Về mặt lý thuyết, ý tưởng giới hạn giá dầu của Nga do G7 dẫn đầu có thể trông rất tuyệt vời, nhưng nó có thể rất lộn xộn trên thực tế, có khả năng khiến giá dầu tăng vọt. Giá dầu tăng cao chính xác là điều mà việc áp giá trần cần phải tránh, vì nó nhằm mục đích giữ cho dầu của Nga vẫn chảy vào thị trường nhưng ở mức giá thấp hơn.
Trong nhiều tuần nay, G7 đã và đang thảo luận về việc miễn trừ dầu của Nga khỏi lệnh cấm bảo hiểm hàng hải và tài chính nếu dầu đó được bán bằng hoặc thấp hơn một mức giá nhất định mà nhóm vẫn chưa đồng ý.
Điều này sẽ đòi hỏi nhiều sự phối hợp với các nhà cung cấp bảo hiểm và tài chính hàng hải có trụ sở tại EU, Vương quốc Anh và Hoa Kỳ. Nhưng đây sẽ là phần dễ nhất của việc thực hiện giới hạn giá. Nga có thể tăng cường các nỗ lực đang thực hiện để có được các tàu chở dầu và công ty bảo hiểm không thuộc phương Tây đồng ý vận chuyển dầu thô và các sản phẩm dầu cho họ. Hoặc Putin có thể đơn giản là thực hiện lời đe dọa ngừng cung cấp năng lượng - bao gồm dầu thô, nhiên liệu, khí đốt tự nhiên và than đá - cho các quốc gia tham gia giới hạn giá dầu của Nga.
Trong mọi trường hợp, giá dầu có thể sẽ tăng cao hơn nhiều khi lệnh cấm vận của EU đối với dầu của Nga - không bao gồm dầu bán ở mức bằng hoặc thấp hơn giá trần - có hiệu lực vào cuối năm nay.
Nga sẽ tiếp tục bán dầu của mình cho các khách hàng châu Á như Ấn Độ và Trung Quốc bằng cách sử dụng các đội tàu chở dầu và dịch vụ hàng hải không thuộc phương Tây trong khi nguồn cung cho phương Tây bị siết chặt. Các nhà phân tích cho biết, Nga cũng dự kiến sẽ tăng cường việc che giấu xuất khẩu dầu của mình, làm theo Iran bằng cách tắt hệ thống tiếp sóng và/hoặc che giấu nguồn gốc của dầu.
Tuy nhiên, hạm đội tàu chở dầu không thuộc phương Tây mà Nga có thể dựa vào là không đủ, John van Schaik và Emily Meredith của Energy Intelligence viết.
Nếu Nga từ chối sử dụng bất kỳ dịch vụ hàng hải nào liên quan đến các nước G7, "dầu của Nga sẽ phải đi trên các tàu chở dầu không phải của phương Tây - và không có đủ tàu để xử lý hàng triệu thùng của Nga", hai chuyên gia lập luận.
"Kết quả là: ít dầu hơn, giá cao hơn và bớt tổn thất hơn cho Nga."
Theo Energy Intelligence, dầu của Nga đến châu Á từ vùng Viễn Đông của Nga đã được vận chuyển tới đó trên các tàu chở dầu của Nga hoặc châu Á. Nhưng theo ước tính, Nga sẽ xuất khẩu 4,45 triệu thùng mỗi ngày từ các cảng của mình ở Bắc Cực, Biển Baltic và Biển Đen - và điều này chủ yếu được thực hiện trên các tàu liên kết với EU. Việc tìm kiếm các tàu chở dầu và phạm vi bảo hiểm không liên quan đến EU, G7 hoặc các quốc gia khác có thể tham gia cơ chế giới hạn giá đối với lượng dầu đó có thể là điều bất khả thi.
G7 nhắc lại vào đầu tháng 9 rằng nhóm sẽ hoàn thiện và thực hiện "một lệnh cấm toàn diện đối với các dịch vụ cho phép vận chuyển hàng hải dầu thô và các sản phẩm dầu có xuất xứ từ Nga trên toàn cầu - việc cung cấp các dịch vụ như vậy sẽ chỉ được phép nếu dầu và các sản phẩm dầu được mua bằng hoặc thấp hơn một mức giá ('giới hạn giá') được xác định bởi liên minh rộng rãi gồm các quốc gia tuân thủ và thực hiện giới hạn giá".
Trong hướng dẫn về giới hạn giá sắp tới, Bộ Tài chính Hoa Kỳ cho biết vào tuần trước rằng chính sách giới hạn giá có ba mục tiêu: "duy trì nguồn cung dầu của Nga qua đường biển đáng tin cậy cho thị trường toàn cầu; giảm áp lực tăng giá năng lượng; và giảm doanh thu mà Liên bang Nga kiếm được từ dầu mỏ sau khi cuộc chiến do chính họ lựa chọn ở Ukraine đã làm tăng giá năng lượng toàn cầu".
Các nhà phân tích nhận định, mặc dù thông minh về mặt lý thuyết, nhưng kế hoạch giới hạn giá có thể thực sự dẫn đến giá dầu cao hơn nhiều vì dòng chảy thương mại sẽ bị đảo lộn một lần nữa, tình trạng thiếu các tàu chở dầu và xuất khẩu dầu của Nga – dù vẫn ổn định- sẽ sụt giảm.
Cơ quan Năng lượng Quốc tế (IEA) cho biết trong Báo cáo Thị trường Dầu tuần này, thị trường dầu toàn cầu sẽ phải chuẩn bị cho việc mất nguồn cung 2,4 triệu thùng/ngày khi lệnh cấm vận của EU có hiệu lực. Cụ thể, mỗi ngày có 1 triệu thùng sản phẩm dầu ngày và 1,4 triệu thùng dầu thô sẽ phải tìm điểm đến mới, điều này có thể khiến xuất khẩu và sản xuất dầu của Nga giảm sâu hơn. IEA dự kiến sản lượng dầu ở Nga sẽ giảm xuống còn 9,5 triệu thùng/ngày vào tháng 2 năm 2023, giảm 1,9 triệu thùng/ngày so với tháng 2 năm 2022.
Tiếp đến là mối đe dọa thực sự từ Putin từ việc chỉ cần ngừng bán dầu - và tất cả các sản phẩm năng lượng khác - cho các quốc gia tham gia giới hạn giá dầu của Nga.
"Chúng tôi hoàn toàn tin tưởng rằng Putin/Nga sẽ làm theo lời đe dọa này và hạn chế xuất khẩu thay vì chấp nhận bất kỳ chế độ giới hạn giá nào. Điều này sẽ khiến Nga bị giảm sút nghiêm trọng về số lượng khách hàng mua dầu và gặp vấn đề lớn trong việc vận chuyển dầu ra ngoài", Bjarne Schieldrop, trưởng bộ phận phân tích hàng hóa tại ngân hàng SEB, cho biết vào đầu tuần này.
Schieldrop nhận định: “Chế độ giới hạn giá hiện có vẻ gần như chắc chắn sẽ tác động làm giá dầu tăng rất cao”.
Nhà phân tích lưu ý, bất chấp những lo ngại về phía nhu cầu, do việc đóng cửa nhằm hạn chế Covid của Trung Quốc và suy thoái kinh tế toàn cầu, cơ chế giới hạn giá "có thể trở thành thảm họa đối với nguồn cung và làm lu mờ hoàn toàn bất kỳ sự suy yếu nào của nhu cầu dầu".
Nguồn tin: xangdau.net