Trong khi các công cụ bình ổn giá xăng dầu đã hết dư địa thì việc giảm thuế bảo vệ môi trường và nhiều loại thuế, phí khác trở nên cấp thiết để hạ nhiệt giá xăng.
Vào ngày 24-2, việc Nga tiến hành tấn công quân sự Ukraine đã đẩy giá dầu thế giới tăng sốc lên 102 USD/thùng. Với giá dầu thế giới vượt lên trên 100 USD/thùng, giá xăng Việt Nam có khả năng sẽ tiếp tục thiết lập mức kỷ lục mới vào kỳ điều hành tới đây (ngày 1-3).
Do đó, việc giảm thuế bảo vệ môi trường (BVMT) với xăng cần tiến hành thật nhanh để giảm các cú sốc kinh tế cho người dân và doanh nghiệp.
Giá xăng lại chực chờ tăng
Bán được hơn 500 bộ áo dài hồi trước tết, chưa kịp vui, chị Mộng Thúy (chủ một tiệm thời trang ở quận 3, TP.HCM) đã cảm thấy ngộp thở vì chi phí nhiều loại nguyên liệu tăng ngay sau tết.
“Ngay đầu năm, các nhà cung cấp đã thông báo điều chỉnh tăng giá nguyên vật liệu để may quần áo. Họ chỉ thông báo đơn giản, giá xăng tăng khiến chi phí tăng. Tạm thời tôi chưa dám nâng giá bán sản phẩm mà gánh phần chi phí này để có đơn hàng sản xuất nuôi nhân viên. Nhưng nếu giá xăng cứ tăng mạnh thì cũng khó cầm cự lâu” - chị Thúy chia sẻ.
Không chỉ chị Thúy mà rất nhiều nhà sản xuất, kinh doanh cũng rơi vào tình cảnh tương tự do giá xăng dầu leo thang. Theo đó, ngày 21-2, lần đầu tiên giá xăng Việt Nam tăng lên mức kỷ lục trên 26.000 đồng/lít. Nhiều khả năng giá xăng dầu Việt Nam sẽ tiếp tục tăng mạnh do biến động giá dầu thô thế giới khi xung đột vũ trang giữa Nga và Ukraine leo thang, cộng với các biện pháp trả đũa Nga của phương Tây và Mỹ.
Đà tăng của giá xăng dầu đang gây áp lực lên lạm phát tại Việt Nam. Theo Tổng cục Thống kê, giá xăng dầu tăng 10% thì chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tăng 0,34%. Xăng dầu tăng tác động đến vận tải hành khách bằng đường sắt, hàng không, đường bộ, đường thủy... và vận chuyển hàng hóa. Từ đó làm tăng chi phí sản xuất các mặt hàng sử dụng xăng dầu làm đầu vào cho sản xuất, kéo theo các mặt hàng khác trong nhóm hàng hóa, dịch vụ tăng theo.
Hiện giá xăng A95 ở mức trên 26.000 đồng/lít, mức cao nhất lịch sử.
Ảnh: HOÀNG GIANG
Đang nghiên cứu Liên quan đến chính sách thuế đối với mặt hàng xăng dầu, ông Nguyễn Anh Tuấn, Cục trưởng Cục Quản lý giá Bộ Tài chính, cho biết cơ quan này đang phối hợp chặt chẽ với các bộ, ngành có liên quan theo dõi sát sao diễn biến giá xăng dầu trên thị trường trong nước và thế giới. Từ đó nghiên cứu, tham mưu, báo cáo cấp có thẩm quyền về các chính sách có liên quan, đảm bảo phù hợp với bối cảnh và thực tiễn, tránh tác động bất lợi lên lạm phát. Trước đó, Bộ Công Thương từng kiến nghị giảm thuế, phí với xăng dầu, như giảm thuế BVMT. |
Giảm thuế, phí: Cần làm ngay
Ngày 22-2 vừa qua, Thủ tướng Phạm Minh Chính đã yêu cầu Bộ Tài chính chủ trì, phối hợp với Bộ Công Thương cùng các cơ quan liên quan khẩn trương nghiên cứu, đề xuất phương án điều chỉnh chính sách thuế BVMT đối với mặt hàng xăng dầu. Đề xuất phương án giảm thuế của hai bộ cần được báo cáo Thủ tướng trước ngày 28-2.
Đánh giá về biện pháp này, TS Vũ Thị Hồng Nhung, giảng viên kinh tế Khoa kinh doanh và quản trị ĐH RMIT Việt Nam, nói: Nếu tính theo giá xăng dầu được điều chỉnh vào ngày 21-2 vừa qua, riêng mức thuế BVMT đã chiếm đến 15% và 10% trong giá bán của hai mặt hàng này.
“Năm 2022 là năm có ý nghĩa quan trọng cho quá trình phục hồi của cả nền kinh tế. Vì vậy, việc kiểm soát và giảm giá xăng dầu thông qua cắt giảm thuế BVMT sẽ tác động tích cực trong việc hỗ trợ sản xuất cho các doanh nghiệp, giúp các doanh nghiệp cung cấp sản phẩm và dịch vụ với giá thành hợp lý” - TS Nhung nói.
Vị chuyên gia này cũng cho rằng chi tiêu cho xăng dầu chiếm đến 1,5% trong tổng tiêu dùng cuối cùng của hộ gia đình. Vì vậy, việc giảm giá xăng dầu sẽ không tạo ra áp lực chi tiêu trong hộ gia đình, giúp kích thích tiêu dùng, tăng tổng cầu của nền kinh tế.
“Việc giảm giá xăng bằng cách sử dụng Quỹ bình ổn giá xăng dầu hiện không còn dư địa. Như vậy, việc giảm giá xăng dầu chỉ có thể thực hiện qua việc giảm các khoản thuế, phí, trong đó có thuế BVMT còn nhiều dư địa để giảm. Trước mắt có thể cắt giảm 1.000 đồng thuế BVMT để hỗ trợ doanh nghiệp và người dân” - TS Nhung khuyến nghị.
Đồng quan điểm, chuyên gia thuế Trần Xoa nhìn nhận giá xăng hiện nay phụ thuộc vào giá quốc tế nên việc giảm thuế BVMT xuống thì chắc chắn giá xăng sẽ hạ. Mới đây, để khuyến khích tiêu dùng, Quốc hội đã quyết định cắt giảm 2% thuế giá trị gia tăng. Trên cơ sở này đã giúp nền kinh tế mới bắt đầu phục hồi, doanh nghiệp tích cực trở lại sản xuất nhưng giá xăng tăng cao đã triệt tiêu luôn động lực này.
Do đó, việc giảm giá xăng thông qua giảm thuế BVMT sẽ kiềm chế giá các loại hàng hóa tăng “té nước theo giá xăng” và mới phục hồi kinh tế đường dài được.
“Điều quan trọng hơn là giảm thuế BVMT trong xăng còn có tác động dây chuyền làm giảm thuế giá trị gia tăng (VAT). Có nghĩa rằng thuế BVMT vốn được tính trong giá bán chưa VAT nên khi giảm thuế BVMT thì giá bán chưa VAT giảm xuống. Và khi tính mức thuế VAT trên giá này sẽ giúp giá thành xăng cũng giảm mạnh. Từ đó không tạo áp lực cho chỉ số giá tiêu dùng, hạn chế được các tác động tiêu cực đến thu nhập và chi tiêu của người dân” - ông Xoa phân tích.
Một lít xăng cõng hơn 11.000 đồng thuế, phí Hiện mỗi lít xăng A95 đang gánh 4.000 đồng thuế BVMT, với xăng E5 là 3.800 đồng/lít và dầu diesel là 2.000 đồng/lít; nhiên liệu bay là 3.000 đồng/lít. Bên cạnh thuế BVMT, mặt hàng xăng còn chịu nhiều loại thuế khác: Thuế tiêu thụ đặc biệt với xăng A95 là 10%, xăng E5 là 8%; thuế nhập khẩu 8% và thuế giá trị gia tăng 10%. Chưa hết, mỗi lít xăng bán đến tay khách hàng còn phải gánh thêm chi phí kinh doanh định mức 1.050 đồng/lít, lợi nhuận định mức 300 đồng/lít, mức trích lập quỹ bình ổn 300 đồng/lít và lợi nhuận của doanh nghiệp. Như vậy, nếu tính bình quân thì trong mỗi lít xăng, thuế và phí hiện chiếm khoảng 42%-43%, còn dầu 21%-27%. Điều này đồng nghĩa với 1 lít xăng A95 giá hơn 26.300 đồng thì người mua phải chịu 11.000-11.300 đồng thuế, phí. Thuế, phí cao là một trong những lý do chính khiến giá xăng Việt Nam đang cao hơn nhiều nước. |
Nguồn tin: Pháp luật