Sự gián đoạn nguồn cùng dầu thô từ Libya cùng động thái giải cứu nền kinh tế của Trung Quốc đang hỗ trợ giá dầu thô tăng lên. Tuy nhiên, diễn biến dịch virus Covid-19 vẫn là nhân tố chính điều chỉnh giá dầu thô.
Giá dầu thô hiện đang bị chi phối bởi nhiều yếu tố. Trong đó, sự gián đoạn nghiêm trọng nguồn cung dầu thô từ Libya cùng động thái giải cứu nền kinh tế của Trung Quốc đang giúp giá dầu thô phục hồi tăng lên. Tuy nhiên, đà tăng của giá dầu thô vẫn bị kìm hãm bởi tâm lý lo ngại trước các tác động tiêu cực của dịch virus Covid-19 đến nhu cầu sử dụng dầu thô toàn cầu.
Vào lúc 12h05 trưa nay (ngày 20/2, theo giờ Việt Nam), giá dầu thô Brent đã tăng 14 cents tương ứng 0,2% lên 59,26 USD/thùng; giá dầu thô ngọt nhẹ Texas (WTI) cũng tăng 25 cents tương ứng 0,5% lên 53,54 USD/thùng.
Giá dầu thô đã tăng lên chủ yếu do thị trường lo ngại nguồn cung dầu thô từ Libya có thể bị đứt đoạn trong bối cảnh một số cảng xuất dầu và đường ống dẫn dầu chính của nước này đang bị một nhóm quân sự đối lập phong toả kéo dài. Căng thẳng chính trị tại Libya đang tăng cao sau khi quân đội chính phủ Libya đã tấn công vào một vị trí của phe đối lập, làm dập tắt các hy vọng giai quyết căng thẳng thông qua đàm phán hoà bình. Việc phong toả các cơ sở xuất khẩu dầu mỏ chính của Libya kéo dài từ ngày 18/1 đến nay và khiến sản lượng xuất khẩu dầu thô giảm khoảng 1 triệu thùng/ngày.
Các chuyên gia phân tích thị trường nhận định tình trạng gián đoạn nguồn cung dầu thô tại Libya đã phần nào giảm bớt các tác động tiêu cực của dịch virus Covid-19 lên giá dầu thô. Tuy nhiên, các chuyên gia cảnh báo các tác động của dịch virus Covid-19 vẫn là nhân tố chính quyết định đến giá dầu thô trong thời gian tới.
Giá dầu thô Brent được dự báo tiếp tục tăng lên mức 60,22 USD/thùng, theo chuyên gia phân tích kỹ thuật Wang Tao của Reuters.
Trong sáng nay, Ngân hàng Nhân dân Trung Quốc (PBOC) đã tuyên bố cắt giảm lãi suất cơ bản cho vay 1 năm (LPR) xuống mức 4,05% từ mức 4,15% như hiện nay; lãi suất cho vay kỳ hạn 5 năm cũng được điều chỉnh giảm từ 4,8% xuống 4,75%. Động thái này của PBOC nhằm khẩn cấp giải cứu nền kinh tế Trung Quốc vốn đang tê liệt vì dịch virus Covid-19.
Việc Trung Quốc cắt giảm lãi suất cho vay nhằm hỗ trợ nền kinh tế tái khởi động cũng giúp thị trường giảm bớt lo ngại về tác động tiêu cực của dịch virus Covid-19 đến nhu cầu sử dụng dầu thô của nước này. Trung Quốc hiện là quốc gia sử dụng dầu lớn thứ hai thế giới và là nhà nhập khẩu dầu thô lớn nhất thế giới.
Bên cạnh đó, đà tăng của giá dầu thô trong ngày hôm nay cũng bị kìm hãm một phần bởi dữ liệu mới nhất của Viện dầu khí Hoa Kỳ (API) cho thấy lượng dự trữ dầu thô của Hoa Kỳ tăng cao hơn dự báo của giới phân tích. Cụ thể, lượng dự trữ dầu thô của Hoa Kỳ tính đến tuần kết thúc vào ngày 14/2 đã tăng thêm 4,16 triệu thùng, cao hơn mức dự báo tăng 2,5 triệu thùng được đưa ra trước đó.
Nguồn tin: tapchicongthuong.vn