Để sử dụng Xangdau.net, Vui lòng kích hoạt javascript trong trình duyệt của bạn.

To use Xangdau.net, Please enable JavaScript in your browser for better use of the website.

Loader

Goldman Sachs: Loại các công ty dầu mỏ lớn khỏi danh mục đầu tư ESG là một sai lầm

Trước đây, có tin tức cho rằng cơn sốt đầu tư ESG của những năm trước đã sụp đổ. Đầu tư vào môi trường, xã hội và quản trị (ESG) tăng đột biến vào năm 2020 và 2021 trong bối cảnh đại dịch COVID-19 với giá dầu thấp thúc đẩy nhiều khoản đầu tư hơn ngoài nhiên liệu hóa thạch, trong khi các nhà quản lý quỹ cố gắng tỏ ra có ý thức hơn về khí hậu. Tuy nhiên, sự bùng nổ giá dầu năm 2022/2023, phản ứng dữ dội của giới chính trị đối với ESG do các chính trị gia Đảng Cộng hòa dẫn đầu cũng như những tuyên bố về việc tẩy xanh đã khiến đầu tư ESG mất đi nhiều sự hấp dẫn.

Cụ thể, Texas đã cấm các thực thể nhà nước, bao gồm cả quỹ lương hưu, đầu tư vào khoảng 350 quỹ phản đối đầu tư vào nhiên liệu hóa thạch trong khi các công ty khác đã bị đưa vào danh sách đen vì phản đối vũ khí.

Trong khi đó, Big Oil đã thu hẹp tham vọng về ESG và năng lượng sạch của mình. Năm ngoái, gã khổng lồ dầu khí Anh, BP Plc (NYSE:BP), đã công bố một chiến lược khử cacbon mới đòi hỏi phải giảm chậm hơn các khoản đầu tư thượng nguồn và hủy bỏ các kế hoạch trước đây về việc thu hẹp hoạt động lọc dầu.

Tháng 12 năm ngoái, Shell Plc (NYSE:SHEL) đã công bố kế hoạch ngừng các khoản đầu tư mới vào năng lượng gió ngoài khơi và cho biết sẽ chia tách bộ phận điện khi CEO Wael Sawan tìm cách thúc đẩy lợi nhuận của công ty. Shell đã thu hẹp một cách hệ thống các khoản đầu tư vào năng lượng sạch của mình: đầu năm nay, công ty đã hủy bỏ kế hoạch xây dựng một nhà máy hydro carbon thấp ở bờ biển phía tây Na Uy do nhu cầu không cao.

"Chúng tôi chưa thấy thị trường hydro xanh hình thành và quyết định không tiến hành dự án", một phát ngôn viên của Shell nói với Reuters.

Tương tự, công ty năng lượng đa quốc gia do nhà nước Na Uy sở hữu, Equinor ASA (NYSE:EQNR), đã tuyên bố sẽ không tiến hành kế hoạch xây dựng đường ống dẫn hydro từ Na Uy đến Đức với đối tác RWE (OTCPK:RWEOY), với lý do thiếu khách hàng cũng như khuôn khổ quản lý không đầy đủ. Equinor sẽ xây dựng các nhà máy hydro cho phép Na Uy vận chuyển tới 10 gigawatt hydro xanh mỗi năm đến Đức.

Và giờ đây, Phố Wall cho biết các công ty dầu khí nên tham gia đầu tư ESG, nhờ vào các khoản đầu tư đáng kể vào năng lượng sạch của họ.

Theo Michele Della Vigna, người đứng đầu bộ phận nghiên cứu tài nguyên thiên nhiên EMEA tại Goldman Sachs, việc loại cổ phiếu Big Oil khỏi danh mục đầu tư ESG dựa trên "sai lầm lớn" trong việc đánh giá quá trình chuyển đổi năng lượng theo quan điểm của các nhà đầu tư châu Âu. Della Vigna cho biết không giống như các công ty tiện ích, chủ yếu là các nhà xây dựng cơ sở hạ tầng, các công ty dầu khí là những “người chấp nhận rủi ro” và “người tạo lập thị trường”. Della Vigna cho biết quá trình chuyển đổi năng lượng có thể sẽ kéo dài hơn nhiều so với dự kiến, “Vì vậy, chúng ta cần năng lực, bảng cân đối kế toán và khả năng chấp nhận rủi ro của họ. Họ là một trong những nhà đầu tư lớn nhất vào các dự án carbon thấp và dù chúng ta có thích hay không, chúng ta cũng cần các hoạt động kinh doanh cốt lõi của họ là dầu khí”, ông nói với CNBC.

Các công ty dầu khí lớn của Hoa Kỳ dường như đồng tình với quan điểm của Della Vigna. Theo Darren Woods của Exxon Mobil (NYSE:XOM), Châu Âu nên học hỏi cách tiếp cận của Hoa Kỳ đối với chính sách khí hậu, đồng thời nói thêm rằng lục địa này có nguy cơ đẩy các công ty ra xa bằng cách quản lý quá khắc khe. Woods nói với Bloomberg rằng nhiều công nghệ thu giữ carbon đang được phát triển tại Hoa Kỳ sẽ đóng vai trò quan trọng trong quá trình phi carbon hóa toàn cầu.

Hồi tháng 4 năm 2023, Woods đã tự hòa về mảng kinh doanh Carbon thấp đang phát triển mạnh mẽ của Exxon, nói rằng mảng này có tiềm năng tạo ra hàng trăm tỷ đô la doanh thu và thậm chí vượt trội hơn mảng kinh doanh dầu khí truyền thống của công ty trong những thập kỷ tới. Theo Woods, mảng kinh doanh này có thể phát triển để tạo ra hàng chục tỷ đô la doanh thu sau 10 năm tăng tốc ban đầu.

"Mảng kinh doanh này sẽ trông khá khác so với mảng kinh doanh cơ bản của Exxon Mobil. Mảng này sẽ có hồ sơ ổn định hơn nhiều hoặc ít mang tính chu kỳ hơn", Dan Ammann, chủ tịch của đơn vị Giải pháp kinh doanh Carbon thấp được thành lập hai năm của Exxon, đã tuyên bố.

Cùng năm đó, Exxon Mobil đã ký một hợp đồng dài hạn với công ty khí công nghiệp Linde Plc. (NYSE:LIN) liên quan đến việc tiêu thụ carbon dioxide liên quan đến dự án hydro sạch theo kế hoạch của Linde tại Beaumont, Texas. Thông qua hợp đồng, Exxon sẽ vận chuyển và lưu trữ vĩnh viễn tới 2,2 triệu tấn CO2/năm từ nhà máy của Linde.

Exxon không phải là công ty duy nhất có kế hoạch CCS đầy tham vọng.

Tháng 2 năm ngoái, gã khổng lồ dịch vụ mỏ dầu Schlumberger Ltd (NYSE:SLB) đã thảo luận về đơn vị SLB New Energy mới thành lập của mình, đơn vị này sẽ tập trung vào các phân khúc như giải pháp carbon, hydro, lưu trữ năng lượng, địa nhiệt/địa năng và khoáng sản quan trọng, mỗi phân khúc có thị trường mục tiêu tối thiểu là 10 tỷ đô la, theo báo cáo của Bloomberg NEF.

Trong khi đó, năm ngoái, Saudi Aramco (ARMCO), công ty dầu khí lớn nhất thế giới, đã công bố kế hoạch đạt mức phát thải ròng bằng 0 vào năm 2050 mà không phải hy sinh sản lượng dầu khí. Trong chuyến thăm hiếm hoi kéo dài hai ngày của Fortune vào đầu tháng 5, Aramco đã vén bức màn về hàng chục dự án nghiên cứu, bao gồm CCS, đang được tiến hành tại trụ sở chính của công ty ở Dhahran, miền đông Ả Rập Xê Út, mà công ty tin rằng sẽ giúp giải quyết vấn đề biến đổi khí hậu, ngay cả khi vẫn bơm khoảng 9 triệu thùng dầu mỗi ngày. Aramco tuyên bố những đột phá về công nghệ của họ có tiềm năng cắt giảm 15% lượng khí thải carbon từ mỗi thùng dầu mà họ sản xuất vào năm 2035, tương đương với 51,1 triệu tấn carbon mỗi năm.

Điều đó có nghĩa là, việc đưa các cổ phiếu Big Oil vào danh mục đầu tư ESG có thể sẽ gặp phải sự phản đối quyết liệt do vai trò quá lớn của chúng trong việc phát thải khí nhà kính. Theo cơ sở dữ liệu Carbon Majors, Saudi Aramco, Coal India, CHN Energy và Jinneng Group của Trung Quốc và National Iranian Oil chiếm gần 18% lượng khí thải C02 toàn cầu vào năm 2023. Mặt khác, ExxonMobil, Chevron Corp. (NYSE:CVX), Shell, TotalEnergies (NYSE:TTE) và BP chiếm khoảng 5% lượng khí thải toàn cầu trong cùng năm.

Nguồn tin: xangdau.net

ĐỌC THÊM