Để sử dụng Xangdau.net, Vui lòng kích hoạt javascript trong trình duyệt của bạn.

To use Xangdau.net, Please enable JavaScript in your browser for better use of the website.

Loader

Goldman Sachs không còn dự báo giá dầu 100 USD vào năm 2023

Tuần trước, giá dầu đã ghi nhận tuần tồi tệ nhất kể từ đầu năm, giảm mạnh do lo ngại về nền kinh tế toàn cầu sau sự sụp đổ của hai ngân hàng lớn của Mỹ và sự phá sản của Credit Suisse. Trong khi hầu hết các dự báo về giá trong ngắn hạn đều là tăng do dựa trên các nguyên tắc cơ bản ủng hộ xu hướng tăng giá của dầu mỏ, giờ đây mọi thứ đang bắt đầu thay đổi. Nguồn cung khan hiếm, được hầu như tất cả các tổ chức dự báo cho là lý do chính dẫn đến dự đoán giá dầu tăng, đang nhường chỗ cho những lo ngại về suy thoái kinh tế sẽ làm giảm nhu cầu và đẩy giá xuống thấp hơn.

Goldman Sachs đã điều chỉnh dự báo giá dầu cho thời gian còn lại của năm. Trước đây kỳ vọng Brent sẽ đạt 100 đô la trong nửa cuối năm, giờ đây ngân hàng đầu tư này dự báo chuẩn dầu quốc tế chỉ tăng lên 94 đô la một thùng trong 12 tháng tới. Đối với năm 2024, các nhà phân tích của Goldman dự đoán dầu thô Brent ở mức 97 USD/thùng.

“Giá dầu đã giảm bất chấp sự bùng nổ nhu cầu của Trung Quốc do căng thẳng ngân hàng, lo ngại suy thoái kinh tế và sự tháo chạy của các nhà đầu tư,” Goldman cho biết trong một lưu ý vào tuần trước, được Bloomberg trích dẫn. “Trong lịch sử, sau những sự kiện để lại hậu quả như vậy, vị thê svà giá chỉ phục hồi dần dần, đặc biệt là giá dài hạn.”

Thật vậy, theo như các sự kiện, sự kiện lần này đã để lại một hậu quả nghiêm trọng. Dầu thô Brent đã rớt từ hơn 80 USD/thùng xuống dưới 75 USD/thùng và dầu thô West Texas Middle giảm xuống gần 65 USD/thùng. Và điều này đã xảy ra trong khi các tổ chức dự báo có thẩm quyền như IEA và OPEC gần đây cho biết họ kỳ vọng sự tăng trưởng nhu cầu mạnh hơn tăng trưởng nguồn cung.

Theo một báo cáo gần đây của CNBC, 41% người Mỹ đang chuẩn bị cho một cuộc suy thoái và có lý do chính đáng. Bất chấp những cuộc tranh luận dường như bất tận trên các phương tiện truyền thông về việc liệu nền kinh tế lớn nhất thế giới đã suy thoái hay chưa, sắp bước vào suy thoái hay sẽ xoay sở để tránh suy thoái, các dự báo có vẻ không lạc quan.

“Những gì bạn đang thực sự thấy là tình hình tài chính bị thắt chặt đáng kể. Những gì thị trường đang thể hiện là điều này làm tăng nguy cơ suy thoái và đúng là như vậy,” Jim Caron, trưởng bộ phận chiến lược vĩ mô về thu nhập cố định toàn cầu tại Morgan Stanley Investment Management, nói với CNBC hồi đầu tháng này.

“Cổ phiếu đang giảm. Lợi suất trái phiếu đang giảm. Tôi nghĩ một câu hỏi khác là: có vẻ như chúng ta đang định vào giá ba lần cắt giảm lãi suất, điều đó có xảy ra không? Bạn không thể loại trừ nó,” Caron bình luận.

Nhà phân tích thị trường của Reuters, John Kemp, đã đi xa hơn vào tháng 1 khi ông dự đoán rằng bằng cách này hay cách khác, sẽ có một cuộc suy thoái toàn cầu và các cuộc tranh luận về cơ bản là vô nghĩa.

Với bản chất chu kỳ của tăng trưởng kinh tế, Kemp đã thấy trước hai kịch bản có thể xảy ra: một, trong đó suy thoái bắt đầu sớm hơn trong năm do hậu quả tự nhiên của các sự kiện trong vài năm qua, và một kịch bản khác, trong đó tăng trưởng được kích thích bởi ngân hàng trung ương dẫn đến thậm chí lạm phát cao hơn, sau đó dẫn đến suy thoái trong bối cảnh tiêu dùng thấp hơn.

Cho dù kịch bản nào xảy ra, nếu có, nó sẽ dẫn đến nhu cầu dầu thấp hơn như suy thoái vẫn thường tác động. Và nhu cầu thấp hơn sẽ tự nhiên làm giảm giá dầu, mặc dù chỉ là tạm thời. Bởi vì giá thấp hơn có xu hướng kích thích nhu cầu, ngay cả trong thời kỳ suy thoái.

Nhưng có một chi tiết quan trọng ở đây. Các dự báo về suy thoái kinh tế tập trung vào Vương quốc Anh, EU, Hoa Kỳ và Canada, cũng như Úc. Không có cuộc nói chuyện nào về suy thoái kinh tế ở Trung Quốc hoặc Ấn Độ. Bởi vì Trung Quốc và Ấn Độ sẽ tăng trưởng trong năm nay và khi họ tăng trưởng, họ sẽ tiêu thụ nhiều dầu hơn. Trong khi đó, có vẻ như nguồn cung dầu thô sẽ không tăng nhiều hơn nữa.

Dù vậy, chỉ bởi vì nhu cầu dầu mỏ từ Trung Quốc và Ấn Độ, mà đáng chú ý nhất là Trung Quốc, được dự báo cao hơn trong năm nay, điều đó không có nghĩa là giá dầu cao hơn chắc chắn sẽ xảy ra. Đó là bởi vì nền kinh tế của Trung Quốc là định hướng xuất khẩu và khi các nước tiêu dùng rơi vào suy thoái hoặc bất cứ điều gì tương tự như vậy, những mặt hàng xuất khẩu này sẽ bị ảnh hưởng.

Các dự báo về nhu cầu dầu của Trung Quốc vẫn ở mức cao kỷ lục trong năm nay. OPEC cho biết họ dự kiến nhu cầu từ nhà nhập khẩu lớn nhất thế giới sẽ tăng thêm hơn 700.000 thùng/ngày trong năm nay trong tổng số 15,56 triệu thùng/ngày. Về phần mình, IEA dự báo tăng trưởng nhu cầu từ Trung Quốc sẽ đẩy thị trường dầu mỏ rơi vào tình trạng thiếu hụt trong nửa cuối năm. Tuy nhiên, nếu một cuộc suy thoái ở đây hoặc ở đó làm giảm nhu cầu đối với mọi thứ đến từ Trung Quốc, thì mọi khả năng đều bị loại bỏ.

Do các nguyên tắc cơ bản của dầu, tất cả các dự báo về giá đều cho thấy giá cao hơn vào cuối năm. Nhưng cơ sở cho những dự báo này xuất hiện trước khi ngân hàng sụp đổ và khoản cứu trợ dành cho Credit Suisse.

Có lẽ sự hoảng loạn trong ngành ngân hàng sẽ sớm qua đi và mọi thứ, bao gồm cả triển vọng nhu cầu dầu, sẽ trở lại bình thường. Hoặc có lẽ sự hoảng loạn từ lĩnh vực ngân hàng là điềm báo trước về những điều tồi tệ hơn sắp xảy ra - những thứ sẽ ảnh hưởng đến nhu cầu đối với mọi thứ, từ dầu thô đến iPhone. Được gọi chung là suy thoái kinh tế, những điều này có thể dẫn đến một số dự báo giá dầu rất khác biệt vào cuối năm nay.

Nguồn tin: xangdau.net  

ĐỌC THÊM