Các nhà sản xuất dầu mỏ đang đối mặt với khủng hoảng tồi tệ do dịch viêm đường hô hấp cấp COVID-19, nhiều chuyên gia đánh giá tháng 4 mới là thời điểm tồi tệ nhất của “vàng đen”.
COVID-19 đã ảnh hưởng tới cả giá dầu trên thế giới. Ảnh: Reuters
Saudi Arabia cam kết sẽ bơm thêm hàng triệu thùng dầu vào thị trường. Trong khi đó, nhiều nền kinh tế lớn đang có dấu hiệu ít tiến triển vì ảnh hưởng của dịch viêm đường hô hấp cấp (COVID-19) do virus Corona chủng mới (SARS-CoV-2) gây ra.
Kênh RT (Nga) cho biết nhiều nhà phân tích đánh giá rằng kinh tế toàn cầu đang rơi vào suy thoái.
Standard Chartered đánh giá: “Trong tuần qua, nhiều quốc gia châu Âu và Bắc Mỹ ra quy định hạn chế rời khỏi nhà để chống COVID-19, điều này gây ảnh hưởng tiêu cực đối với nhu cầu về tiêu thụ nhiên liệu, đặc biệt là dầu mỏ”.
Nhiều nhà phân tích cho rằng tháng 4 là thời điểm nguồn cung dầu chịu ảnh hưởng tiêu cực nhất. Standard Chartered dự đoán nhu cầu về dầu sẽ giảm đỉnh điểm 10,4 triệu thùng/ngày vào tháng 4 và nhu cầu trung bình năm sẽ giảm 3,39 triệu thùng/ngày trong năm 2020.
Trong khi đó, công ty tư vấn Mỹ Eurasia Group lại nhận định trong vài tuần và vài tháng tới, nhu cầu về dầu có thể giảm 25 triệu thùng/ngày.
Nhà phân tích Giovanni Serio tại công ty Thụy Sĩ Vitol nhận định: “Nhu cầu giảm và nguồn cung dồi dào có thể dẫn tới tình trạng thiếu hụt nơi tích trữ dầu”.
Theo công ty Rystad Energy (Na Uy), tình trạng ảm đạm hiện nay có thể khiến 200 doanh nghiệp trong lĩnh vực dầu mỏ ở châu Âu phá sản.
Cũng có lo ngại rằng ngay cả khi COVID-19 đã qua đi, vẫn có nhân tố gây giảm cầu dầu mỏ về dài hạn bởi thay đổi trong thói quen di chuyển và các ngành kinh doanh phải dần hồi phục từ biến động đã trải qua.
Đường phố không một bóng xe cộ tại Italy vì dịch COVID-19. Ảnh: AFP
Những diễn biến trên có thể sẽ đẩy ngành công nghiệp dầu mỏ vốn đang gặp nhiều khó khăn sẽ lún sâu vào khủng hoảng, buộc phải ngừng sản xuất. Các cơ sở trữ dầu cả trên bộ và trên biển đang được bơm đầy dầu, ở thời điểm Saudi Arabia thực tế vẫn chưa tăng nguồn cung.
Nếu kịch bản này tiếp diễn, nhiều chuyên gia cho rằng giá dầu có thể rớt xuống ngưỡng 10 USD/thùng. Bjonar Tonhaugen, Giám đốc công ty nghiên cứu thị trường dầu mỏ Rystad Energy cho biết, chu trình giá dầu vẫn chưa đến thời điểm tồi tệ nhất. Thị trường sớm nhận ra rằng sẽ phải đối diện với dư thừa nguồn cung lớn chưa từng thấy trong lịch sử ngành dầu mỏ vào tháng Tư.
Giá dầu tại thị trường châu Á đã giảm vào đầu ngày giao dịch 23/3 sau khi Thượng viện Mỹ không thông qua gói cứu trợ nghìn tỷ USD nhằm hỗ trợ nền kinh tế Mỹ trước các tác động tiêu cực của dịch viêm đường hô hấp cấp COVID-19.
Cụ thể, giá dầu ngọt nhẹ Mỹ (WTI) giảm 1,5% xuống 22 USD/thùng trong khi giá dầu Brent giảm 4,9% xuống còn 25 USD/thùng.
Trong những tuần gần đây, giá dầu đã giảm xuống mức thấp nhất trong nhiều năm khi lệnh phong tỏa và hạn chế đi lại được áp dụng ở nhiều nước và vùng lãnh thổ trên thế giới nhằm ngăn chặn sự lây lan của dịch COVID-19 tác động tiêu cực tới giá dầu. Trong khi đó, hai nước sản xuất hàng đầu thế giới là Saudi Arabia và Nga rơi vào một cuộc chiến về giá.
Nguồn tin: baotintuc.vn