Cơ quan Năng lượng Quốc tế IEA cảnh báo, sự biến động toàn cầu trên thị trường năng lượng và giá sẽ tiếp tục tăng nếu không có sự thúc đẩy lớn trong đầu tư vào năng lượng sạch.
Giám đốc điều hành Fatih Birol tin rằng quá trình chuyển đổi sang không phát thải carbon ròng sẽ vẫn không ổn định, trừ khi nhu cầu năng lượng trong tương lai có thể được tài trợ.
Khi các nền kinh tế chuyển đổi từ nhiên liệu hóa thạch và các ngành công nghiệp kém bền vững hơn, nhu cầu của người tiêu dùng phải được đáp ứng bằng đầu tư năng lượng sạch trên tất cả các công nghệ và thị trường.
Ông nói, “Có một nguy cơ tiềm ẩn về sự hỗn loạn hơn đối với thị trường năng lượng toàn cầu. Chúng ta không đầu tư đủ để đáp ứng nhu cầu năng lượng trong tương lai, và những bất ổn đang tạo tiền đề cho một giai đoạn đầy biến động phía trước”.
Birol đã phác thảo quan điểm của mình trong Triển vọng Năng lượng Thế giới năm 2021 của IEA, được công bố trong bối cảnh khủng hoảng giá năng lượng đang diễn ra ở Châu Âu và Châu Á.
Giá dầu thô Brent vượt qua mức 82,88 USD/thùng, thấp hơn một chút so với mức đỉnh 84 USD vào thứ Hai, tuy nhiên, mức này vẫn cao hơn đáng kể so với giá giao dịch 73,07 USD vào ngày 20 tháng 9 trước khi có nhiều đợt phục hồi trong những tuần tiếp theo.
Trong khi đó, giá WTI đã vượt qua ngưỡng 80 đô la trong tuần trước, lần đầu tiên kể từ năm 2014.
Sự bất ổn về chi phí tăng cao đã khiến ba công ty năng lượng của Anh như Igloo, Symbio Energy và Enstroga phá sản trong tháng qua. Hiện có đồn đoán rằng bốn công ty nữa cũng đang trên bờ vực phá sản.
IEA đã cảnh báo trong báo cáo triển vọng của mình rằng cuộc khủng hoảng đã dẫn đến gia tăng việc sử dụng than và dầu, đưa thế giới vào giai đoạn tăng lượng khí thải carbon hàng năm lớn thứ hai trong lịch sử vào năm nay.
Báo cáo cũng nêu rõ rằng đầu tư vào năng lượng sạch và cơ sở hạ tầng phải tăng gấp ba lần trong thập kỷ tới để đạt được mục tiêu không phát thải carbon vào năm 2050.
IEA cho rằng các cam kết về khí hậu hiện tại sẽ chỉ dẫn đến giảm 20% mức phát thải theo kế hoạch cần thiết vào năm 2030, đây là chìa khóa để đưa thế giới đi tới con đường không phát thải ròng vào năm 2050. Điều này sẽ cần được phổ biến trên các nền kinh tế phát triển và mới nổi trên thế giới.
Birol tin rằng mặc dù một nền kinh tế mới dựa trên năng lượng sạch đang hình thành nhưng tốc độ phát triển vẫn còn quá chậm.
Ông nói, “Để đạt được con đường đó, đòi hỏi đầu tư vào các dự án năng lượng sạch và cơ sở hạ tầng cần tăng hơn gấp ba lần trong thập kỷ tới. Khoảng 70% chi tiêu bổ sung đó cần phải diễn ra ở các nền kinh tế mới nổi và đang phát triển, nơi nguồn tài chính khan hiếm và chi phí nguồn vốn vẫn đắt hơn tới bảy lần so với các nền kinh tế tiên tiến ".
IEA coi báo cáo triển vọng của mình là hướng dẫn cho hội nghị khí hậu Cop26 sắp diễn ra tại Glasgow, nhằm mục đích giữ cho mức tăng nhiệt độ 1,5 độ C là mục tiêu có thể đạt được.
Hiện tại, IEA tin rằng các cam kết về khí hậu hiện tại là quá khiêm tốn. Các biện pháp đã được chính phủ các nước công bố sẽ vẫn khiến nhiệt độ tăng 2,1 độ C vào năm 2100, trong khi các chính sách được thực hiện vẫn khiến thế giới đi theo hướng tăng 2,6 độ C. IEA cũng dự đoán nhu cầu dầu sẽ không đạt đỉnh cho đến giữa những năm 2030 nếu không có thêm hành động nào khác.
Nguồn tin: xangdau.net