5/2018 cũng giảm 0,16 USD xuống 66,05 USD/thùng.
Hầu hết các thị trường chứng khoán phương Tây đều đi xuống trong phiên giao dịch vừa qua. Tại Mỹ, vụ bê bối rò rỉ dữ liệu của Facebook đã làm dấy lên những lo ngại về việc gia tăng các quy định kiểm soát các công ty công nghệ. Giá cổ phiếu của Facebook giảm 6,8%; cổ phiếu của các “đại gia” ngành công nghệ khác như Apple, Alphabet (công ty mẹ của Google), và Netflix cũng rớt giá. Do đó chỉ số công nghiệp Dow Jones và chỉ số S&P 500 đều giảm 1,4%, xuống lần lượt 24.610,91 điểm và 2.712,92 điểm; chỉ số công nghệ Nasdaq Composite cũng mất 1,8% xuống khép phiên ở mức 7.344,24 điểm.
Chuyên gia phân tích kỹ thuật Brian LaRose thuộc United-ICAP cho rằng chứng khoán suy yếu là nhân tố thúc đẩy sự sụt giảm của thị trường năng lượng trong phiên giao dịch vừa qua.
Trong khi đó, nhiều nhà phân tích dự đoán tình trạng dư cung sẽ sớm quay lại trên các thị trường dầu trên toàn cầu trong năm nay. Các nhà phân tích của ngân hàng Commerzbank cho biết ở mức giá hiện nay, hoạt động khoan dầu tại Mỹ dường như tiếp tục tăng. Theo công ty dịch vụ năng lượng Baker Hughes các nhà khoan dầu Mỹ đã bổ sung 4 giàn khoan trong tuần trước, đưa tổng số giàn khoan lên 800.
Sản lượng dầu thô của Mỹ tăng hơn 20% kể từ giữa năm 2016 lên 10,38 triệu thùng/ngày, vượt mức sản lượng của Saudi Arabia, và được dự đoán sẽ soán ngôi nước sản xuất dầu hàng đầu thế giới của Nga trong năm nay.
Cùng với Mỹ, sản lượng dầu đang gia tăng của Canada and Brazil đang lấn át những nỗ lực cắt giảm sản lượng và hỗ trợ giá dầu của Tổ chức Các nước Xuất khẩu Dầu mỏ (OPEC).
Yếu tố đang hỗ trợ giá dầu là căng thẳng giữa Saudi Arabia và Iran. Nhà phân tích Olivier Jakob thuộc Petromatrix cho biết tuần này nguy cơ địa chính trị sẽ ảnh hưởng tới giá dầu khi Hoàng tử Saudi Arabia thăm Mỹ và có khả năng đưa ra nhiều tiêu đề chống lại Iran và các biện phát trừng phạt, liên quan tới hiệp định của Iran. Hiệp định đã bãi bỏ các biện pháp trừng phạt đối với nước này để đổi lại việc hạn chế chương trình hạt nhân của họ. Tổng thống
Donald Trump đã chỉ trích thỏa thuận này và nâng khả năng Mỹ có thể dừng thỏa thuận.
Trên thị trường kim loại quý, giá vàng tăng cũng do chứng khoán giảm điểm trong bối cảnh Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) sắp nhóm họp. Các chuyên gia kinh tế cho rằng Fed sẽ tăng lãi suất trong lần họp này và có thể phát đi tín hiệu cho ba đợt khác nữa trong năm nay.
Vàng giao ngay giá tăng 0,3% lên 1.317,49 USD/ounce, trong phiên có lúc giá giảm xuống mức thấp nhất kể từ ngày 1/3 là 1.307,51 USD/ounce; vàng giao tháng 4/2018 tăng 5,5 USD, hay 0,4%, và được giao dịch ở mức 1.317,80 USD/ounce.
Đối với những kim loại quý khác, giá bạc giảm 0,1% xuống còn 16,29 USD/ounce, trong khi giá bạch kim tăng 0,9% và được giao dịch ở mức 951,70 USD/ounce
Giá vàng rất nhạy cảm với việc tăng lãi suất của Mỹ do làm giảm sức hấp dẫn của vàng so với các khoản đầu tư có lãi khác. Vàng phục hồi sau 5 đợt tăng lãi suất của Mỹ trước đây và dự kiến lại tăng giá thêm nữa trong bối cảnh những nguy cơ địa chính trị, tình trạng không chắc chắn về cuộc chiến thương mại sắp xảy ra và mức nợ hiện nay của Mỹ.
Ủy ban Thị trường Mở Liên bang (FOMC) sẽ họp hai ngày bắt đầu từ hôm nay, với dự đoán sẽ nâng lãi suất lần đầu tiên trong năm nay vào ngày 21/3. Giá vàng khá nhạy cảm với chính sách tiền tệ của Mỹ, do lãi suất tăng sẽ làm tăng chi phí cơ hội của việc nắm giữ vàng, đồng thời làm đồng USD tăng giá - nhân tố khiến kim loại quý này trở nên đắt đỏ hơn đối với người mua nắm giữ các đồng tiền khác.
Theo giới đầu tư, Fed gần như chắc chắn sẽ tăng lãi suất thêm 25 điểm cơ bản trong cuộc họp lần này. Tuy nhiên, điều quan trọng là liệu các nhà hoạch định chính sách của ngân hàng trung ương này có đánh đi tín hiệu cho bốn đợt nâng lãi suất trong năm nay, thay vì ba đợt như dự đoán được đưa ra trong cuộc họp tháng 12/2017 hay không.
Ông Mark To, người đứng đầu bộ phận nghiên cứu của Tập đoàn Tài chính Wing Fung ở Hong Kong, nhận định rằng đà phục hồi kinh tế nhìn chung đủ tốt để Fed cân nhắc một lộ trình bình thường hóa chính sách tiền tệ nhanh hơn.
Trên thị trường nông sản, giá đường hồi phục mạnh từ mức thấp nhất 2 năm rưỡi do hoạt động mua bù. Đường thô kỳ hạn tháng 5 tăng 0,24 US cent (1,9%) lên 12,89 US cent/lb, sau khi giảm xuống 12,30 US cent/lb, thấp nhất kể từ tháng 9/2015; đường trắng kỳ hạn tháng 5 tăng 8,3 USD (2,4%) lên 356,6 USD/tấn, trong phiên có lúc xuống mức thấp nhất trong hai năm rưỡi tại 345,1 USD/tấn.
Đầu phiên, giá giảm sau khi các quỹ tiếp tục tăng lượng bán ròng bởi sản lượng ngày càng tăng tại châu Á, đặc biệt ở Ấn Độ, Pakistan và Thái Lan. Tuy nhiên sau đó giá đã trở lại tăng mạnh do hoạt động mua mạnh.
Về thông tin liên quan, với dư thừa tại Ấn Độ ngày càng tăng, áp lực lên Chính phủ không chỉ là loại bỏ thuế xuất khẩu 20% mà còn khuyến khích xuất khẩu. Ấn Độ có thể sớm đưa ra các quy định buộc các nhà máy xuất khẩu hàng triệu tấn đường dư thừa để hỗ trợ giá trong nước.
Mặt hàng cà phê cũng tăng giá trong phiên vừa qua, với arabica giao tháng 5 tăng 1,3 US cent (1,1%) lên 1,1935 USD/lb, trong khi robusta giao cùng kỳ hạn tăng 12 USD (0,7%) lên 1.757 USD/tấn.
Trong khi đó, cao su trên sàn Tokyo giảm xuống mức thấp nhất 1 tuần bởi sự sụt giảm tại thị trường Thượng Hải và hàng tồn kho ở Nhật tăng lên trên mức cao nhất 3 năm bất chấp tổ chức ba nhà sản xuất cao su hàng đầu thế giới hạn chế xuất khẩu. Hợp đồng cao su giao tháng 8 trên sàn TOCOM giảm 0,8 JPY xuống 191 JPY(1,81 USD)/kg sau khi xuống 189,3 JPY, thấp nhất kể từ 12/3. Tại Thượng Hải hợp đồng giao tháng 5 giảm 135 NDT xuống 12.510 NDT (1.977 USD)/tấn.
Giá hàng hóa thế giới
Hàng hóa | ĐVT | Giá | +/- | +/- (%) |
Dầu thô WTI | USD/thùng | 62,06 | -0,28 | -0,36% |
Dầu Brent | USD/thùng | 66,05 | -0,16 | -0,20% |
Dầu thô TOCOM | JPY/kl | 40.720,00 | +200,00 | +0,49% |
Khí thiên nhiên | USD/mBtu | 2,66 | +0,01 | +0,23% |
Xăng RBOB FUT | US cent/gallon | 193,10 | +0,61 | +0,32% |
Dầu đốt | US cent/gallon | 191,47 | +0,77 | +0,40% |
Dầu khí | USD/tấn | 584,75 | -0,25 | -0,04% |
Dầu lửa TOCOM | JPY/kl | 56.680,00 | +140,00 | +0,25% |
Vàng New York | USD/ounce | 1.316,10 | +1,70 | +0,13% |
Vàng TOCOM | JPY/g | 4.487,00 | +48,00 | +1,08% |
Bạc New York | USD/ounce | 16,31 | -0,01 | -0,09% |
Bạc TOCOM | JPY/g | 55,70 | +0,30 | +0,54% |
Bạch kim giao ngay | USD/ounce | 955,44 | +1,54 | +0,16% |
Palladium giao ngay | USD/ounce | 992,85 | +3,50 | +0,35% |
Đồng New York | US cent/lb | 308,00 | -0,20 | -0,06% |
Đồng LME 3 tháng | USD/tấn | 6.854,00 | -34,00 | -0,49% |
Nhôm LME 3 tháng | USD/tấn | 2.088,00 | +3,00 | +0,14% |
Kẽm LME 3 tháng | USD/tấn | 3.261,00 | +1,00 | +0,03% |
Thiếc LME 3 tháng | USD/tấn | 20.775,00 | -225,00 | -1,07% |
Ngô | US cent/bushel | 375,75 | +0,75 | +0,20% |
Lúa mì CBOT | US cent/bushel | 455,00 | +4,25 | +0,94% |
Lúa mạch | US cent/bushel | 236,25 | +1,25 | +0,53% |
Gạo thô | USD/cwt | 12,30 | +0,01 | +0,08% |
Đậu tương | US cent/bushel | 1.025,25 | +2,75 | +0,27% |
Khô đậu tương | USD/tấn | 358,60 | 0,00 | 0,00% |
Dầu đậu tương | US cent/lb | 31,97 | -0,09 | -0,28% |
Hạt cải WCE | CAD/tấn | 519,20 | +1,50 | +0,29% |
Cacao Mỹ | USD/tấn | 2.445,00 | -77,00 | -3,05% |
Cà phê Mỹ | US cent/lb | 119,35 | +1,30 | +1,10% |
Đường thô | US cent/lb | 12,89 | +0,24 | +1,90% |
Nước cam cô đặc đông lạnh | US cent/lb | 138,00 | -0,30 | -0,22% |
Bông | US cent/lb | 81,16 | -0,07 | -0,09% |
Lông cừu (SFE) | US cent/kg | -- | -- | -- |
Gỗ xẻ | USD/1000 board feet | 486,60 | -2,50 | -0,51% |
Cao su TOCOM | JPY/kg | 188,70 | -2,30 | -1,20% |
Ethanol CME | USD/gallon | 1,46 | -0,03 | -2,01% |
Nguồn tin: vinanet.vn