Giá dầu đã giảm khoảng 15 phần trăm trong tháng qua, và mối quan tâm về cung vượt cầu đã quay trở lại. OPEC và Mỹ đều bổ sung thêm một lượng lớn nguồn cung mới, đe doạ tạo ra thị trường giá xuống cho dầu thô.
Tuy nhiên, tâm lý thị trường chua chát có lẽ có thể vượt qua những gì được cho là hợp lý. Goldman Sachs lập luận trong một báo cáo rằng sự mất nguồn cung từ Iran, kết hợp với công suất dự phòng thấp và nhu cầu dầu phục hồi sẽ đẩy giá tăng trở lại. Ngân hàng đầu tư này đã lặp lại dự báo giá dầu Brent lên mức 80 USD/thùng vào cuối năm nay.
Một phần lý do khiến các trader dầu bi quan là vì nhu cầu đột nhiên có vẻ dao động. Cụ thể, nhu cầu tại các thị trường mới nổi dường như suy yếu, đặc biệt khi đồng tiền mất giá so với đồng đô la, điều này đã làm khuếch đại cú sốc giá cho người tiêu dùng. Tuy nhiên, Goldman Sachs nói rằng khi đào sâu vào dữ liệu, nhu cầu dường như không thay đổi nhiều. "Mô hình và việc theo dõi của chúng tôi cho thấy những lo lắng này có thể là quá mức", các nhà phân tích Goldman viết.
Có một vài lý do cho điều này, ngân hàng lập luận. Nhu cầu dầu vẫn đang tăng trưởng với một tốc độ nhanh chóng trên toàn cầu. Cụ thể hơn, nhu cầu dầu của Trung Quốc “tiếp tục gây bất ngờ cho đà tăng mặc dù hoạt động đang diễn ra chậm lại,” ngân hàng cho biết. Ngoài ra, tác động của giá nhiên liệu cao hơn trong đồng nội tệ tại các thị trường mới nổi “sẽ vẫn ở mức trung bình vào năm 2018 và đã tiêu tan vào giữa năm 2019 ở mức giá dầu và USD hiện tại, đó là dự báo cơ bản của chúng tôi”.
Hơn nữa, Goldman Sachs hoàn toàn không tin vào khái niệm về sự suy thoái kinh tế toàn cầu, mặc dù nó thừa nhận rằng lĩnh vực này hơi khó dự đoán.
Câu chuyện gần đây trên thị trường dầu mỏ đã tập trung vào sự căng thẳng giữa việc mất nguồn cung từ Iran với sản lượng OPEC cao hơn và nhu cầu yếu hơn. Khả năng phục hồi của xuất khẩu dầu Iran, kết hợp với sản lượng dầu của Mỹ và OPEC cao hơn, đã dẫn đến sự bi quan nhiều hơn cho giá. Dầu Brent đã giảm từ mức 86 đô la/thùng vào đầu tháng 10 xuống dưới 75 USD một tháng sau đó.
Tuy nhiên, sự điều chỉnh giá này có lẽ chỉ để xả bớt bong bóng ra khỏi thị trường, điều chỉnh lại kỳ vọng thấp hơn, điều này có thể tạo thêm cơ hội cho đà tăng. Goldman Sachs cho rằng xuất khẩu dầu của Iran vẫn sẽ giảm từ đây, bất chấp khả năng Mỹ có thể cấp quyền miễn trừ cho một số nhà nhập khẩu. Điều đó có nghĩa là giá có thể chạm mức thấp tạm thời trước khi thực hiện các lệnh trừng phạt của Hoa Kỳ vào ngày 5 tháng 11, mở ra tiềm năng tăng giá sau đó.
“Với số liệu tồn kho dầu thường xuyên cao trong tháng 10 chỉ ra một sự suy giảm của các kho dự trữ trên toàn cầu và sản lượng của Iran vẫn dự kiến sẽ giảm, chúng tôi cho rằng thị trường rốt cuộc sẽ rơi vào thâm hụt trong tháng 11, tạo tiền đề cho sự phục hồi của giá Brent”các nhà phân tích của Goldman viết.
Sự khác biệt quan trọng nhất giữa Goldman và một số nhà dự báo khác là niềm tin vào nhu cầu thị trường mới nổi. Ngân hàng này dự báo nhu cầu dầu trên thị trường mới nổi tăng 1,55 triệu thùng/ngày trong năm 2018 và 1,45 triệu thùng/năm vào năm 2019, cao hơn các dự báo khác. Goldman cho rằng dữ liệu ở các thị trường mới nổi đang thiếu, và các số liệu nhu cầu có xu hướng được điều chỉnh lại cao hơn sau này. Nếu đúng như vậy thì thị trường dầu có thể thắt chặt hơn so với hầu hết mọi người đã nghĩ.
Ví dụ như, dữ liệu tồn kho ở nhiều quốc gia thường bị thiếu, vì vậy bất kỳ sự sụt giảm nào trong nhập khẩu thường được hiểu là nhu cầu yếu, trong khi trên thực tế, một quốc gia riêng lẻ có thể chỉ đơn giản là đang giảm hàng tích trữ. Việc giảm bớt hàng dự trữ này không hiển thị trong dữ liệu, và các nhà phân tích thị trường sai lầm khi nghĩ rằng một quốc gia như vậy đang cắt giảm nhập khẩu vì nhu cầu đang chậm lại. Goldman tin rằng điều này đang xảy ra ở Trung Quốc, nơi mà cơ quan này cho rằng nhu cầu cao hơn nhiều so với thị trường tin tưởng.
Hơn nữa, các thị trường mới nổi thậm chí có thể hồi phục vào năm 2019, điều này có thể dẫn đến một sự suy giảm rất khiêm tốn trong nền kinh tế toàn cầu, thay vì suy thoái sâu hơn mà một số nhà dự báo đang chú ý.
Cuối cùng, bất kỳ sự suy thoái nào về giá đều có thể sẽ được đáp lại bằng việc cắt giảm sản lượng từ OPEC. Nhóm này dường như ngày càng quen với giá cao hơn, và bây giờ có vẻ háo hức để đưa ra một mức giá sàn mà cao hơn nhiều so với một hoặc hai năm trước đây. Thay vì 50 hay 60 USD mà OPEC có thể cảm thấy thoải mái trong năm 2017, mức giá sàn mới có thể là khoảng 70 USD.
Trong tương lai, OPEC có khả năng sẽ hiệu chỉnh các mức sản xuất để tránh giá rớt mạnh. "Chỉ có một cú sốc nhu cầu lớn mới đẩy hàng tồn kho cao hơn nhiều và giá thấp hơn đáng kể khi cắt giảm sản xuất không thể phù hợp với tốc độ của sự suy giảm nhu cầu," Goldman lập luận.
Gom tất cả các yếu tố lại, thay vì bắt đầu đợt suy thoái sâu hơn, giá dầu có lẽ là đang sắp chạm đáy và bật tăng trở lại.
Nguồn tin: xangdau.net