Mặc dù Thủ tướng Chính phủ yêu cầu các cây xăng phải xuất hóa đơn điện tử từng lần bán và kết nối dữ liệu với cơ quan thuế ngay trong tháng 12/2023, tuy nhiên, thời điểm hiện tại, vẫn còn số lượng lớn doanh nghiệp chưa thực hiện quy định này do nhiều khó khăn, vướng mắc.
Doanh nghiệp kêu khó, khách hàng thờ ơ
Theo Luật Quản lý thuế, từ tháng 7/2022, các cửa hàng bán lẻ xăng dầu phải xuất hóa đơn điện tử (HĐĐT) cho khách hàng sau từng lần bán. Liên quan đến việc xuất HĐĐT trong từng lần bán xăng dầu, thời gian qua, Thủ tướng Phạm Minh Chính đã liên tiếp có Công điện yêu cầu các Bộ, ngành, địa phương theo dõi, đôn đốc việc triển khai.
Gần nhất, Thủ tướng yêu cầu các cây xăng phải xuất HĐĐT từng lần bán và kết nối dữ liệu với cơ quan thuế ngay trong tháng 12/2023. Tuy nhiên, thực tế vẫn còn số lượng lớn các cửa hàng xăng dầu chưa thực hiện phát hành HĐĐT theo từng lần bán.
Nhiều người dân vẫn thờ ơ với việc lấy hóa đơn khi mua xăng dầu.
Cụ thể, ngày 24/12, theo thống kê của Cục Thuế tỉnh Bắc Ninh, toàn tỉnh hiện có 128 cửa hàng bán lẻ xăng dầu với 546 cột bơm, nhưng đến nay chỉ có 24 cửa hàng với 101 cột bơm đã thực hiện phát hành HĐĐT từng lần bán hàng.
Tương tự, tại tỉnh Bắc Giang, Cục thuế tỉnh này cũng cho biết, tính đến ngày 12/12, toàn tỉnh có tổng số 279 cửa hàng bán lẻ xăng dầu với 968 cột bơm, nhưng mới chỉ có khoảng 10% tổng số cột bơm trên toàn tỉnh thực hiện xuất HĐĐT khi bán lẻ xăng dầu.
Tại Hà Nội, thống kê sơ bộ đến thời điểm ngày 30/11, toàn thành phố có hơn 240 doanh nghiệp kinh doanh bán lẻ xăng dầu, với hơn 450 cửa hàng và gần 2.000 cột bơm, trong đó, hiện mới có gần 150 cửa hàng áp dụng được thực hiện phát hành HĐĐT theo từng lần bán hàng.
Bên cạnh nhiều cửa hàng kinh doanh xăng dầu không chấp hàng quy định, điều đáng nói là đa số khách hàng đều thờ ơ với việc lấy hóa đơn khi mua xăng dầu. Nhiều người lo ngại rằng, nếu bắt buộc phải lấy hóa đơn cho mỗi lần đổ xăng thì sẽ tốn thời gian chờ đợi cây xăng xuất hóa đơn, chờ đợi lấy hóa đơn, còn có thể gây ra tình trạng ách tắc tại cây xăng.
Khi được hỏi về nhu cầu xuất hóa đơn trong từng lần mua xăng, anh Nguyễn Việt Dũng (người dân phường Dương Nội, quận Hà Đông) cho biết: “qua thông tin trên báo, đài, tôi được biết quy định xuất HĐĐT trong mỗi lần bán lẻ xăng dầu là bắt buộc, nhưng thực tế mỗi lần mua xăng đều rất đông, vội vàng nên tôi chưa chưa quen. Tuy nhiên, tôi thấy quy định này rất đúng đắn và cần tuyên truyền mạnh hơn nữa để người dân hiểu và chấp hành”.
Qua ghi nhận, vướng mắc chính khiến số lượng lớn cửa hàng kinh doanh xăng dầu chưa thực hiện quy định là do lo ngại tốn kém chi phí đầu tư cho hệ thống xuất HĐĐT mỗi trụ bơm, chi phí xuất hoá đơn mỗi lần người dân mua hàng.
“Chi phí bỏ ra để đầu tư việc xuất HĐĐT rất cao, trong khi doanh nghiệp bán lẻ xăng dầu đang đối mặt với nhiều khó khăn, mức chiết khấu cho mỗi lít xăng quá thấp, nhiều thời điểm lãi chỉ 100 - 200 đồng/lít, thậm chí là 0 đồng. Do đó, nếu bắt buộc áp HĐĐT đối với tất cả khách mua hàng thì doanh nghiệp nhỏ lẻ lỗ nặng, buộc phải đóng cửa” - Giám đốc Công ty TNHH MTV Xăng dầu Chiến Thắng Nguyễn Thị Sinh bày tỏ.
Đẩy mạnh tuyên truyền
Để thực hiện tốt việc xuất HĐĐT xăng dầu cho từng lần bán hàng theo quy định, cơ quan thuế đã có những văn bản thông báo, vận động đến từng đơn vị kinh doanh xăng dầu trên các địa bàn, địa phương nghiêm túc thực hiện.
Về băn khoăn việc xuất hóa đơn sau mỗi lần bán có thể gây ách tắc tại các cây xăng, Bộ Tài chính cho rằng, việc lập HĐĐT là theo phần mềm, được thực hiện tự động, số lượng HĐĐT đã xuất sẽ được lưu trữ đầy đủ bằng hình thức điện tử (không phải in ra) tại các cửa hàng xăng dầu và bảo đảm có thể tra cứu khi cơ quan có thẩm quyền yêu cầu. Do đó, việc xuất HĐĐT theo từng lần bán hàng không làm mất thời gian của người mua không có nhu cầu lấy hóa đơn nhưng vẫn bảo đảm doanh nghiệp tuân thủ đúng quy định và HĐĐT được lưu trữ, tra cứu khi cơ quan có thẩm quyền yêu cầu.
PGS.TS Đinh Trọng Thịnh (giảng viên cao cấp Học viện Tài chính) cho rằng, giải pháp quan trọng nhất hiện nay đó là cần đẩy mạnh tuyên truyền, thay đổi thói quen lấy hóa đơn bán lẻ của người dân khi mua hàng. Theo đó, cần tiếp tục đẩy mạnh tuyên truyền đến các cửa hàng, doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu thực hiện quy định về phát hành HĐĐT theo từng lần bán hàng. Đồng thời, phối hợp và quyết liệt triển khai lập HĐĐT theo từng lần bán hàng tại các cây xăng và kết nối dữ liệu với cơ quan thuế theo quy định. Tuyên truyền, tổ chức đến người dân, doanh nghiệp để hiểu rõ về lợi ích và trách nhiệm, hiệu quả của việc sử dụng HĐĐT.
" Lợi ích của việc xuất HĐĐT trong từng lần bán hàng giúp các đơn vị kiểm soát, kiểm tra dữ liệu được một cách minh bạch, ngay tức thì. Đối với khách hàng, khách hàng sẽ kiểm soát được hàng mà mình đã mua - Phó Giám đốc Công ty xăng dầu Hà Sơn Bình Lê Quang Huy cho hay."
Để tiết kiệm chi phí và thuận lợi cho doanh nghiệp, Giám đốc Công ty TNHH Hải Âu Phát Nguyễn Xuân Thắng đề xuất giải pháp, khách hàng sau khi mua hàng sẽ được cấp 1 mã bơm (mã mua hàng) là dãy số hoặc mã barcode (mã vạch). Các thông số này được kết nối chuyển đến cơ sở dữ liệu của Tổng Cục thuế. Mã bơm mày chỉ có giá trị đến 24 giờ cùng ngày khởi tạo. Khách hàng sẽ đến thiết bị trang bị tại cửa hàng xăng dầu để quét mã bơm, nhập mã số thuế và khởi tạo HĐĐT. Hoặc khách hàng có thể sử dụng ứng dụng hoặc website để tự thực hiện việc yêu cầu xuất HĐĐT có thời gian rỗi trong ngày. Riêng các mã bơm không cung cấp thông tin khách hàng sẽ tự động được lưu trữ và kết xuất vào 1 hóa đơn bán lẻ cuối ngày. Để thực hiện mô hình này, cần tiêu chuẩn dữ liệu và phần mềm xuất HĐĐT liên thông từ cơ quan thuế.
Chia sẻ kinh nghiệm thực tế khi triển khai, Phó Giám đốc Công ty xăng dầu Hà Sơn Bình Lê Quang Huy cho rằng, rất cần thiết xây dựng một kế hoạch triển khai thực hiện bài bản ngay từ giai đoạn đầu, từ công tác chuẩn bị hạ tầng, đào tạo và tuyên truyền, đặc biệt là tuyên truyền nội bộ, tuyên truyền tới khách hàng. Đồng thời doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu cần tăng cường công tác kiểm tra, kiểm sát để có những hướng dẫn đội ngũ nhân viên và khách hàng thực hiện đúng ngay từ những giai đoạn đầu.
Nguồn tin: Kinh tế & Đô thị