Vị thế Việt Nam đã thay đổi kể từ khi bắt tay vào xây dựng ngành công nghiệp lọc hoá dầu. Từ một nước chỉ biết xuất khẩu dầu thô với giá trị thấp, đến nay, nguồn cung xăng dầu nội địa đã đáp ứng được gần một nửa nhu cầu trong nước.
Theo dự báo của Viện Dầu khí Việt Nam (VPI), từ năm 2018 - 2022, nhu cầu tiêu dùng xăng dầu trong nước sẽ đạt khoảng 15 triệu tấn/năm.
Khởi đầu gian truân
Công nghiệp lọc dầu Việt Nam được xây dựng dựa trên tên tuổi của hai dự án “tỷ đô” là nhà máy lọc dầu Dung Quất và tổ hợp lọc hoá dầu Nghi Sơn.
Sau gần một thập kỷ thai nghén, năm 2005, nhà máy lọc dầu Dung Quất được khởi công xây dựng. Dù gặp nhiều ý kiến trái chiều song mục tiêu của dự án lúc đó là làm thay đổi vị thế của Việt Nam, một nước chuyên xuất khẩu dầu thô.
Năm 2009, nhà máy lọc dầu Dung Quất được vận hành với nguồn dầu thô chế biến từ mỏ Bạch Hổ. Tổng vốn đầu tư của dự án lên tới 3 tỷ USD, Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (Petro Vietnam) đầu tư 100%. Bắt đầu từ 30/5/2010, Dung Quất chính thức chuyển sang giai đoạn vận hành thương mại.
Đầu tư lớn, đồng thời nhận được hàng loạt ưu đãi của Nhà nước, song nhà máy lọc dầu Dung Quất vẫn lỗ lớn trong giai đoạn mới đưa vào vận hành thương mại. Trong một báo cáo gửi Chính phủ, Petro Vietnam cho biết, năm 2010, Công ty TNHH Một thành viên Lọc hóa dầu Bình Sơn (BSR) - thành viên của Petro Vietnam, đơn vị quản lý nhà máy lọc dầu Dung Quất - lỗ gần 3.200 tỷ đồng, năm 2011 lỗ gần 4.800 tỷ, năm 2012 lỗ trên 6.400 tỷ, năm 2013 lỗ 6.000 tỷ, năm 2014 lỗ 7.100 tỷ đồng.
Như vậy sau 4 năm kể từ khi đi vào vận hành thương mại, BSR lỗ khoảng 27.600 tỷ đồng, tương đương khoảng 1,2 tỷ USD.
Tuy nhiên, nhờ ưu đãi được giữ phần tiền tương ứng 3-7% thuế nhập khẩu xăng dầu đã giúp gánh bớt lỗ cho Dung Quất, khi BSR chỉ còn lỗ 1.300-3.000 tỷ đồng vào năm 2011 và 2012. Bắt đầu từ năm 2013 trở đi, nhà máy lọc dầu Dung Quất đã có lãi với 2.932 tỷ đồng, 2014 giảm xuống 149 tỷ đồng. Giai đoạn 2015 - 2016 là bứt phá nhất trong lịch sử hoạt động của nhà máy lọc dầu này, với lợi nhuận lần lượt đạt 6.169 tỷ đồng và 4.492 tỷ.
Nhà máy lọc dầu Dung Quất vận hành thương mại vào đúng thời kỳ mà Việt Nam đã và đang gia nhập nhiều hiệp định thương mại tự do với việc cắt giảm sâu các loại thuế, trong đó có mặt hàng xăng dầu. Áp lực giảm thuế quá nhanh cho xăng dầu từ ASEAN và Hàn Quốc đã nhiều lần đẩy nhà máy vào khó khăn. Không ít lần, người đứng đầu nhà máy đề xuất cần có cơ chế thuế phí hợp lý để sản phẩm của Dung Quất có thể cạnh tranh với xăng dầu nhập ngoại.
Cuối cùng thì “vòng kim cô” đối với Dung Quất đã chính thức được tháo bỏ, khi từ năm 2017, Chính phủ đã xoá bỏ mọi khoản thu điều tiết với xăng từ Dung Quất. Điều này đã tạo ra lợi thế đặc biệt cho mặt hàng xăng của Dung Quất, khi xăng nhập từ ASEAN và Hàn Quốc vẫn phải chịu mức thuế nhập khẩu 10%.
Năm 2013, Petro Vietnam tiếp tục góp vốn 25,1% vào tổ hợp lọc hóa dầu Nghi Sơn (Thanh Hóa). Dự án có tổng vốn đầu tư 9 tỷ USD và có quy mô sản lượng lớn bậc nhất khu vực Đông Nam Á. Hai cổ đông góp vốn lớn vào dự án là Idemitsu Kosan (Nhật) và KPI (Kuwait), góp vốn mỗi bên 35,1%, một đối tác Nhật khác góp 4,7%.
Sản phẩm chủ yếu của Nghi Sơn là xăng RON 92, RON 95, dầu diesel, dầu hỏa, khí hóa lỏng, nhựa, benzen, lưu huỳnh… Tuy nhiên, dự án này cũng gặp nhiều trắc trở khi sản phẩm xăng dầu chưa đạt chuẩn Euro 4, đồng thời, dự kiến đi vào hoạt động thương mại năm 2017 song mới đây đã thông báo lùi sang 2018.
Giằng co khốc liệt
Theo dự báo của Viện Dầu khí Việt Nam (VPI), từ năm 2018 - 2022, nhu cầu tiêu dùng xăng dầu trong nước sẽ đạt khoảng 15 triệu tấn/năm.
Từ chỗ Việt Nam phải xuất dầu thô, nhập xăng dầu thành phẩm về tiêu dùng, sau khi nhà máy lọc dầu Dung Quất đi vào hoạt động, nguồn xăng dầu nội địa đã đáp ứng được 40%, và dự kiến vượt 80% trong những năm tới.
Tuy nhiên, theo một chuyên gia ngành dầu khí, sau năm 2024, thuế nhập khẩu xăng từ ASEAN về 0%, lúc này mọi lợi thế của xăng dầu nội địa đều bị san phẳng. Cuộc chiến nguồn cung xăng dầu sẽ diễn ra khốc liệt ở cả Nghi Sơn và Dung Quất với nhau và với xăng dầu nhập ngoại, đặc biệt khi có liên doanh nước ngoài còn có kế hoạch xâm nhập thị trường bán lẻ xăng dầu tại Việt Nam.
Trong một báo cáo của Petro Vietnam gửi Chính phủ, tập đoàn này bày tỏ lo ngại việc dư thừa nguồn cung xăng dầu trong tương lai dẫn đến việc khó khăn trong bao tiêu sản phẩm của Nghi Sơn, đồng thời cảnh báo sẽ gặp rủi ro lớn nếu Chính phủ không kiểm soát nguồn xăng dầu nhập khẩu, trong bối cảnh nhà máy lọc Dung Quất cũng đã lên kế hoạch nâng cấp, mở rộng nâng công suất lên 8,5 triệu tấn/năm vào năm 2022.
Trong khi đó, lãnh đạo của BSR cũng cho biết sẽ chủ động mở rộng thị trường tiêu thụ, xây dựng phương án xuất khẩu sản phẩm xăng dầu sang nhiều nước lân cận trong khu vực như Lào, Campuchia, Indonesia…
Nguồn tin: Vietnambiz.vn