Bão số 2 với sức gió bình thường nhưng đã làm toàn bộ hệ thống cầu cảng dự án Tổng kho xăng dầu DKC chìm trong biển nước.
Thiên tai hay chất lượng kém?
Nhận định về nguyên nhân xảy ra sự cố sập chìm hệ thống cầu cảng dài 1,5km thuộc dự án Tổng kho xăng dầu DKC xây dựng tại xã ven biển Nghi Thiết, huyện Nghi Lộc, Nghệ An do Công ty CP Thiên Minh Đức làm chủ đầu tư sập chìm sau cơn bão số 2 diễn ra vào nửa cuối tháng 7/2017, ông Bùi Văn Thành - Chủ tịch UBND xã Nghi Thiết nói: “Khách quan do bão, chủ quan có thể do thiết kế hoặc có thể do công trình chưa hoàn thiện…”.
Trước khi dự án xây dựng, người dân xã Nghi Thiết đã lo lắng công trình ảnh hưởng tới môi trường, đời sống người dân. Sau khi sự cố sập chìm xảy ra, cuộc sống của người dân càng trở lên bất an hơn trước.
Sáng ngày 10/8/2017, kỹ sư Nguyễn Văn Linh - hiện đang công tác tại một công ty chuyên xây dựng cầu cảng cho biết, với những dự án ven biển sẽ được tính toán rất kỹ mức độ chống chịu khi có thiên tai xảy ra.
Mô hình quy hoạch tổng thể dự án Tổng kho xăng dầu DKC
"Việt Nam mỗi năm hứng chịu từ 7 - 10 cơn bão, trong đó có cả những trận siêu bão, phần cốt nền cũng không được vững chắc nên các công trình ven biển thường phải được xây dựng kiên cố, chống sói mòn (đặc biệt phần móng) hơn so với những công trình thuộc đất liền" - ông Linh cho biết.
Theo ông Linh, cơn bão số 2 đổ bộ vào tỉnh Nghệ An vào nửa cuối tháng 7/2017 có thời điểm sức gió mạnh nhất chỉ cấp 9 - 10 (tương đương khoảng 80 - 90km/h) được coi là cơn bão có độ mạnh thuộc tầm trung ở Việt Nam.
"Thường công trình ven biển trước khi xây dựng phải được tính toán chịu được bão cấp mạnh nhất, đề phòng rủi ro thiên tai.
Đặc biệt với những dự án nhạy cảm như chứa xăng dầu thì mức độ chống chịu thiên tai càng phải được chú trọng bởi nếu để xảy ra sự cố thì hậu quả rất lớn" - ông Linh cho biết.
Ông Linh nhận định, sự cố sập chịu hệ thống cầu cảng thuộc dự án Tổng kho xăng dầu DKC không loại trừ do chất lượng công trình kém. Tuy nhiên, ông Linh cũng nói rằng đề xác định chính xác nguyên nhân thì cần phải xuống thực địa kiểm tra cốt nền, thời gian xây dựng....
Hệ thống cầu cảng thuộc dự án Tổng kho xăng dầu DKC sập chìm sau bão (Ảnh VOV).
Nhiều chuyên gia môi trường cũng bày tỏ quan ngại vấn đề tác động môi trường của dự án Tổng kho xăng dầu DKC tới người dân xã Nghi Thiết và vùng biển miền Trung.
"Dự án chứa xăng dầu là công trình nhạy cảm, nếu thành công sẽ đóng góp rất lớn cho sự phát triển kinh tế khu vực. Nhưng nếu chất lượng công trình không đảm bảo, bể chứa rò rỉ, xăng dầu ngấm vào đất thì hậu quả khó tính đếm.
Sau sự cố này, cơ quan chức năng cần vào cuộc xác định rõ nguyên nhân để tránh điều đáng tiếc xảy ra" - một chuyên gia nêu quan điểm.
Sự cố xảy ra, ai chịu trách nhiệm?
Nhắc tới yếu tố tác động môi trường tại dự án Tổng kho xăng dầu DKC mà người dân đang lo lắng, ông Đặng Văn Hà - Chánh Văn phòng Sở Tài nguyên & Môi trường Nghệ An cho biết, vấn đề thuộc Chi cục Bảo vệ Môi trường Nghệ An.
Trao đổi với Đất Việt, ông Hồ Sỹ Dũng - Chi cục trưởng Chi cục Môi trường, Sở Tài nguyên & Môi trường Nghệ An cho hay, đơn vị không tham gia trong quá trình kiểm tra yếu tố tác động tới môi trường của dự án Tổng kho xăng dầu ĐKC.
"Dự án này do Ban quản lý Khu kinh tế Đông Nam quản lý nên mọi vấn đề này phía bên đó nắm giữ" - ông Dũng nói.
Còn ông Phan Xuân Hóa - Phó Ban Quản lý Khu kinh tế Đông Nam Nghệ An mặc dù thừa nhận dự án Tổng kho xăng dầu DKC thuộc đơn vị mình quản lý nhưng "sự cố cầu cảng bị ngập sau bão thì phải hỏi chủ đầu tư chứ tôi làm sao biết được".
Trong khi đó, ông Nguyễn Văn Du, ngụ xóm Bắc Thịnh, xã Nghi Thiết cho biết, cuộc sống các hộ dân đang trở lên khó khăn, bế tắc.
"Ngư dân chỉ có máy công suất nhỏ trong khi các dự án kho xăng đang chiếm dần lấy vùng đất ven biển, muốn đánh bắt được buộc phải ra ngoài khơi xa mà công suất tàu lại không đủ" - ông Du nói.
Ông Du kể thêm: “Trước người dân nếu chịu khó bám biển cũng kiếm được con cá, con tôm, con mực. Nói chung là đủ sống. Từ khi hai công ty về đây... việc đánh bắt hải sản gặp khó khăn hơn”.
Công ty cổ phần Thiên Minh Đức là thành viên của Tập đoàn Thiên Phú, được thành lập 4/9/2001, đại diện pháp luật là bà Chu Thị Thành. Giám đốc là ông Chu Đăng Khoa.
Ngoài xăng dầu, Công ty cổ phần Thiên Minh Đức lấn sân sang cả nhà hàng, khách sạn, trồng rừng và dịch vụ xuất nhập khẩu...
Theo số liệu của Bảo hiểm xã hội Nghệ An, tính đến hết tháng 3/2017, Công ty cổ phần Thiên Minh Đức có số nợ bảo hiểm khoảng hơn 306,8 triệu.
Nguồn tin: Baodatviet.vn