Để sử dụng Xangdau.net, Vui lòng kích hoạt javascript trong trình duyệt của bạn.

To use Xangdau.net, Please enable JavaScript in your browser for better use of the website.

Loader

Hai quốc gia đang thách thức sự thống trị của Nga trong lĩnh vực vận tải ở Bắc Cực

Trong một diễn biến với những hậu quả nghiêm trọng cả đối với thương mại quốc tế và sự kiểm soát của Moscow đối với các khu vực xa xôi trên khắp một phần ba phía bắc của đất nước - những nơi không được kết nối với trung tâm bằng đường bộ hay đường sắt - Liên bang Nga đang nhanh chóng đánh mất sự thống trị lịch sử của mình đối với Tuyến Biển Bắc vào tay Trung Quốc và Thổ Nhĩ Kỳ. Thật vậy, hai quốc gia này hiện đang đóng tàu phá băng với tốc độ kỷ lục, khi Điện Kremlin đã phải trì hoãn, hoặc thậm chí hủy bỏ, các kế hoạch đóng tàu phá băng mới của mình do thiếu hụt ngân sách phát sinh từ cuộc chiến của Tổng thống Vladimir Putin tại Ukraine, tham nhũng và các vấn đề khác trong ngành đóng tàu của Nga. Ngoài ra, ngành công nghiệp đóng tàu gặp trở bởi ngại các yêu cầu cạnh tranh của các đô đốc Nga, những người muốn có một tàu sân bay mới thay vì tàu phá băng và các quan chức an ninh quan tâm đến việc đảm bảo các tuyến đường kết nối của Moscow tới các địa điểm trên khắp miền Bắc nước Nga hơn là mở Tuyến đường biển phía Bắc (NSR). Diễn biến này đã khiến nhiều nhà quan sát ngạc nhiên, bởi họ cho rằng những thay đổi về khí hậu, thứ đã làm giảm độ bao phủ của băng ở Bắc Cực, đã làm giảm tầm quan trọng của tàu phá băng như là yếu tố kiểm soát chính đối với NSR. Nhưng giả định đó dựa trên quan niệm sai lầm về bản chất của biến đổi khí hậu. Nó không diễn ra ở mọi nơi với cùng một tốc độ và cùng một hướng. Do đó, trong khi phần lớn hành tinh đang nóng lên, một số nơi đang trở nên lạnh hơn, ít nhất là trong thời điểm hiện tại. Và do đó, trong khi phần lớn NSR đã trở nên không có băng trong những năm gần đây, thì một phần của NRS hiện đang có nhiều băng hơn chứ không phải ít hơn. Đó là trường hợp ở nửa phía đông của tuyến đường Bắc Cực này, nơi có nhiều địa điểm quan trọng nhất về tài nguyên thiên nhiên, và Nga không có tàu phá băng hoặc tàu có khả năng đi trên băng cần thiết để đối phó.

Ba năm trước, với hy vọng giải quyết vấn đề này, Điện Kremlin đã công bố một chương trình xây dựng tàu phá băng mới, kêu gọi đóng ba tàu phá băng siêu lớn có khả năng xuyên thủng lớp băng dày tới 4 mét - điều mà không tàu phá băng nào hiện đang hoạt động có thể làm được. Triển vọng về những con tàu khổng lồ như vậy thu hút trí tưởng tượng của người Nga, nhưng rõ ràng là Moscow không đủ khả năng để đóng những con tàu như vậy trong tương lai gần. Về vấn đề này, không chỉ bởi Nga không có tiền mà Moscow còn thiếu các nhà máy đóng tàu cần thiết để đóng chúng. Do đó, kế hoạch đóng hai trong số ba tàu này đã bị hủy bỏ, và ngày bàn giao dự kiến cho chiếc thứ ba đã bị đẩy lùi từ năm 2027 sang một thời điểm nào đó trong những năm 2030. Một lý do cho sự chậm trễ là vì nguyên nhân trớ trêu tự gây ra: Lực lượng Nga đã phá hủy nhà máy Ukraine nơi các bộ phận của con tàu đang được sản xuất. Bây giờ, một số nhà quan sát Nga hoài nghi con tàu này sẽ được tiếp tục đóng.

Những vấn đề này của Nga đã mở đường cho Trung Quốc và Thổ Nhĩ Kỳ, hai quốc gia có ngành công nghiệp đóng tàu lớn, tham gia vào một cuộc chạy đua mới để chế tạo tàu phá băng và do đó thống trị NSR - một cuộc đua mà Nga thấy mình gặp bất lợi vì sẽ không có thể sớm bắt kịp Trung Quốc hoặc Thổ Nhĩ Kỳ. Do đó, Nga gần như chắc chắn sẽ phải nhượng bộ Bắc Kinh và Ankara với hy vọng thuyết phục họ hợp tác sử dụng NSR. Những nhượng bộ này có thể sẽ ở dạng thỏa thuận trao đổi hàng hóa, trong đó Bắc Kinh và Ankara sẽ giúp Điện Kremlin duy trì một số quyền kiểm soát đối với nửa phía đông của NSR để đổi lấy quyền tiếp cận và kiểm soát lâu dài các nguyên liệu thô ở phía bắc nước Nga. Và hai quốc gia này có đòn bẩy đặc biệt do tác động của các biện pháp trừng phạt của phương Tây có nghĩa là cả Trung Quốc và Thổ Nhĩ Kỳ đều không đưa tàu đi qua NSR trong những tháng gần đây.

Như hội nghị thượng đỉnh Moscow gần đây giữa Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình và Putin cho thấy, Bắc Kinh đã hoàn toàn chuẩn bị để gây áp lực lên Điện Kremlin, với kỳ vọng rằng Trung Quốc, chứ không phải Nga, sẽ là bên chiếm ưu thế ở nửa phía đông của NSR gần như ngay lập tức và cuối cùng là trên toàn bộ lộ trình. Quan điểm này đã được nhấn mạnh bởi các thông báo của Trung Quốc rằng tàu phá băng thứ ba của nước này sẽ sớm đi vào hoạt động và những chiếc khác cùng loại sẽ sớm theo sau. Hơn nữa, Trung Quốc đã tham gia vào việc xây dựng các bến cảng của nước này tại năm cảng quan trọng nhất nằm dọc theo bờ biển Bắc Cực của Nga - Murmansk, Sabetta, Arkhangelsk, Tiksi và Uzden - cùng với các tuyến đường sắt của Trung Quốc tới khu vực.

Không có gì ngạc nhiên khi một số người ở Nga lo ngại về viễn cảnh Trung Quốc đang trên đà trở thành cường quốc thống trị không chỉ NSR mà còn trên phần lớn lãnh thổ của Nga. Họ hy vọng rằng Moscow có thể kiềm chế Bắc Kinh thông qua sự kết hợp giữa củ cà rốt - tiếp cận các nguồn tài nguyên - và cây gậy - phản đối bất kỳ mưu đồ lớn nào của Trung Quốc trong khu vực. Tuy nhiên, hiện tại, Bắc Kinh đang chiếm thế thượng phong, và Điện Kremlin dường như cũng sẽ chiều theo vì các quan chức của Nga không thấy có bất kỳ giải pháp thay thế hiệu quả nào nếu Nga muốn duy trì quan hệ gắn bó với Trung Quốc - một trạng thái được yêu cầu bởi chính sách xoay trục từ châu Âu sang châu Á của Putin.

Nếu các động thái của Trung Quốc thu hút sự chú ý, thì những hành động của Thổ Nhĩ Kỳ và sự ủng hộ của Nga dành cho chúng lại không nhận được sự chú ý, một điều đáng chú ý hơn bởi vì các nhà máy đóng tàu của Thổ Nhĩ Kỳ có thể có khả năng chế tạo nhiều tàu phá băng hơn nhưng nhỏ hơn so với các đối tác Trung Quốc. Maksim Kulinko, phó giám đốc cơ quan NSR của Nga, nói rằng Thổ Nhĩ Kỳ, giống như Trung Quốc, sẽ chế tạo các tàu phá băng phi nguyên tử nhỏ hơn cho tuyến đường này. Trong bài đưa tin về phát biểu của ông, hãng thông tấn Nga Rex cho biết Moscow không có lựa chọn nào khác ngoài việc hợp tác với các công ty Thổ Nhĩ Kỳ và Trung Quốc vì họ không thể tự đóng những con tàu cần thiết. Tuy nhiên, đồng thời, hãng tin cũng cho biết thêm rằng Điện Kremlin phải đảm bảo rằng họ có thể kiểm soát được tham vọng chính trị của hai quốc gia này. Đó không phải là nhiệm vụ dễ dàng – dù là dọc theo NSR hay tại miền Bắc nước Nga - đặc biệt là khi các thách thức hiện đang đến từ hai hướng, chứ không phải chỉ một.

Nguồn tin: Jamestown Foundation

© Bản tiếng Việt của xangdau.net

ĐỌC THÊM