Xăng, dầu là một trong những mặt hàng đầu vào của nền kinh tế. Trong bối cảnh giá xăng dầu liên tục lập đỉnh mới, nhiều ý kiến cho rằng, Việt Nam phải xem xăng dầu là mặt hàng thiết yếu để đưa ra giải pháp phù hợp như cần giảm ngay thuế, phí, không nên chần chừ.
Lạm phát leo thang, vẫn đang tìm cách giảm thuế xăng dầu
Từ đầu năm đến nay, giá xăng dầu trong nước bình quân tăng 27,26% và tăng gần 50% so với cùng kỳ năm ngoái. Ngoài giá xăng dầu tăng cao, từ đầu năm đến nay giá gas cũng tăng gần 27%. Hiện xăng RON95 ở mức 31.570 đồng/lít. Tỷ trọng thuế chiếm 38% nên 1 lít xăng đang "cõng" hơn 11.700 đồng tiền thuế.
Theo PGS.TS Trần Hoàng Ngân (đại biểu Quốc hội), hiện tại, thuế bảo vệ môi trường đã được giảm 50%, vẫn còn 50% nữa có thể sử dụng nếu diễn biến giá cả leo thang mạnh hơn. Ngoài ra, mức thuế tiêu thụ đặc biệt đánh vào xăng dầu là 10% vẫn chưa được sử dụng. “Bởi xăng dầu không còn là mặt hàng đặc biệt nữa mà là mặt hàng thiết yếu. Không có lý do gì chúng ta lại đánh thuế tiêu thụ đặc biệt với xăng. Các nước Thái Lan, Hàn Quốc, Ba Lan, Ấn Độ… cũng đã giảm thuế tiêu thụ đặc biệt đối với xăng dầu”- PGS.TS Trần Hoàng Ngân nhấn mạnh.
Bên cạnh đó, PGS.TS Trần Hoàng Ngân cho rằng, có thể xem xét giảm thuế giá trị gia tăng, thuế nhập khẩu. Hiện trong cơ cấu giá xăng, dầu cơ sở, mỗi lít xăng, dầu bán ra đang chịu 4 loại thuế gồm thuế giá trị gia tăng, thuế nhập khẩu, thuế tiêu thụ đặc biệt và thuế bảo vệ môi trường. Ngoài các khoản thuế nêu trên, mỗi lít xăng còn phải cộng thêm chi phí kinh doanh định mức, lợi nhuận định mức, mức trích lập quỹ bình ổn và lợi nhuận của DN.
Thứ trưởng Bộ Công Thương Đỗ Thắng Hải chia sẻ, có 3 biện pháp đã và đang được lưu ý thực hiện nhằm kiểm soát giá xăng, dầu. Trong đó, sử dụng Quỹ bình ổn giá xăng, dầu một cách hiệu quả, linh hoạt để hạn chế mức biến động mạnh của giá xăng, Ngoài ra, điều chỉnh các loại thuế, phí trong cơ cấu giá xăng, dầu và phải cân nhắc đánh giá tác động rồi báo cáo với Chính phủ, Quốc hội.
Bộ Tài chính cho biết, đang lấy ý kiến về phương án giảm thuế nhập khẩu ưu đãi đối với xăng động cơ không pha chì. Cụ thể, dự thảo đã đề xuất xin ý kiến phương án giảm thuế nhập khẩu ưu đãi (MFN) đối với xăng động cơ không pha chì từ 20% xuống còn 12% nhằm góp phần giảm chi phí nhập khẩu xăng và đa dạng hóa nguồn cung nhập khẩu.
Phải giảm ngay và giảm thêm nữa!
Thảo luận về tình hình kinh tế - xã hội, các đại biểu Quốc hội lo ngại giá xăng đã vượt 31.000 đồng và còn có thể tăng thêm nếu giá thế giới vẫn xu hướng đi lên, sẽ ảnh hưởng tới tiêu dùng, phục hồi kinh tế và lạm phát. Nguy cơ hơn nữa, chính sách hỗ trợ lãi suất 2% cho các DN để hồi phục sau dịch bệnh mà Chính phủ vừa ban hành có thể bị vô hiệu hóa vì lạm phát.
Việc Bộ Tài chính đề xuất giảm thuế nhập khẩu xăng được các chuyên gia đánh giá là tín hiệu tích cực. Tuy nhiên, mức thuế nên giảm sâu hơn nữa mới thực sự phát huy hiệu quả. Chủ tịch Hiệp hội Xăng dầu Việt Nam Bùi Ngọc Bảo nhận xét, việc giảm thuế MFN từ 20% xuống 12% vẫn chưa thực sự tạo sức hút cho các đơn vị kinh doanh xăng dầu tìm kiếm các thị trường mới.
Hiện mặt hàng xăng động cơ, không pha chì dùng để sản xuất xăng RON92, RON95 có thuế suất MFN là 20%, thuế suất FTA tại các Hiệp định thương mại tự do Việt Nam - Hàn Quốc (VKFTA), Hiệp định Thương mại hàng hóa ASEAN (ATIGA), Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP), Hiệp định thương mại tự do Việt Nam - Liên minh Kinh tế Á Âu (VNEAEU) là 8%, EVFTA là 20%. Nếu giảm thuế MFN xuống 12%, mức chênh lệch 4% giữa thuế suất MFN và thuế suất FTA đối với xăng là rất lớn. Vậy nên họ vẫn sẽ ưu tiên nhập khẩu tại các thị trường cũ như Hàn Quốc, ASEAN với mức thuế suất FTA 8%.
Nguồn tin: Kinh tế & Đô thị