Để sử dụng Xangdau.net, Vui lòng kích hoạt javascript trong trình duyệt của bạn.

To use Xangdau.net, Please enable JavaScript in your browser for better use of the website.

Loader

Gian lận xăng dầu có chiều hướng gia tăng

Trong thời gian qua, giá xăng liên tục có sự điều chỉnh theo hướng giảm mạnh, từ mức 19.000 đồng/lít hiện chỉ còn 13.000 đồng/lít đã khiến nạn gian lận xăng dầu nở rộ tại nhiều địa phương như: Quảng Ngãi, Phú Yên, Đà Nẵng, Đồng Nai, TPHCM... với hàng loạt cây xăng bị phát hiện gian lận, rút giấy phép kinh doanh. Riêng tại TPHCM, trong số 39 cửa hàng kinh doanh bán lẻ xăng dầu đã kiểm tra, phát hiện có tới 15 cửa hàng gian lận, tỷ lệ sai phạm là trên 35%. Tuy nhiên, con số 39 cây xăng chỉ chiếm khoảng 0,8% số lượng cây xăng trên địa bàn TP. Điều đó đã cho thấy kiểm soát gian lận xăng dầu trên địa bàn hiện nay vẫn chưa thể đáp ứng yêu cầu lành mạnh hóa thị trường. Trong khi đó, chịu trách nhiệm chính để kiểm soát thị trường nhưng lực lượng Quản lý thị trường thuộc Sở Công thương vẫn không thể tự mình đấu tranh vì những ràng buộc mang tính “tréo ngoe” dẫn tới việc người tiêu dùng vẫn è lưng chịu thiệt.

TẦN SUẤT THANH TRA CÒN THẤP, CHƯA TẠO ĐƯỢC YẾU TỐ BẤT NGỜ

Nếu không kịp thời có những quyết sách, người tiêu dùng sẽ bị móc túi dài dài (Ảnh chỉ có tính chất minh họa)
Theo Sở Khoa học và Công nghệ TPHCM thì trong thời gian qua tần suất thanh tra mới chỉ dừng lại ở mức độ thấp, ưu tiên kiểm tra các cửa hàng đã có đơn thư tố giác của quần chúng hoặc do các đội QLTT địa phương báo cáo, yêu cầu đề xuất. Nguyên nhân là do lực lượng này hiện đang thiếu trầm trọng, nhất là cán bộ kỹ thuật. Phòng Thanh tra của sở KH và CN hiện chỉ vỏn vẹn có 5 người và thiếu những phương tiện, thiết bị thực hiện việc kiểm tra như: bình chuẩn, máy đo nhanh chỉ số octan của xăng... nên việc ngăn chặn hành vi gian lận trong đo lường, gian lận thương mại không đạt hiệu quả.
 
Hơn thế nữa, theo quy định thì để kiểm tra các cửa hàng kinh doanh bán lẻ xăng dầu hiện vẫn phải thành lập đoàn kiểm tra liên ngành rất cồng kềnh gồm các lực lượng: Thanh tra Sở Khoa học và Công nghệ, Chi cục Quản lý thị trường, Chi cục Tiêu chuẩn đo lường chất lượng, Thanh tra Tổng cục Tiêu chuẩn đo lường chất lượng tại TPHCM... Bởi vậy nên công tác kiểm tra hiện vẫn chưa tạo được sự cơ động lẫn yếu tố bất ngờ, những quy định pháp lý để các cơ quan quản lý nhà nước xác định mức độ gây thiệt hại cho khách hàng để phạt hành chính hoặc truy tố hình sự cũng chưa có cơ sở pháp lý nào để áp dụng. Vả lại, mức chế tài đối với hành vi này hiện nay cũng chưa đủ sức răn đe đối với những đối tượng cố tình vi phạm. Bên cạnh đó, nhiều doanh nghiệp đóng vai trò là nhà cung cấp, tổng đại lý phân phối cũng có biểu hiện né tránh trách nhiệm quản lý đối với các cửa hàng trực thuộc và hệ thống đại lý của mình, đẩy hết trách nhiệm kiểm soát cho cơ quan nhà nước.
 
ĐIỀU “TRÉO NGOE” TRONG VIỆC KIỂM SOÁT THỊ TRƯỜNG XĂNG DẦU

Có thể nói, Bộ Công thương và các sở trực thuộc mà lực lượng chính trực tiếp đấu tranh là các chi cục quản lý thị trường đang phải gánh vác trách nhiệm chính trong việc đấu tranh chống gian lận thương mại trong lĩnh vực xăng dầu. Song điều “tréo ngoe” là mặc dù mang trách nhiệm chính song các chi cục, các đội QLTT ở các địa phương hiện nay lại không thể tự mình kiểm tra các cửa hàng xăng do không có chức năng đo lường chất lượng. Trong khi nếu được phân cấp và trang bị thiết bị đo lường (bình chuẩn), tập huấn cán bộ lấy mẫu (kiểm định viên) thì lực lượng này hoàn toàn có thể chủ động đẩy mạnh phòng chống gian lận thương mại trong lĩnh vực xăng dầu. Thực tế cho thấy trong số các chiêu móc túi người tiêu dùng thì chiêu đong thiếu theo hướng có lợi cho người bán được các cửa hàng kinh doanh xăng dầu sử dụng khá phổ biến. Tại TPHCM trong số 15 doanh nghiệp, cửa hàng bị phát hiện có gian lận trong thời gian vừa qua thì có tới 13 cửa hàng vi phạm về đo lường, chất lượng, “ăn gian” xăng của khách hàng từ 1 đến 10,5%, chỉ có 2 cửa hàng vi phạm về niêm yết giá. Để kiểm tra, lực lượng kiểm tra các cửa hàng chủ yếu dùng bình chuẩn để đo lường, sau đó lấy mẫu mang về kiểm tra chỉ số octan của xăng tại Chi cục tiêu chuẩn đo lường chất lượng. Bộ máy và quy trình kiểm tra như trên phần nào đã không tạo được sự đồng bộ trong việc trấn áp hành vi gian lận của các doanh nghiệp, cửa hàng kinh doanh xăng dầu, dẫn đến việc tồn đọng nhiều hồ sơ đề xuất hỗ trợ kiểm tra...
 
Thiết nghĩ đã đến lúc chính phủ cần phải có những quyết sách mạnh mẽ nhằm chặn đứng hành vi gian lận thương mại trong lĩnh vực xăng dầu, tạo niềm tin cho người tiêu dùng cả nước. Tuy nhiên, để làm được điều đó thì cần phải đầu tư cho lực lượng thực thi và tháo bỏ những vướng mắc đang tồn tại, sửa đổi những quy định còn chưa phù hợp với tình hình thực tế, trang bị thiết bị hỗ trợ kỹ thuật đồng thời cũng cần phải có kế hoạch hướng dẫn, đào tạo nhằm hiện đại hóa lực lượng QLTT tại các chi cục, các đội QLTT... tạo ra một mũi nhọn tấn công hành vi gian lận thương mại ngay tại các địa phương mới mong chặn đứng được hành vi gian lận, “móc túi” khách hàng trên thị trường xăng dầu.
 
(Công an)

ĐỌC THÊM