Tình hình tội phạm, vi phạm trên các vùng biển tiếp tục có diễn biến phức tạp, nhất là tội phạm buôn lậu, gian lận thương mại mặt hàng xăng dầu.
Buôn lậu xăng, dầu diễn biến phức tạp
Theo thống kê sơ bộ từ báo cáo của Ban Chỉ đạo 389 các Bộ, ngành, địa phương trong 8 tháng đầu năm 2017, các lực lượng chức năng đã phát hiện 6.701.343 lít xăng và 12.798.090 lít dầu vi phạm, với trị giá hàng hóa lên tới vài trăm tỷ đồng.
Cũng theo nhận định của Ban Chỉ đạo 389 quốc gia, tình hình tội phạm, vi phạm trên các vùng biển tiếp tục có diễn biến phức tạp, nhất là tội phạm buôn lậu, gian lận thương mại mặt hàng xăng dầu.
Các đối tượng có hành vi phạm pháp ngày càng dùng nhiều phương thức, thủ đoạn tinh vi nhằm che mắt các lực lượng chức năng, sử dụng nhiều phương tiện kỹ thuật hiện đại, lợi dụng đêm tối, thời tiết xấu…để buôn lậu, gian lận thương mại xăng, dầu trên biển. Không ít đối tượng mua dầu của các tàu nước ngoài trên biển với giá rẻ, không có hóa đơn, chứng từ chứng minh tính hợp pháp, sau đó bán lại trực tiếp cho các tàu các khai thác hải sản trên biển hoặc bán kiếm lời.
Một số ngư dân đã cải hoán tàu cá thành tàu chở dầu, lắp thêm téc trong hầm tàu thành nơi chứa dầu, khi làm thủ tục xuất bến thì đăng ký ra biển đánh cá và chỉ mua một số lượng dầu đủ chạy đoạn đường từ cảng ra đến điểm hẹn trước trên biển mua dầu lậu về bán cho ngư dân ngay trên biển.
Đối với tàu nước ngoài: hồ sơ thường không rõ ràng, không đầy đủ giấy tờ chứng minh quốc tịch, thông tin về tàu. Thường hoạt động ở vùng biển Tây Nam, khu vực giáp ranh với các nước Indonexia, Malaixia, Thái Lan và địa bàn lân cận. Khi bị phát hiện, truy đuổi, các đối tượng điều khiển phương tiện chạy sang vùng biển nước ngoài hoặc sẵn sàng chặt ống bơm dầu để tiêu hủy chứng cứ, gây ô nhiễm môi trường.
Hoạt động buôn lậu xăng dầu diễn biến phức tạp, các đối tượng sử dụng nhiều thủ đoạn tinh vi. Ảnh: Zing
Ở các tỉnh có cảng biển vẫn xuất hiện tình trang mua, bán xăng dầu trái phép nhỏ lẻ, quay vòng hóa đơn, gây khó khăn cho lực lượng chức năng trong qua trình phát hiện dấu tranh.
Tuy nhiên, với quyết tâm nâng cao hiệu quả công tác đấu tranh chống buôn lậu, gian lận thương mại xăng dầu, ngay từ đầu năm 2017 đến nay như: Bộ Quốc phòng chỉ đạo Bộ Tư lệnh Bộ đội Biên phòng tăng cường tuần tra, kiểm soát chặt chẽ khu vực biên giới, vùng biển, đảo; chỉ đạo lực lượng Cảnh sát biển tăng cường triển khai các hoạt động nghiệp vụ đấu tranh phòng, chống tội phạm, vi phạm trên các vùng biển; xây dựng 744 phóng sự, chuyên mục, tin bài ảnh, 10 đợt tuyên truyền về bảo vệ chủ quyền biển đảo, phát 3.270 tờ rơi các loại và nhiều khẩu hiệu, tranh ảnh tuyên truyền tại các địa bàn ven biển.
Bộ Công Thương đã chỉ đạo ban hành, triển khai kế hoạch công tác đấu tranh chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả năm 2017; Quyết định số 1059/QĐ-BCT ngày 28 tháng 3 năm 2017 phê duyệt Đề án phòng, chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả tại các địa bàn, lĩnh vực trọng điểm đặc biệt là lĩnh vực xăng dầu.
Bộ Tài chính đã làm tốt vai trò nhiệm vụ Thường trực giúp việc Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Trưởng Ban Chỉ đạo 389 quốc gia trong chỉ đạo, công tác chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả của các Bộ, ngành, địa phương, lực lượng chức năng.
Chỉ đạo lực lượng Thuế tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra chống thất thu thuế, giám sát việc kê khai thuế, quyết toán thuế, hoàn thuế nhằm chống các hành vi gian lận thuế, chiếm đoạt tiền hoàn thuế từ ngân sách nhà nước.
Chỉ đạo lực lượng Hải quan đẩy mạnh thực hiện các biện pháp kiểm soát, chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả tại khắp các khu vực cửa khẩu đường bộ, cảng biển, địa điểm khác thuộc địa bàn kiểm soát hải quan, phát hiện, xử lý nghiêm, kịp thời các vụ việc vi phạm đặc biệt là mặt hàng xăng dầu.
Phát hiện, xử lý nhiều vụ buôn lậu, gian lận xăng dầu
Qua nhiều đợt kiểm tra, các lực lượng chức năng đã phát hiện và xử lý nhiều vụ vi phạm lớn. Cụ thể vào ngày 14/6/2017, Chi cục Quản lý thị trường tỉnh Bình Định kiểm tra xe bồn chuyên dụng Biển kiểm soát 79C-00382, phát hiện xe này đang bán trái phép 3.000 lít xăng A92 cho Cửa hàng kinh doanh xăng dầu số 1 trên địa bàn huyện Tuy Phước. Ngoài ra, bên trong bồn còn khoảng 9.000 lít xăng A92 không có hóa đơn chứng từ chứng minh nguồn gốc.
Ngày 07/06/2017, Tại tọa độ 07 độ 00 Bắc -106 độ 20 phút Đông (Tây Nam bãi cạn Cảnh Dương 35 lý), Vùng CSB 3 phát hiện kiểm tra tàu Princes- Dea, quốc tịch Malaysia đang neo đậu, cặp mạn để bán dầu cho tàu cá Việt Nam. Trên tàu Princes- Dea có 14 thuyền viên (03 người Malaisia, 11 người Bănglađét), tàu chở khoảng 01 triệu lít dầu DO. lực lượng CSB đã điều tra, xử lý theo quy định của pháp luật.
Ngày 02/8/2017, tại khu vực Biển Mơ, thành phố Hạ Long, tỉnh Quảng Ninh: Bộ Tư lệnh Vùng Cảnh sát biển 1 phát hiện, kiểm tra tàu QN 6639 và tàu QN 6865. Tại thời điểm kiểm tra, tàu QN 6639 đang vận chuyển 34.324 lít dầu DO, tàu QN 6865 đang vận chuyển 43.008 lít dầu FO không có giấy tờ chứng minh tính hợp pháp của hàng hóa. Ngày 05/8/2017 Tư lệnh CSB đã ra quyết định xử phạt vi phạm hành chính 04 đối tượng với tổng số tiền là 31,4 triệu đồng, tịch thu, phát mại hàng hóa thu nộp ngân sách trên 611 triệu đồng.
Lực lượng chức năng kiểm tra xăng trên tàu Surise 689 .Ảnh: Tuổi trẻ
Ngày 30/8/2017 tại vùng biển Cam Ranh, BĐBP Khánh Hòa kiểm tra bắt giữ tàu SUNRISE 689 thuộc công ty đóng tàu thủy sản Hải Phòng, chở 5.017.243 lít xăng A92 của công ty cổ phần tập đoàn miền núi tỉnh Thanh Hóa. theo khai nhận ban đầu số hàng trên được sang mạn từ tàu nước ngoài có tên FLORA.
Bên cạnh đó, Văn phòng Thường trực BCĐ 389 cũng chỉ ra bất cập về cơ chế chính sách như: Hệ thống văn bản quy phạm pháp luật, quản lý và xử lý vi phạm trong lĩnh vực chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả còn chưa đồng bộ, thống nhất; việc điều chỉnh, sửa đổi, bổ sung còn chậm gây chồng chéo, khó khăn trong công tác xử lý của các ngành, đơn vị chức năng. (vấn đề giám định, kho bảo quản tang vật...).
Công tác đấu tranh, xử lý các vụ việc vi phạm liên quan đến đường dây ổ nhóm buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả còn chậm, thậm chí nhiều vụ không tìm ra thủ phạm… Còn thiếu đầu mối về thông tin, cập nhật thông tin; trình độ của một số cán bộ còn hạn chế; chế tài xử phạt chưa đủ sức răn đe nên các đối tượng sẵn sàng nộp phạt hành chính để trục lợi.
Nguồn tin: vietq.vn