Giá dầu sụt giảm về mức thấp, không chỉ ảnh hưởng đến kết quả kinh doanh của các công ty thượng nguồn của ngành liên quan đến khoan và dịch vụ khoan dầu khí, mà còn có cả một số doanh nghiệp trong ngành tưởng chừng được hưởng lợi từ giá khí rẻ hơn.
Doanh nghiệp dầu khí dự báo sẽ tiếp tục khó khăn trong năm 2017 khi giá dầu dự báo khó hồi phục mạnh
DPM: 2017 vẫn tiếp tục khó khăn
Được áp dụng cơ chế giá khí đầu vào thả nổi ngay trước khi giá dầu bắt đầu sụt giảm, điều này những tưởng sẽ giúp Tổng công ty Phân bón và Hóa chất Dầu khí (mã DPM) có giai đoạn bứt phá. Tuy nhiên, việc giá urea trong nước và thế giới giảm sâu cùng tình trạng dư thừa sản lượng khi hạn hán kéo dài ở đồng bằng sông Cửu Long và lũ lụt tại miền Trung ảnh hưởng đến sản xuất nông nghiệp và nhu cầu phân bón, khiến kết quả kinh doanh năm 2016 của DPM bị sụt giảm.
Theo dự báo của Ngân hàng Thế giới (World Bank), giá dầu năm 2017 sẽ tăng hơn 20% so với mức giá bình quân 45 USD/thùng của năm nay, khiến chi phí đầu vào của DPM gia tăng (khí là nguyên liệu chính trong sản xuất urea và chi phí nguyên liệu đầu vào chiếm trên 50% tổng chi phí sản xuất - kinh doanh của DPM).
Trong khi đó, các báo cáo của Hiệp hội Phân bón thế giới đều nhìn nhận khá tiêu cực về giá urea trong các năm tới do tình trạng dư thừa, giá dầu tăng trở lại có thể kéo giá urea phục hồi, nhưng sẽ có độ trễ và dự báo mức phục hồi thấp hơn mức tăng chi phí đầu vào, nên hoạt động sản xuất – kinh doanh của DPM trong 2017 vẫn sẽ gặp nhiều khó khăn.
Ngoài ra, DPM còn chịu rủi ro trích lập dự phòng thêm cho khoản đầu tư vào PVTex. Dự án được chờ đợi tạo bước đột phá cho DPM là nhà máy NH3-NPK dự kiến hoàn thành và đi vào hoạt động từ cuối năm 2017, nên chưa thể đóng góp nhiều vào việc cải thiện kết quả kinh doanh năm tới, trong khi nhà máy urea hiện hữu đã hoạt động gần hết công suất.
Lợi thế của DPM là nhà máy urea hiện tại được xây dựng từ năm 2003 và dự kiến sẽ hết khấu hao trong năm 2017, qua đó, làm giảm chi phí, bù đắp cho sự sụt giảm của doanh thu. Với hệ thống phân phối mạnh, thương hiệu DPM được bà con nông dân chấp nhận giúp doanh nghiệp duy trì thị phần trên 40%.
Mặt khác, Tổng công ty Hóa chất (Vinachem) đã đề xuất Chính phủ ban hành các quy định về thuế chống bán phá giá với phân bón urea nhập khẩu, phân loại urea vào danh mục sản phẩm giảm thuế VAT đầu vào để hỗ trợ nhà máy Đạm Ninh Bình và Hà Bắc trước sức ép cạnh tranh của sản phẩm nhập khẩu giá rẻ cũng giúp DPM hưởng lợi.
Lũy kế 4 quý gần nhất, thu nhập bình quân mỗi cổ phần (EPS) của DPM đạt 3.300 đồng, tương ứng mức PE thị trường 8x, tương đối thấp so với PE của thị trường Việt Nam và nhiều công ty cùng ngành tại Trung Quốc, Ấn Độ và Pakistan, vốn là các nước có sản lượng sản xuất urea hàng đầu châu Á. DPM có điểm mạnh về cơ cấu tài chính lành mạnh, vay nợ thấp, tiền mặt dồi dào, chi trả cổ tức đều đặn (tỷ suất cổ tức hàng năm của DPM duy trì khoảng 10% so với thị giá).
Đặc biệt, từ năm 2018, Dự án NH3-NPK được kỳ vọng sẽ đem lại hiệu quả cho doanh nghiệp. Tuy nhiên, trong năm 2017, kết quả kinh doanh của DPM được dự báo còn gặp nhiều khó khăn, phụ thuộc vào sự hồi phục của giá urea trong nước và thế giới.
GAS: Tăng đầu tư do đường ống gần hết công suất
Kết quả kinh doanh năm 2016 của GAS cũng bị ảnh hưởng nặng do giá dầu thấp khiến doanh thu sụt giảm trong khi các chi phí đầu vào giảm không tương ứng.
Trong năm 2017, kết quả kinh doanh của GAS dự báo tăng trưởng trở lại cùng đà hồi phục của giá dầu và sản lượng tiêu thụ tiếp tục gia tăng. Trong bối cảnh giá dầu thấp thời gian qua và các quy định về khí thải môi trường đã thúc đẩy nhiều doanh nghiệp chuyển sang sử dụng sản phẩm khí làm nhiên liệu đầu vào, các nhà máy nhiệt điện tăng công suất để bù đắp cho thiếu hụt sản lượng từ thủy điện bị ảnh hưởng bởi Elnino thường xuyên, các nhà máy phân bón cũng gia tăng công suất và nhiều dự án mới được đầu tư… Do vậy, trong 2 năm vừa qua, sản lượng tiêu thụ khí của GAS liên tục tăng và dự kiến sẽ tiếp tục gia tăng trong năm 2017.
Với cơ chế giá khí mới áp dụng từ đầu năm 2016, giá bán cho các nhà máy điện tính theo cơ chế thị trường, nhưng không thấp hơn giá khí miệng giếng.
Tiềm năng tăng trưởng của GAS chỉ còn phụ thuộc vào nhu cầu tiêu thụ và công suất của các hệ thống vận hành khí, thay vì lo ngại lỗ do giá dầu thấp khi áp dụng cơ chế cũ.
Với cơ cấu tài chính thiên về vốn chủ sở hữu, tỷ lệ nợ phải trả chỉ chiếm khoảng 25 - 27% tổng tài sản, GAS sẽ không gặp khó khăn về tài chính hay dễ dàng vay nợ thêm khi cần để đầu tư vào các dự án mới, nhất là khi giá dầu hồi phục thúc đẩy các dự án đang dang dở hay bị đình trệ thời gian qua như lô B - Ô Môn, nhà máy xử lý khí Cà Mau, Nam Côn Sơn 2, kho LNG Thị Vải… tiếp tục triển khai hoặc tái khởi động. Hiện các hệ thống đường ống của GAS đã vận hành gần 90% công suất nên nhu cầu đầu tư mới, nhằm đáp ứng sản lượng tiêu thụ tăng là bức thiết.
Với giá khí đầu vào và đầu ra được tính bằng USD cũng giúp GAS giảm đáng kể ảnh hưởng của biến động tỷ giá đến kết quả kinh doanh. Dòng tiền hoạt động kinh doanh lớn cũng giúp đảm bảo duy trì việc thanh toán cổ tức đều đặn hàng năm.
GAS là cổ phiếu có mức hồi phục mạnh nhất trong năm 2016 của nhóm dầu khí với mức tăng 126% so với giá đáy. Thu nhập bình quân vốn cổ phần (EPS) lũy kế 4 quý gần nhất đạt 2.600 đồng/cổ phần, tương ứng PE thị trường ở mức 26 lần. Đây là mức tương đối cao so với PE ngành dầu khí trong nước là 8,9 lần và ngành dầu khí các nước châu Á mới nổi là 18,6 lần (nguồn Bloomberg).
PVT: Chi phí lãi vay sẽ tăng mạnh
PVT là thành viên hiếm hoi của Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN) có kết quả kinh doanh tăng trưởng trong khi hầu hết các thành viên khác đều bị ảnh hưởng nặng nề do cơn bão giá dầu thấp càn quét. Việc giá dầu giảm làm tăng nhu cầu tiêu thụ dầu của nền kinh tế, qua đó, tăng nhu cầu vận chuyển và giảm chi phí đầu vào cho đội tàu, tác động tích cực đến hoạt động kinh doanh của PVT.
Năm 2016, kết quả kinh doanh của PVT tiếp tục duy trì tốt nhờ Nhà máy Dung Quất hoạt động liên tục, giúp sản lượng đạt mức cao và giá cước trung bình được cải thiện do giá cước tàu biển (BDIY) đã phục hồi từ đầu năm.
Trong năm 2017, mặc dù doanh thu từ Nhà máy lọc dầu Dung Quất (chiếm tỷ trọng lớn doanh thu vận tải của PVT) sẽ bị ảnh hưởng do bảo dưỡng khoảng 52 ngày, nhưng nhờ hàng loạt dự án mới đi vào hoạt động như Nhà máy lọc dầu Nghi Sơn (quý III/2017), Tổ máy số 2 Nhiệt điện Vũng Áng (chạy hết công suất từ 2017), Nhiệt điện Thái Bình 2 (giữa 2017), Nhà máy GPP Cà Mau (giữa 2017)… sẽ giúp Công ty bù đắp sản lượng sụt giảm từ Nhà máy Dung Quất.
Tuy nhiên, chi phí khấu hao và lãi vay sẽ tăng mạnh do PVT dự kiến đầu tư thêm một loạt tàu và xà lan mới nhằm đáp ứng nhu cầu vận tải gia tăng (các tàu của PVT đều được đầu tư theo tỷ lệ 30% vốn góp và 70% vốn vay) cùng với mảng FSO/FPSO chưa phục hồi nhiều do giá dầu còn thấp và tỷ giá biến động tăng bình quân khoảng 2 - 5% hàng năm khiến doanh thu và lợi nhuận của PVT dự báo sẽ chỉ ngang bằng hoặc tăng nhẹ so với kết quả đạt được của năm 2016.
Do đặc thù vay nợ lớn (đặc biệt là nợ ngoại tệ USD) để phục vụ cho việc mua tàu, doanh nghiệp đang chịu tác động lớn của biến động lãi vay và tỷ giá. Rủi ro này đã phần nào được hạn chế khi lãi suất có xu hướng giảm và tương đối ổn định những năm gần đây, tỷ giá có xu hướng tăng hàng năm nhưng không đột biến, đồng thời mảng FSO/FPSO đem lại nguồn thu ngoại tệ giúp doanh nghiệp giảm bớt phần nào rủi ro này.
Với mức thu nhập bình quân mỗi cổ phiếu (EPS) lũy kế 4 quý đạt 1.600 đồng, PVT đang được giao dịch tại mức PE thị trường 7x, thấp hơn so với mức PE của ngành dầu khí là 8,9, PE của ngành vận tải - cảng là 10x và mức PE của VN-Index là 16,2. PB 4 quý gần nhất đạt 0,8, thấp hơn mức PB của VN-Index là 1,9. Trong kỳ cơ cấu quý III/2016 vừa qua, Quỹ VNM ETF đã loại PVT ra khỏi danh mục và bán ra hơn 10 triệu cổ phiếu làm ảnh hưởng đáng kể đến cung - cầu và giá cổ phiếu PVT trong ngắn hạn.
PVS: Chấp nhận đàm phán lại giá với mức phí thấp hơn
Hoạt động trong lĩnh vực hỗ trợ kỹ thuật, PVS thuộc nhóm doanh nghiệp bị tác động mạnh nhất của biến động giá dầu so với các doanh nghiệp trong ngành.
Quý III/2016, doanh thu thuần của PVS đạt 4.772 tỷ đồng, lợi nhuận trước thuế 148 tỷ đồng, lần lượt giảm 30% và 74% so với cùng kỳ năm trước.
9 tháng đầu năm 2016, lợi nhuận gộp ở 5/6 mảng hoạt động kinh doanh, đóng góp gần 90% doanh thu của Công ty sụt giảm mạnh. Đặc biệt, mảng dịch vụ khảo sát địa chấn, sửa chữa công trình ngầm có lợi nhuận gộp âm năm thứ hai liên tiếp.
PVS hiện mới hoàn thành 60,4% kế hoạch doanh thu và 82% kế hoạch lợi nhuận trước thuế. Chưa kể, quý IV thường là mùa thấp điểm nhất trong hoạt động kinh doanh của Công ty, do vậy, khả năng hoàn thành kế hoạch của PVS vẫn là dấu hỏi lớn.
Việc giá dầu hồi phục chậm khiến ngành dịch vụ kỹ thuật dầu khí dự báo còn nhiều khó khăn trong năm 2017. Với mảng xây lắp cơ khí, đóng góp hơn 50% vào doanh thu và lợi nhuận, PVS đã đẩy mạnh thi công các dự án trên bờ, liên kết thầu với nhà thầu nước ngoài để giải quyết những hạn chế về năng lực thi công, tuy nhiên, biên lợi nhuận của các dự án trên bờ thấp hơn rất nhiều so với công trình trên biển.
Với mảng dịch vụ cung ứng tàu chứa và xử lý dầu thô FSO/FPSO, PVS phải chấp nhận đàm phán lại giá với mức phí thấp hơn và gia hạn thanh toán cho các khách hàng gặp khó khăn. Mảng khảo sát địa chấn ROV và tàu dịch vụ chuyên dụng OSV cũng khó kỳ vọng thoát khỏi mức lợi nhuận âm do nhu cầu khảo sát giảm mạnh, Công ty phải áp dụng các biện pháp cắt giảm chi phí, sử dụng kỹ sư người Việt, thay vì người nước ngoài. Đối với lĩnh vực cảng, các cảng dịch vụ dầu khí đang bị ảnh hưởng nặng do đơn giá giảm, nhiều nhà thầu không còn thuê dịch vụ cầu cảng khi các dự án khoan, thăm dò dầu khí tạm dừng.
Công ty cổ phần Chứng khoán Rồng Việt (VDSC) nhận định, PVS có hoạt động kinh doanh cốt lõi gắn với dự án (cơ khí, xây lắp, bọc ống). Với triển vọng tiêu cực từ thị trường dầu thô, khả năng trì hoãn các dự án ngoài biển khiến cho triển vọng doanh nghiệp bị đánh giá tiêu cực.
Nguồn tin: tinnhanhchungkhoang