Mặc dù giá xăng dầu trong nước đã giảm mạnh trong thời gian gần đây, nhưng các doanh nghiệp kinh doanh vận tải hành khách ở Hải Phòng lại chậm trễ trong việc giảm giá cước, đặc biệt là các đối với doanh nghiệp khai thác tuyến vận tải liên tỉnh.
Theo Sở Giao thông Vận tải Hải Phòng, đến ngày 14-11 mới có 3 doanh nghiệp vận tải đăng ký kê khai giá cước mới, giảm khoảng 5 - 10%. Đó là Công ty Công ty Hoàng Long, khai thác tuyến liên tỉnh và 2 công ty taxi Trung Kiên và Trường Tuấn, còn lại các doanh nghiệp kinh doanh vận tải hành khách tuyến liên tỉnh vẫn chưa giảm giá cước vận tải.
Các hãng xe taxi đã giảm giá cước trung bình, nhưng mức giảm còn thấp, bình quân giảm 500 - 1.000 đồng/km.
Các doanh nghiệp thường đưa ra nhiều lý do để trì hoãn việc giảm giá cước. Số ít doanh nghiệp cho rằng: trước đây khi giá xăng tăng cao họ không tăng giá nên giờ xăng dầu giảm thì họ cũng không phải giảm theo.
Số khác lại lý giải vì họ đầu tư phương tiện mới, nâng cao chất lượng phục vụ, chi phí khác trong kinh doanh cao nên giữ giá cước như hiện nay là hợp lý.
Theo đánh giá của Sở Giao thông - Vận tải, lý do các doanh nghiệp vận tải không giảm cước, hoặc giảm cước ít là tính cạnh tranh của thị trường này ở Hải Phòng là không cao, các doanh nghiệp thường "nhìn nhau" để giảm chứ không giảm nhanh.
Hơn nữa, thủ tục giảm giá cước cũng còn phức tạp như phải điều chỉnh và kẹp chì đồng hồ tại Chi cục đo lường chất lượng hay phải đăng ký giá cước với các cơ quan chủ quản như Cục Thuế, sở Giao thông - Vận tải... nên các doanh nghiệp thường rất "ngại" thay đổi giá cước.
Mặc dù theo luật, các doanh nghiệp vận tải phải tự xây dựng giá cước hợp lý, tuy nhiên trong điều kiện giá xăng dầu giảm mạnh thì cơ quan chủ quản có quyền yêu cầu doanh nghiệp phải tính toán lại để điều chỉnh giá cước xuống hợp lý hơn bởi chi phí xăng dầu chiếm tới 60% chi phí kinh doanh của ngành nghề này.
(Nhân Dân)