Để sử dụng Xangdau.net, Vui lòng kích hoạt javascript trong trình duyệt của bạn.

To use Xangdau.net, Please enable JavaScript in your browser for better use of the website.

Loader

Giảm thuế để hạ nhiệt giá xăng dầu là việc cần làm ngay

Mỗi lít xăng dầu hiện nay đang phải chịu 38% thuế và các loại phí. Theo các chuyên gia, giảm thuế, phí là cách duy nhất để kìm hãm giá xăng dầu, bình ổn thị trường, giữ đà tăng của lạm phát…

huế và các loại phí chiếm 38% giá thành 1 lít xăng

Theo báo cáo của Trung tâm Thông tin Công nghiệp và Thương mại lý giải rõ, trong cơ cấu giá cơ sở xăng, dầu, mỗi lít xăng, dầu bán ra đang có 4 loại thuế: Giá trị gia tăng (VAT, 10%), nhập khẩu (10%), tiêu thụ đặc biệt (10%) và bảo vệ môi trường (với xăng E5RON92 là 3.800 đồng, xăng RON95 là 4.000 đồng, dầu diesel là 2.000 đồng...).

Do thuế bảo vệ môi trường là cố định nên tỷ trọng của nhóm này sẽ giảm khi giá bán lẻ xăng tăng vì khi đó các cấu phần khác của giá như giá đầu vào, các loại thuế tương đối tính theo % sẽ tăng lên. Bên cạnh đó, mỗi lít xăng cũng phải cộng thêm chi phí kinh doanh định mức, lợi nhuận định mức, mức trích lập Quỹ bình ổn và lợi nhuận của doanh nghiệp...

PGS.TS Đinh Trọng Thịnh, giảng viên cao cấp Học viện Tài chính cho biết, theo kinh nghiệm quốc tế, trước diễn biến giá dầu thô liên tục tăng cao gần đây, nhằm giảm bớt tác động tiêu cực với người dân, một số nước đã giảm thuế xăng dầu. Đơn cử, Hàn Quốc đã giảm 20% thuế nhiên liệu cho xăng, dầu diesel và khí hóa lỏng trong 6 tháng từ 12/11/2021 đến hết tháng 4 năm nay. 

Chính phủ Thái Lan đang kiểm soát giá dầu diesel trong nước bằng cách sử dụng trợ cấp từ Quỹ nhiên liệu dầu mỏ và cắt giảm một nửa thuế tiêu thụ đặc biệt đối với dầu diesel trong ba tháng để giới hạn giá ở mức dưới 30 baht một lít.

Tại Mỹ, phần thuế áp trên giá xăng ở nước này chỉ góp khoảng 17% tổng giá bán, mức thấp nhất trong số các nước thuộc nhóm G7. Đó là lý do vì sao Mỹ là nước duy nhất trong nhóm G7 có giá xăng bán lẻ thuộc hàng thấp nhất trên thế giới... 

Việt Nam có thể tham khảo các nước lớn trên thế giới với các giải pháp kìm giá xăng dầu ra sao để điều tiết thị trường khi giá dầu cao nhằm góp phần bình ổn thị trường đối với mặt hàng này.

"Dù vận hành theo quy luật thị trường nhưng xăng dầu là loại hàng hóa đặc biệt. Khi giá xăng dầu thế giới tăng quá cao, việc sử dụng công cụ thuế phí để giảm giá, bình ổn thị trường là rất cần thiết. Có thể giảm thêm thuế bảo vệ môi trường để giảm giá xăng. Ngoài ra cần xem lại thuế suất thuế tiêu thụ đặc biệt 10% đối với các mặt hàng xăng. Mục đích của thuế tiêu thụ đặc biệt là đánh vào hàng hóa xa xỉ như ôtô, máy bay, du thuyền... hoặc sản phẩm không khuyến khích tiêu dùng như rượu, bia, thuốc lá...Trong khi đó xăng là mặt hàng thiết yếu, người giàu lẫn người nghèo đều phải dùng", TS. Đinh Trọng Thịnh nói.

Nên giảm ngay thuế bảo vệ môi trường

Chuyên gia kinh tế, TS. Nguyễn Minh Phong cho rằng, để hạ nhiệt giá xăng dầu trong nước, giảm thuế, phí được coi là giải pháp quan trọng nhất thời gian này. Bởi vậy, trong số các giải pháp giúp cải thiện áp lực tăng giá bán lẻ xăng dầu, thì việc điều chỉnh cơ cấu mức thu ngân sách Nhà nước qua giá xăng dầu cả về mức và thời gian áp dụng là cần thiết. Trong đó, giảm mức thuế bảo vệ môi trường theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ là việc cần làm ngay vì việc triển khai đơn giản và có tính khả thi cao

Ngay như trong dự thảo Nghị quyết của Uỷ ban Thường vụ Quốc hội về mức thuế bảo vệ môi trường đối với xăng, dầu, mỡ nhờn đến hết ngày 31/12/2022 do Bộ Tài chính soạn thảo cũng cho thấy chưa thật sự linh hoạt giữa bối cảnh hiện tại, nhất là khi ban đầu đề xuất phương án giảm thuế bảo vệ môi trường đối với xăng chỉ giảm có 1.000 đồng/lít và 500 đồng/lít, kg với dầu, mỡ nhờn, áp dụng từ ngày 1/4/2022 tới hết năm 2022.

"Lẽ ra, Bộ Tài chính cần phải nghiên cứu thực tế, tính toán cụ thể và có đề nghị giảm mức thuế bảo vệ môi trường đối với xăng là 2.000 đồng/lít; dầu diesel, dầu mazut, dầu nhờn là 1.000 đồng/lít; mỡ nhờn là 1.000 đồng/kg... ngay từ đầu chứ không phải đợi đến khi giá dầu trên thị trường quá cao, không thể "đỡ" nổi mới quyết định giảm 50% thuế như đề xuất hiện nay", ông Phong nói.

PGS.TS Ngô Trí Long, nguyên Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu thị trường giá cả (Bộ Tài chính) cho rằng, điều hành xăng dầu cần phải đảm bảo hài hòa lợi ích của doanh nghiệp - nhà nước và người dân. Việc giảm thuế để giảm giá xăng dầu có thể thực hiện được, nhưng cơ quan chức năng cần xem xét, cân nhắc nhưng phải tính toán đến cân đối, để vừa đảm bảo nguồn thu và nhiệm vụ chi trong thời gian tới. Phương án tối ưu ở thời điểm này là giảm thuế bảo vệ môi trường, vì đây thuộc thẩm quyền của Ủy ban Thường vụ Quốc hội.

Tuy việc giảm thuế, phí là cần thiết để điều hành giá xăng dầu xong TS. Đinh Trọng Thịnh cũng lưu ý thuế đối với xăng dầu là chính sách dài hạn của Chính phủ để đảm bảo nguồn thu cho ngân sách nhà nước. Giảm thuế xăng dầu sẽ làm giảm nguồn thu của ngân sách nhà nước, giảm các khả năng chi tiêu của Chính phủ cho các mục tiêu hồi phục và phát triển kinh tế, bảo vệ môi trường và hỗ trợ an sinh xã hội, giúp đỡ những nhóm lao động yếu thế trong xã hội. Do vậy cần được tính toán cẩn trọng.

Hiện giá bán xăng dầu trong nước tăng cao nhất từ trước đến nay. Mức giá mới nhất được Tập đoàn Xăng dầu Việt Nam áp dụng từ 15h ngày 13-6 với xăng RON 95-V vùng 2 đã đạt đỉnh 33.620 đồng/lít, dầu diesel được bán 30.410 đồng/lít.

Vào tháng 3, trước áp lực giá xăng dầu thế giới tăng cao, Bộ Tài chính đã báo cáo Chính phủ trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội chấp thuận giảm thuế bảo vệ môi trường đối với xăng dầu.Theo đó, từ ngày 1-4, thuế bảo vệ môi trường đối với xăng giảm một nửa, còn 2.000 đồng/lít, giúp giá xăng giảm 2.200 đồng/lít. Còn thuế đối với dầu diesel, dầu nhờn, mazut giảm 1.000 đồng/lít, cũng giúp giá bán nhóm mặt hàng này giảm khoảng 1.100 đồng.

Nguồn tin: Sức khỏe & Đời sống 

ĐỌC THÊM