Giá dầu hiện tại trên 70 USD/thùng đã bắt đầu làm trì trệ nhu cầu dầu toàn cầu và đe dọa hạ giảm dự báo tăng trưởng nhu cầu trong năm nay, Giám đốc điều hành của Cơ quan Năng lượng Quốc tế IEA Fatih Birol cho biết hôm thứ Sáu tuần trước.
Giá dầu tăng mạnh gần đây đang gây sức ép lên nhu cầu, đặc biệt là nó đang xảy ra ở các quốc gia như Trung Quốc, Mỹ và Ấn Độ, những nước tiêu thụ dầu lớn nhất thế giới, Birol nói.
"Môi trường giá dầu cao hơn, nếu chúng ở quanh mức này, có thể cũng có tác động ... gây áp lực giảm tăng trưởng nhu cầu", Birol nói với S&P Global Platts trong một cuộc phỏng vấn.
"Vì vậy, sẽ không có gì ngạc nhiên nếu chúng tôi sửa đổi con số nhu cầu của chúng tôi trong phiên bản tiếp theo của báo cáo thị trường dầu nếu giá vẫn ở mức này."
Trong báo cáo thị trường dầu hàng tháng mới nhất được công bố trong tuần trước, IEA duy trì ước tính tăng trưởng nhu cầu dầu toàn cầu năm 2019 không đổi ở mức 1,4 triệu thùng/ngày, tăng từ 1,3 triệu thùng/ngày trong năm 2018.
Nhưng giá dầu đã tăng hơn 40% kể từ cuối tháng 12/2018, với giao dịch Brent front month trên ICE ở mức cao nhất trong 5 tháng trên 71 USD/thùng, được hỗ trợ bởi việc cắt giảm sản lượng của OPEC/ngoài OPEC và gián đoạn nguồn cung ở Venezuela và Iran.
Giá dầu tăng có thể bắt đầu đe dọa nhu cầu dầu ở châu Á, đặc biệt là ở một quốc gia như Ấn Độ, nơi bắt đầu cảm thấy sức ép hơn những nước khác, Birol nói.
Ấn Độ nhập khẩu gần 80% nhu cầu thô, và giá dầu bán lẻ tăng mạnh ở nước này đang làm tăng thêm lạm phát và gia tăng khủng hoảng tài chính.
"Nó chắc chắn sẽ làm tổn thương nhu cầu dầu nếu giá cả tăng vọt đặc biệt là tại các trung tâm tăng trưởng nhu cầu quan trọng như Ấn Độ," Birol nói. "Điều này cũng có thể có tác động đối với những trung tâm tăng trưởng nhu cầu trên toàn thế giới."
Tăng trưởng nhu cầu dầu của Mỹ nói riêng có thể không mạnh trong năm nay như năm 2018 trong môi trường giá dầu hiện tại, Birol nói.
"Mỹ không chỉ có con số tăng trưởng cho sản xuất dầu mà còn là sự tăng trưởng số một về tiêu thụ dầu," ông nói thêm.
Nguy cơ ảnh hưởng đến giá cả đối với nhu cầu dầu đang trở nên trầm trọng hơn bởi những dấu hiệu lớn hơn về sự suy giảm kinh tế toàn cầu với các chỉ số ở Trung Quốc chỉ ra mức tăng trưởng yếu nhất trong ba thập kỷ qua, Birol nói.
"Chỉ cần nhớ rằng Trung Quốc chiếm một nửa tăng trưởng nhu cầu dầu toàn cầu trong 20 năm qua. Do đó, điều này có thể có ảnh hưởng ... đến triển vọng nhu cầu dầu", ông nói.
Đầu tuần trước, bộ phận nghiên cứu và phân tích của OPEC thậm chí còn bi quan hơn IEA, cảnh báo về việc tăng trưởng nhu cầu chậm lại và hạ ước tính tăng trưởng nhu cầu dầu toàn cầu trong năm nay giảm 30.000 thùng/ngày còn 1,21 triệu thùng/ngày do “các hoạt động kinh tế chậm hơn dự kiến.”
Cơ quan Thông tin Năng lượng Mỹ EIA hôm thứ Ba tuần trước dự đoán mức tiêu thụ thế giới dự kiến sẽ tăng 1,4 triệu thùng/ngày trong năm nay lên trung bình 101,38 triệu thùng/ngày.
Tuy nhiên, Birol cho rằng rủi ro về nguồn cung gây ra bởi những bất ổn địa chính trị ở các quốc gia như Venezuela, Iran, Libya và Algeria đang khiến ông "lo lắng".
"Một số phát triển ở các quốc gia này có ý nghĩa [đối với] thị trường dầu mỏ và điều này cũng có thể đẩy giá đi lên nếu những phát triển như vậy xảy ra", ông nói.
Sản xuất ở Venezuela đã sụt giảm nghiêm trọng khi chế độ Nicolas Maduro phải chịu áp lực từ các lệnh trừng phạt của Mỹ cùng với việc mất điện trên diện rộng do khủng hoảng kinh tế của đất nước ngày càng tồi tệ. Iran, cũng nằm dưới lệnh trừng phạt của Mỹ, đã chứng kiến sản lượng của mình giảm dần trong 7 tháng qua.
Nhà sản xuất lớn thứ ba của châu Phi, Libya, đang rơi vào một vòng xung đột vũ trang khác do sự leo thang bạo lực giữa hai phe phái chính trị vũ trang đối thủ.
Cũng có những lo ngại về việc liệu Algeria sẽ trải qua một quá trình chuyển đổi chính trị suôn sẻ hay không sau khi Tổng thống Abdelaziz Bouteflika từ chức vài tuần trước.
Trước đó cùng ngày, ông Birol đã gặp Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe và ông nói rằng "chính phủ đang mong đợi sự đóng góp của chúng tôi cho một báo cáo hydro lớn sẽ là chủ đề chính cho cuộc họp G20 tại Nhật Bản."
"Báo cáo hydro này sẽ xem xét cách chúng ta có thể sử dụng năng lượng tái tạo và cả hệ thống khí tự nhiên để giải quyết vấn đề an ninh năng lượng và môi trường," ông nói thêm.
Nhật Bản sẽ tổ chức hội nghị thượng đỉnh G20 tại Osaka từ ngày 28-29/6 sau khi tổ chức cuộc họp cấp bộ trưởng về chuyển đổi năng lượng và môi trường toàn cầu để tăng trưởng bền vững trong hai ngày 15-16 tháng 6 tại Karuizawa ở quận Nagano.
Nguồn xangdau.net (theo Platts)