Bộ Tài chính vẫn kiên quyết giữ đề xuất nâng khung thuế BVMT đối với mặt hàng xăng lên mức tối đa, 8.000 đồng/lít, lại khiến dư luận “dậy sóng”.
Thông tin về việc trong dự thảo mới nhất về Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của luật Thuế Bảo vệ Môi trường (BVMT), Bộ Tài chính vẫn kiên quyết giữ đề xuất nâng khung thuế BVMT đối với mặt hàng xăng lên mức tối đa, 8.000 đồng/lít, lại khiến dư luận “dậy sóng”.
Bởi, một trong những lý do được quý bộ đưa ra để lý giải cho việc tăng thuế BVMT đối với mặt hàng này là rồi đây trong quá trình hội nhập, thuế nhập khẩu xăng dầu sẽ giảm mạnh, ngân sách sẽ hụt thu, nên phải bù lại. Theo tính toán của nhiều chuyên gia, nếu đề xuất này trở thành hiện thực, thì con số thu được sẽ là nhiều chục ngàn tỷ, thậm chí là hàng trăm ngàn tỷ đồng.
Nhưng một câu hỏi được đặt ra ở đây là: Hội nhập để làm gì, nếu không phải là để hàng hóa lưu thông thuận lợi vì thuế giảm, và nhờ thế mà người dân được lợi? Nay thuế này giảm, lại tăng thuế khác, thì người dân được hưởng lợi ở chỗ nào? Và hội nhập là vì dân hay vì Nhà nước? Xăng dầu là “mạch máu” của nền kinh tế. Mỗi một sự biến động của giá xăng, cả nền kinh tế lập tức bị ảnh hưởng. Giá xăng giảm mạnh, người dân được hưởng lợi, thì sản xuất sẽ phát triển, doanh nghiệp tăng thu, thì Nhà nước sẽ tăng được nguồn thu, và ngược lại.
Rất nhiều loại hàng hóa của ta, lâu nay, sức cạnh tranh đã rất yếu, do giá thành cao. Nay đẩy giá xăng dầu lên cao hơn nữa vì tăng thuế BVMT trong mặt hàng này, giá thành nhiều mặt hàng càng bị đẩy lên cao. Sức cạnh tranh sẽ càng yếu. Về nguyên tắc, thì loại thuế nào phải được dùng cho mục đích ấy. Thế nhưng lâu nay, thuế BVMT có được dùng cho công tác BVMT không, hay là dùng cả cho đầu tư xây dựng cơ bản, mua sắm xe công, tổ chức hội nghị hội thảo... ?. Không ai trả lời được câu hỏi đó, vì mọi sự giải trình đều không đủ. Rất nhiều điều vẫn còn đang nằm trong vòng bí mật.
“Hãy để cho người dân được hưởng lợi từ hội nhập”. Đó là phát biểu của Chủ tịch hiệp hội xăng dầu Việt Nam Phan Thế Ruệ, người mà mấy tháng trước đã là “đồng minh” của Bộ Tài chính trong việc tăng thuế BVMT trong mặt hàng xăng lên 8.000 đồng/lít, nhưng nay đã đổi ý.
Phát biểu trên của ông Phan Thế Ruệ là hợp lý. Vì để bù lại những nguồn hụt thu cho ngân sách, bộ Tài chính không thiếu gì những nguồn thu khác hợp lý hơn. Ví như thu thuế tài sản. Trong kỳ họp thứ 3 Quốc hội khóa XIV mới đây, rất nhiều đại biểu đã thúc giục Bộ Tài chính làm đề xuất về sắc thuế này. Và về sắc thuế này, rất nhiều nước trên thế giới đã áp dụng. Hiện tại, ở Việt Nam, rất nhiều người có những bất động sản trị giá lớn, nhiều người có hai, ba, thậm chí bốn, năm nhà. Thuế tài sản, sẽ là một nguồn thu rất lớn, và chắc chắn sẽ được xã hội đồng tình, thay vì phải đi bóp nặn những người dân mua từng lít xăng lẻ. Thế nhưng, những thúc giục đó đều chưa được bộ Tài chính lắng nghe.
Nguồn tin: Nongnghiep.vn