Theo Chủ tịch Hiệp hội Xăng dầu Việt Nam, hiện tại là thời điểm cần thiết để giảm thuế tiêu thụ đặc biệt, đây cũng là phương án để hạ nhiệt giá xăng dầu.
Chỉ trong 2 năm tăng gấp 3 lần
Ngày 28/4/2020, giá xăng RON 95 trong nước xuống còn 11.630 đồng/lít - mức thấp nhất trong 11 năm qua trong bối cảnh lượng cầu sụt giảm do đại dịch Covid-19, giá dầu thô xuống âm 37,63 USD/thùng.
Kể từ thời điểm đó đến nay, giá xăng liên tục leo thang và vọt lên mốc 30.650 đồng/lít - mức cao nhất lịch sử trong kỳ điều chỉnh ngày 23/5 vừa qua. Đây cũng là lần tăng thứ 10 của mặt hàng này chỉ trong hơn 5 tháng đầu năm 2022.
Như vậy chỉ sau gần 2 năm, giá xăng E5 RON 92 đã đắt thêm 18.690 đồng/lít (tương đương 170,8%) và 19.020 đồng/lít đối với xăng RON 95 (tương đương 163,5%).
Trong các yếu tố khiến CPI 4 tháng đầu năm tăng 2,1%, theo Tổng cục Thống kê, đà tăng giá của xăng dầu trong nước là một trong những nguyên nhân chính. Bình quân 4 tháng đầu năm, giá xăng dầu trong nước tăng 48,84% so với cùng kỳ năm trước, tác động làm CPI chung tăng 1,76%.
Theo số liệu của Gas Petrol Price, so với các nước trong khu vực, mỗi lít xăng Việt Nam hiện cao hơn Malaysia (0.466 USD tức 10.820 đồng); Indonesia (1.136 USD, tức 26.377 đồng). Tuy nhiên, thu nhập bình quân của người Việt lại thấp hơn các quốc gia này.
Theo báo cáo của Tổng cục Thống kê, trong năm 2021, thu nhập bình quân tháng của người lao động là 5,7 triệu đồng. Do đó, một lít xăng đang chiếm khoảng 16,13% trong thu nhập hàng ngày của người Việt Nam.
Giảm thuế tiêu thụ đặc biệt là cần thiết lúc này
Theo ông Bùi Ngọc Bảo, Chủ tịch Hiệp hội Xăng dầu Việt Nam nhận định, trong các sắc thuế trên, việc giảm thuế sẽ tương ứng với từng mục tiêu, từng mức độ tăng giá.
Tuy nhiên, theo ông Bảo, trong thời điểm giá xăng dầu tăng mạnh như hiện nay, nếu lấy mục tiêu kiềm chế lạm phát và mục tiêu để ít tác động đời sống người dân, thì việc xem xét giảm thuế tiêu thụ đặc biệt với xăng (dầu không có sắc thuế này) là cần thiết.
Bên cạnh đó, cũng nên cân đối giảm thuế nhập khẩu. Song, cần tính toán việc “ảnh hưởng đến bù giá cho nhà máy lọc dầu Nghi Sơn”.
"Có nên giảm hết 50% thuế bảo vệ môi trường còn lại và thuế VAT?", ông Bảo nói: “Không nên!. Nhưng cũng có thể cân nhắc khi đã sử dụng hết công cụ thuế tiêu thụ đặc biệt và nhập khẩu...”.
Chia sẻ về các giải pháp để điều hành giá xăng dầu hiện nay, TS Vũ Đình Ánh - chuyên gia kinh tế cho biết, hiện nay, dư địa điều hành giá xăng dầu vẫn còn nhưng phải cân nhắc và đánh đổi giữa việc giảm thu ngân sách và kiểm soát đà tăng của giá xăng. Việc thuế bảo vệ môi trường đã giảm đến 50% vừa qua đã phần nào giúp “hạ nhiệt” giá xăng dầu. Tuy nhiên, mỗi lít xăng đến tay người tiêu dùng vẫn đang phải "cõng" 38-40% là thuế, phí. Cho nên vẫn có thể hạ nhiệt giá xăng dầu trong nước bằng các công cụ khác hiện nay như thuế tiêu thụ đặc biệt, thuế giá trị gia tăng, thuế nhập khẩu và phải có chiến lược tiết kiệm.
TS Trần Hoàng Ngân, chuyên gia kinh tế cũng cho hay, giá xăng dầu tiếp tục tăng sẽ tác động đến đời sống người dân. Đối với doanh nghiệp cũng khó khăn vì xăng dầu làm tăng chi phí vận chuyển, lưu thông hàng hoá. Xăng dầu theo giá thị trường thế giới nên buộc phải điều chỉnh, cho nên để giảm được giá xăng dầu thì phải trình giải pháp để giảm thuế bảo vệ môi trường, giảm thuế tiêu thụ đặc biệt. Đây là 2 điều quan trọng nhất. Xăng dầu thế giới chưa có dấu hiệu giảm nên chúng ta cần công cụ thuế để kiểm soát giá.
Đồng ý kiến, TS Nguyễn Minh Phong cho rằng, các khoản thuế nhập khẩu, thuế bảo vệ môi trường, thuế giá trị gia tăng và thuế tiêu thụ đặc biệt đang chiếm từ khoảng 40% trong cơ cấu giá bán lẻ xăng dầu hiện hành. Trong đó, bởi vậy, trong số các giải pháp giúp cải thiện áp lực tăng giá bán lẻ xăng dầu, thì việc điều chỉnh cơ cấu mức thu ngân sách Nhà nước qua giá xăng dầu cả về mức và thời gian áp dụng là cần thiết.
Do giá xăng dầu không đơn thuần chỉ là giá của 1 mặt hàng riêng lẻ mà còn là đầu vào sản xuất nên tác động đến rất nhiều hàng hoá tiêu dùng khác, ảnh hưởng trực tiếp đến đời sống dân sinh cũng như mục tiêu kiểm soát lạm phát nên ông Nguyễn Bích Lâm – Nguyên Tổng cục trưởng Tổng cục thống kê cho rằng, nên coi việc giảm thuế hiện nay là một khoản đầu tư của Chính phủ cho nền kinh tế và cho các doanh nghiệp trong giai đoạn khó khăn này. Bởi đây là việc vô cùng quan trọng để ổn định kinh tế vĩ mô, tạo điều kiện phát triển kinh tế trong thời gian tới.
Bộ Công Thương luôn nhìn nhận, xăng dầu là mặt hàng chiến lược có ý nghĩa không chỉ kinh tế, mà còn cả về xã hội và chính trị. Ổn định nguồn cung và giá xăng dầu là nhiệm vụ quan trọng, đồng thời cũng là thước đo năng lực, hiệu lực và hiệu quả quản lý nhà nước và thể chế kinh tế thị trường của Việt Nam trong bối cảnh hội nhập và toàn cầu hóa nói chung, cũng như để góp phần triển khai thành công chương trình phục hồi và tăng trưởng kinh tế gắn với chống dịch Covid-19 hiện nay.
Trong kỳ điều chỉnh xăng dầu ngày 23/5, Liên Bộ Tài chính - Công Thương quyết định điều chỉnh giá bán lẻ xăng dầu theo chu kỳ 10 ngày/lần.
Theo đó, xăng E5 RON 92 tăng 680 đồng/lít, giá xăng RON 95 được điều chỉnh tăng 670 đồng/lít. Sau khi tăng, mức giá bán lẻ tối đa với xăng E5 RON 92 là 29.630 đồng/lít và xăng RON 95 là 30.650 đồng/lít.
Giá bán đối với mặt hàng dầu diesel 25.550 đồng/lít, dầu hỏa là 24.400 đồng/kg, dầu mazut là 20.590 đồng/kg.
Nguồn tin: Kinh tế môi trường