Đầu tư cửa hàng kinh doanh xăng dầu (KDXD) ở vùng cao, vùng sâu cầm chắc là lợi nhuận thấp, thậm chí thua lỗ vì hao hụt lớn, chi phí vận chuyển cao, trong khi đó, sản lượng bán chậm.
Thế nhưng bằng trách nhiệm của doanh nghiệp nhà nước, hiện nay mạng lưới cửa hàng xăng dầu của Tập đoàn Xăng dầu Việt Nam (Petrolimex) đã phủ khắp các huyện miền núi, vùng sâu, vùng xa và những vùng khó khăn.
Chặng đường từ xã Tân Quang, huyện Bắc Quang lên thị trấn Vinh Quang, huyện Hoàng Su Phì (Hà Giang) dài 60km nhưng xe bồn chở xăng dầu của Petrolimex phải di chuyển mất gần 5 giờ đồng hồ, nếu trời tạnh ráo. Đường đèo chênh vênh, một bên là núi cao, dưới là vực sâu thăm thẳm. Không chỉ có riêng đường lên Hoàng Su Phì, đường lên những huyện của Điện Biên, Cao Bằng, Lào Cai... cũng đầy trắc trở vì liên tục là những khúc cua, toàn dốc cao và hẹp. Song, những khó khăn, nguy hiểm này vẫn không ngăn được cán bộ, nhân viên Petrolimex đưa xăng dầu lên miền biên viễn. Hiện nay, mạng lưới cửa hàng xăng dầu của Petrolimex đã phủ kín khắp các huyện miền núi, vùng sâu, vùng xa và những vùng khó khăn. Cũng nhờ vậy, bà con nơi đây đều dễ dàng mua xăng dầu phục vụ sinh hoạt và sản xuất. Anh Ly Seo Sướng, ở xã Sán Xả Hồ (Hoàng Su Phì, Hà Giang) cho biết, từ khi có cửa hàng xăng dầu của Petrolimex tại trung tâm huyện, bà con được mua xăng chất lượng tốt, bán đúng giá và đong đếm chính xác. Chính vì thế, anh không còn phải mua xăng tích trữ.
Cửa hàng xăng dầu tại huyện Hoàng Su Phì của Công ty Xăng dầu Hà Giang.
Dễ có thể nhận thấy, với gần 40 thương nhân nhập khẩu và bán lẻ xăng dầu hiện nay, tại các tỉnh, thành phố lớn, các khu công nghiệp hay các trung tâm thuận lợi giao thông các cửa hàng xăng dầu của nhiều thương hiệu chen nhau mọc lên. Tuy nhiên, vì lợi nhuận đầu tư không hiệu quả, tại vùng núi cao, vùng sâu, vùng xa có khi cả huyện cũng chỉ lác đác một vài cửa hàng KDXD, trong đó chủ yếu của Petrolimex. Chia sẻ về những khó khăn khi KDXD tại các huyện vùng núi, Phó giám đốc Công ty xăng dầu Hà Giang Lại Văn Dương cho biết: "Đặc thù của tỉnh miền núi là địa bàn rộng, giao thông đi lại khó khăn, vì vậy phát sinh nhiều chi phí, nhất là chi phí vận tải. Công ty có 27 cửa hàng xăng dầu rải đều khắp các huyện của Hà Giang. Hiện chi phí vận chuyển trung bình từ đầu nguồn (tổng kho xăng dầu B12-Quảng Ninh) lên đến các cửa hàng xa nhất, như tại Yên Minh, Quản Bạ, Hoàng Su Phì, Đồng Văn, Mèo Vạc lên tới 1.100 đồng/lít. Ngoài ra, việc đưa xăng dầu từ kho đầu mối dưới đồng bằng lên miền núi còn hao hụt lớn. Điển hình, tỷ lệ hao hụt khi vận chuyển xăng dầu từ tổng kho xăng dầu B12 lên đến Đồng Văn-Mèo Vạc (Hà Giang) có khi tới hơn 200 lít xăng/xe hàng vào những thời điểm nhiệt độ giảm sâu trong mùa đông".
Theo bà Nông Thị Hà, Phó giám đốc Công ty xăng dầu Cao Bằng, để xăng dầu lên được với Cao Bằng phải vận chuyển gần 300km từ Tổng kho Xăng dầu Đức Giang của Petrolimex tại Hà Nội. Thời gian vận chuyển mất cả ngày do đường núi đèo dốc hiểm trở nhưng giá bán xăng dầu tại Cao Bằng cũng chỉ là giá bán vùng II, chỉ cao tối đa 2% so với giá cơ sở công bố cùng thời điểm, bằng giá bán xăng dầu tại nhiều tỉnh đồng bằng, như: Hà Nam, Ninh Bình, Bắc Ninh, Bắc Giang, Vĩnh Phúc, Phú Thọ... Với quy định giá xăng dầu như vậy, cho dù được tập đoàn hỗ trợ cước vận tải, thì một số cửa hàng xăng dầu của Petrolimex Cao Bằng đang phải bù lỗ lớn do cước vận chuyển lên các địa bàn này bình quân 900 đồng/lít, cao hơn nhiều so với chi phí bình quân 600 đồng/lít chung của toàn ngành. Điển hình như cửa hàng xăng dầu số 10 (huyện Bảo Lạc), số 15 (huyện Bảo Lâm), số 20 (huyện Nguyên Bình), số 26 (xã Ngọc Côn, huyện Trùng Khánh) đều là những cửa hàng cách trung tâm TP Cao Bằng hàng trăm ki-lô-mét.
Hoạt động KDXD ở địa bàn miền núi, vùng cao luôn phải đối mặt với khó khăn, vất vả do chi phí phát sinh lớn, bán nhiều lỗ nhiều. Tuy nhiên, để thực hiện nhiệm vụ chính trị của một doanh nghiệp nhà nước trong bảo đảm cung ứng xăng dầu cho phát triển kinh tế-xã hội và an ninh, quốc phòng, Petrolimex vẫn tiếp tục tìm kiếm, phát triển mạng lưới các cửa hàng xăng dầu tại các vùng sâu, vùng xa. Chia sẻ về điều này, bà Nông Thị Hà cho biết: "Năm 2020, Công ty Xăng dầu Cao Bằng đã đưa vào hoạt động cửa hàng xăng dầu số 29 tại huyện miền núi Hạ Lang-nơi chưa có bất kỳ một cửa hàng xăng dầu nào. Mặc dù sản lượng xăng dầu bán ra rất thấp với 40-50m3/tháng, công ty đang phải bù lỗ chéo nhưng việc mở cửa hàng này giúp người dân ở đây thuận lợi trong việc mua xăng dầu phục vụ cuộc sống và sản xuất. Trong năm tới, công ty tiếp tục tìm kiếm vị trí để mở các cửa hàng mới nhằm phục vụ tốt hơn đồng bào dân tộc tại các huyện vùng cao xa trung tâm". Về phía Công ty Xăng dầu Hà Giang, ông Lại Văn Dương cũng cho biết: "Công ty đang xúc tiến thủ tục đầu tư mở thêm hai cửa hàng xăng dầu ở huyện Quản Bạ và huyện Bắc Mê để hoàn thiện mạng lưới các cửa hàng phục vụ tốt nhất nhu cầu về xăng dầu của người dân trên địa bàn".
Có thể thấy, tại nhiều địa bàn, Petrolimex cung ứng xăng dầu không phải vì mục tiêu lợi nhuận, mà là để thực hiện trách nhiệm xã hội. Song, bất cập trong cơ chế giá xăng dầu khiến doanh nghiệp phải bù chéo giá trong nội bộ tập đoàn, mặt khác không thu hút được các đầu mối KDXD đầu tư cửa hàng tại các địa bàn khó khăn. Chính vì vậy, có ý kiến đề nghị, liên Bộ Tài Chính-Công Thương cần tính toán điều chỉnh dần từng bước để có sự giãn cách về giá bán giữa các vùng thuận lợi và các vùng khó khăn, thu hút nhà đầu tư tham gia thị trường...
Nguồn tin: Quân đội nhân dân