Phiên giao dịch 11/1 trên thị trường thế giới (kết thúc vào rạng sáng 12/1 giờ VN), giá dầu và vàng đi lên trong khi đường và cà phê arabica giảm.
Trên thị trường năng lượng, giá dầu tăng chạm mức 70 USD/thùng lần đầu tiên trong 3 năm do hiệu quả của chương trình cắt giảm sản lượng của OPEC, sản lượng khai thác của Mỹ bất ngờ giảm trong khi lượng dầu dự trữ của nước này thấp hơn nhiều so với dự kiến, và nhu cầu tăng giúp làm giảm tồn kho dầu toàn cầu.
Kết thúc phiên giao dịch, giá dầu thô ngọt nhẹ (WTI) giao tháng 2/2018 trên sàn New York tăng 0,23 USD lên 63,80 USD/thùng, mức cao nhất kể từ tháng 12/2014; dầu Brent giao tháng 3/2018 trên sàn London tăng 0,06 USD, lên 69,26 USD/thùng. Giá dầu Brent trong phiên giao dịch này có lúc chạm 70,05 USD/thùng, mức cao nhất kể từ tháng 11/2014.
Theo Cơ quan Thông tin Năng lượng Mỹ (EIA), sản lượng khai thác dầu của nước này giảm gần 300.000 thùng/ngày, xuống 9,49 triệu thùng/ngày trong tuần vừa qua. Ngoài ra, lượng dầu thô dự trữ của Mỹ cũng giảm 4,9 triệu thùng xuống 419,5 triệu thùng trong tuần trước, mức thấp nhất kể từ tháng 8/2015.
Giá dầu thế giới đang trong chuỗi tăng 4 phiên liên tiếp. Đà tăng giá bắt đầu từ tháng 6/2017 và tăng tốc trong 12/2017. Tháng 12/2017 giá đã tăng khoảng 15%.
Paul Horsnell, giám đốc nghiên cứu hàng hóa thuộc Standard Chartered ở London, cho biết: "Các yếu tố cơ bản đều hỗ trợ đà tăng hiện tại và giá có thể lên thêm chút nữa”. Điều này cho thấy OPEC và những nước tham gia vào chương trình cắt giảm sản lượng đang thành công trong việc giảm tồn kho dầu - gây ra bởi sự bùng nổ dầu đá phiến của Mỹ. Ngoài ra, giá cũng được hỗ trợ bởi những lo ngại rằng sự gián đoạn cung cấp có thể xuất phát từ căng thẳng chính trị gia tăng ở các thành viên OPEC gồm Iran và Venezuela.
Về nhu cầu, nhập khẩu dầu của Trung Quốc tháng 1/2018 dự kiến tăng hơn 20% so với tháng 12 lên hơn 1,5 triệu thùng/ngày, cao nhất kể từ tháng 9 năm ngoái và cao hơn 37% so với một năm trước đó. Tồn trữ tại Trung Quốc giảm mạnh khoảng 40 - 60 triệu thùng trong quý 4/2017 thúc đẩy nhu cầu nhập khẩu mạnh từ nước tiêu thụ dầu mỏ lớn thứ hai thế giới này.
Tuy nhiên, giới chuyên gia lo ngại rằng OPEC có thể rơi vào cái bẫy mà tổ chức này luôn muốn tránh. Theo EIA, giá tăng cao đang khiến sản xuất dầu đá phiến tại Mỹ trở thành một đối trọng với Saudi Arabia và Nga. Giới chuyên gia từng dự đoán sản lượng dầu của Mỹ có thể vượt quá 10 triệu thùng/ngày và chạm mốc 11 triệu thùng/ngày trước khi kết thúc năm 2019.
Eugen Weinberg, giám đốc nghiên cứu hàng hóa thuộc Commerzbank (Frankfurt), cho rằng: "70 USD là quá cao. Chúng tôi không hoàn toàn bất ngờ với đà tăng giá này. Nhưng nó sẽ tác động tích cực tới ngành dầu đá phiến của Mỹ, và chiến lược của OPEC có thể bị phản tác dụng".
Chuyên gia phân tích nghiên cứu Lukman Otunuga thuộc FXTM, nhận định: “Rõ ràng là tình trạng gián đoạn các nguồn cung chủ chốt, rủi ro địa chính trị và sự lạc quan ngày càng tăng về nỗ lực cắt giảm sản lượng để tái cân bằng thị trường của OPEC là những yếu tố đứng sau sự hồi sinh của giá dầu. Tuy nhiên, cũng cần nhớ rằng đà tăng sản lượng dầu đá phiến tại Mỹ có thể khiến giá dầu suy yếu”.
Iran đã cảnh báo OPEC rằng mức giá dầu hiện tại là quá nóng. Hãng tin Shana dẫn lời Bộ trưởng Dầu mỏ Iran, Bijan Namdar Zanganeh, cho hay các nước thành viên của OPEC không muốn đẩy giá dầu Brent lên trên 60 USD/thùng do khả năng sản xuất dầu đá phiến Mỹ sẽ tăng trưởng trở lại.
Trên thị trường kim loại quý, giá vàng tiếp tục tăng lên mức cao nhất gần 4 tháng sau khi Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) công bố biên bản cuộc họp chính sách đẩy đồng EUR tăng giá so với đồng USD.
Giá vàng giao ngay cuối phiên tăng 0,5% lên 1.322,74 USD/ounce, không xa mức 1.326,56 USD/ounce (cao nhất kể từ ngày 15/9/2017) đạt được trong phiên 10/1; giá vàng giao tháng 2/2018 tăng 3,2 USD (0,2%) lên 1.322,50 USD/ounce.
Đồng EUR đã tăng giá so với đồng USD, sau khi biên bản cuộc họp tháng 12/2017 cho thấy ECB có thể sẽ dần điều chỉnh lại quan điểm về chính sách tiền tệ của mình trong bối cảnh triển vọng tăng trưởng có bước cải thiện.
Chiến lược gia Daniel Ghali, thuộc TD Securities cho rằng mặc dù Mỹ đang thúc đẩy tiến trình thắt chặt chính sách nới lỏng định lượng, song việc các ngân hàng trung ương khác nỗ lực bắt kịp xu hướng này có thể sẽ hạn chế đà lên giá của đồng USD trong năm nay.
Thống kê cho thấy xu hướng yếu đi của đồng USD đã giúp giá vàng tăng hơn 80 USD kể từ mức thấp hồi giữa tháng 12/2017. Dù vậy, nhà phân tích Ole Hansen, thuộc Saxo Bank, cho rằng trong ngắn hạn giá kim loại quý này sẽ khó tăng mạnh thêm nữa.
Trên thị trường nông sản, giá đường giảm xuống mức thấp nhất trong vòng hơn 3 tuần, đánh dấu phiên giảm mạnh nhất kể từ tháng 9 do nguồn cung dư thừa trên toàn cầu sau khi Thái Lan dự báo sản lượng cao kỷ lục.
Đường thô giao tháng 3 giá giảm 0,47 US cent tương đương 3,2% xuống 14,18 US cent/lb. Trong phiên có lúc giá chỉ 14,11 US cent, mức thấp nhất kể từ 19/2.
Đường trắng giao cùng kỳ hạn giảm 10,7 USD tương đương 2,8% xuống 376,90 USD/tấn, trong phiên có lúc giá chạm mức thấp nhất kể từ 19/12 là 374,20 USD/tấn.
Thái Lan – nước xuất khẩu đường lớn thứ 2 thế giới - dự kiến sản lượng đường tinh luyện niên vụ 2017/18 sẽ cao kỷ lục nhờ thời tiết thuận lợi làm tăng sản lượng mía. Sản lượng mía vụ này dự báo sẽ đạt khoảng 107 đến 110 triệu tấn.
Sản lượng đường toàn cầu dự báo cũng sẽ tăng 8% lên 192 triệu tấn (quy thô) trong niên vụ 2017/18, do sản lượng tăng ở Liên minh châu Âu và Thái Lan.
Với mặt hàng cà phê, giá tiếp tục biến động trái chiều giữa 2 thị trường. Arabica giao tháng 3 trên sàn New York giảm 1,15 US cent tương đương 0,9% xuống 1,228 USD/lb, trong khi robusta giao cùng kỳ hạn trên sàn London tăng 1 USD tương đương 0,06% lên 1.727 USD/tấn.
Khả năng sản lượng tăng cao ở Brazil, Honduras và Việt Nam đang gây áp lực lên giá cà phê.
Tổ chức Cà phê Quốc tế (ICO) dự báo sản lượng cà phê thế giới sẽ tăng lên mức kỷ lục mới trong niên vụ 2017/18, do sản lượng robusta hồi phục mặc dù sản lượng arabica sụt giảm. Sản lượng cà phê toàn cầu dự kiến đạt khoảng 158,8 triệu bao (1 bao = 60 kg) trong niên vụ 2017/18, tăng 0,7% so với sản lượng kỷ lục của niên vụ trước.
Tiêu thụ cà phê toàn cầu dự báo tăng lên 157,6 triệu bao trong niên vụ 2017/18, từ 155,1 triệu bao trong niên vụ 2016/17.
ICO cũng nâng mức đánh giá về sản lượng cà phê thế giới niên vụ 2016/17 lên 157,7 triệu bao, từ mức 157,4 triệu bao đưa ra hồi tháng 11.
Giá hàng hóa thế giới
Hàng hóa | ĐVT | Giá | +/- | +/-(%) |
Dầu thô WTI | USD/thùng | 63,80 | +0,23 | +0,28% |
Dầu Brent | USD/thùng | 69,26 | +0,06 | +0,08% |
Dầu thô TOCOM | JPY/kl | 45.000,00 | -220,00 | -0,49% |
Khí thiên nhiên | USD/mBtu | 3,11 | +0,03 | +0,94% |
Xăng RBOB FUT | US cent/gallon | 183,40 | -0,30 | -0,16% |
Dầu đốt | US cent/gallon | 207,73 | +0,06 | +0,03% |
Dầu khí | USD/tấn | 614,25 | -3,75 | -0,61% |
Dầu lửa TOCOM | JPY/kl | 59.900,00 | -350,00 | -0,58% |
Vàng New York | USD/ounce | 1.324,50 | +2,00 | +0,15% |
Vàng TOCOM | JPY/g | 4.723,00 | -2,00 | -0,04% |
Bạc New York | USD/ounce | 17,02 | +0,06 | +0,35% |
Bạc TOCOM | JPY/g | 61,00 | -0,20 | -0,33% |
Bạch kim giao ngay | USD/t oz. | 985,37 | +0,69 | +0,07% |
Palladium giao ngay | USD/t oz. | 1.089,05 | +2,98 | +0,27% |
Đồng New York | US cent/lb | 323,25 | -0,05 | -0,02% |
Đồng LME 3 tháng | USD/tấn | 7.140,50 | -12,50 | -0,17% |
Nhôm LME 3 tháng | USD/tấn | 2.175,50 | -6,50 | -0,30% |
Kẽm LME 3 tháng | USD/tấn | 3.386,00 | +50,00 | +1,50% |
Thiếc LME 3 tháng | USD/tấn | 20.225,00 | +160,00 | +0,80% |
Ngô | US cent/bushel | 348,25 | -0,50 | -0,14% |
Lúa mì CBOT | US cent/bushel | 433,75 | +0,50 | +0,12% |
Lúa mạch | US cent/bushel | 249,00 | -1,50 | -0,60% |
Gạo thô | USD/cwt | 11,74 | +0,01 | +0,09% |
Đậu tương | US cent/bushel | 948,50 | -1,50 | -0,16% |
Khô đậu tương | USD/tấn | 312,20 | -0,90 | -0,29% |
Dầu đậu tương | US cent/lb | 33,17 | +0,02 | +0,06% |
Hạt cải WCE | CAD/tấn | 490,50 | -0,30 | -0,06% |
Cacao Mỹ | USD/tấn | 1.928,00 | -13,00 | -0,67% |
Cà phê Mỹ | US cent/lb | 122,80 | -1,15 | -0,93% |
Đường thô | US cent/lb | 14,18 | -0,47 | -3,21% |
Nước cam cô đặc đông lạnh | US cent/lb | 136,50 | -0,40 | -0,29% |
Bông | US cent/lb | 82,65 | +3,00 | +3,77% |
Lông cừu (SFE) | US cent/kg | -- | -- | -- |
Gỗ xẻ | USD/1000 board feet | 463,80 | +3,10 | +0,67% |
Cao su TOCOM | JPY/kg | 210,70 | +3,80 | +1,84% |
Ethanol CME | USD/gallon | 1,35 | +0,02 | +1,74% |
Nguồn tin: vinanet.vn