Xăng E5 đã được nói đến từ lâu, song mới chỉ được sử dụng đại trà trên toàn quốc độ hai tháng nay. Tháng trước, Bộ Công Thương cho biết số lượng người dùng loại xăng này đang tăng nhanh, nhưng mới đây một doanh nghiệp trong ngành kiến nghị cho sử dụng trở lại xăng khoáng RON 92 (còn gọi là A92) nếu không có giải pháp khả thi đẩy mạnh sức mua xăng E5.
Vấn đề của xăng E5 chưa hẳn là giá bán, mà nằm ở tâm lý người tiêu dùng. Ảnh: Thành Hoa
Chưa như kỳ vọng
Công ty TNHH MTV Dầu khí TP. Hồ Chí Minh (Saigon Petro) đã nhiều lần gửi văn bản kiến nghị liên quan đến việc kinh doanh và sử dụng xăng E5 RON 92 (gọi tắt là xăng E5) cho Bộ Công Thương và Bộ Tài chính. Lần này, trong văn bản số 452/CV-DK-KD, ngày 7/3/2018, SaigonPetro kiến nghị một số nội dung có liên quan đến thuế bảo vệ môi trường (BVMT) và chính sách phát triển xăng sinh học E5 trên thị trường trong thời gian tới.
Cụ thể, Saigon Petro đề nghị Bộ Công Thương cùng Bộ Tài chính tổng hợp số liệu về sản lượng tiêu thụ xăng E5. Nếu nhận thấy sản lượng tiêu thụ thấp thì nên có các biện pháp cần thiết để khuyến khích người tiêu dùng sử dụng xăng E5, cũng như hỗ trợ các thương nhân trong hệ thống kinh doanh xăng dầu, nhất là các doanh nghiệp đầu mối đang đầu tư hệ thống phối trộn xăng E5 quy mô lớn.
Đại diện Saigon Petro cho rằng, nếu như mục tiêu bảo vệ môi trường (theo kế hoạch triển khai xăng E5) đề ra không đạt, sức mua kém, khó khăn trong triển khai… thì nên quay lại bán xăng A92 như bình thường.
Hiện tại, các loại xe máy, ô tô có nhu cầu sử dụng xăng RON 92 vẫn còn nhiều. Các loại xe này không cần thiết phải sử dụng xăng RON 95. Vì thế, nếu chỉ vì không thích sử dụng xăng E5 mà người tiêu dùng bỏ thêm tiền mua xăng A95 thì tốn thêm chi phí hàng tháng.
Ông Nguyễn, nhà ở quận 2, TP. Hồ Chí Minh cho biết, trước đây ông thường đổ xăng A92 cho chiếc xe Super Dream. Nay nhiều cây xăng không bán xăng A92 nữa, ông chuyển qua xăng A95. Mặc dù nhân viên bán xăng khuyên đổ xăng E5 cho rẻ, ông nói do chưa quen loại xăng này.
Trong bản kiến nghị, Saigon Petro dẫn số liệu về sản lượng xăng A92 tiêu thụ bình quân từ năm 2017 trở về trước là khoảng 6.000.000 m3/năm, tương ứng 500.000 m3/tháng. Nếu tính sản lượng tiêu thụ xăng E5 thì chỉ bằng 50% lượng xăng A92. Như vậy sẽ có nhiều người chuyển sang xăng A95.
Những người trong ngành tính toán, với mức chênh lệch giá giữa xăng E5 và xăng A95 trên thị trường hiện nay là 1.600 đồng/lít, số tiền do các phương tiện chuyển qua sử dụng xăng A95 (để thay cho A92) ước tính khoảng 400 tỉ đồng/tháng (250.000 m3).
Trên thực tế, sản lượng xăng E5 RON 92 tiêu thụ trong hai tháng đầu năm 2018 vẫn còn thấp so với sản lượng bán xăng A92 trước đây. Theo ước tính của một số doanh nghiệp đầu mối xăng dầu, lượng xăng E5 tiêu thụ chiếm khoảng 30% trên tổng lượng xăng bán ra, có những cây xăng chỉ bán xăng A95, không bán xăng E5. Trong khi xăng A92 trước đây chiếm hơn 65%.
Làm sao để tăng?
Trong bản kiến nghị, ông Trần Thế Truyền, Tổng giám đốc Saigon Petro, cho rằng bên cạnh việc tăng thuế BVMT xăng khoáng RON 95 từ 3.000 đồng/lít lên 4.000 đồng/lít, các bộ ngành cũng cần xem xét giảm thuế BVMT cho xăng E5 xuống thêm 500 đồng/lít, hoặc không tính thuế BVMT cho xăng E5 theo tỷ lệ ethanol như hiện nay. Mục tiêu của giải pháp này là tạo ra mức chênh lệch giá bán lẻ giữa xăng E5 và xăng khoáng RON 95 khoảng 2.000-2.500 đồng/lít.
Theo ông, giá bán xăng E5 có thấp hơn xăng khoáng thì người tiêu dùng mới tích cực chuyển qua sử dụng, nhằm giảm chi phí đổ xăng hàng tháng. Hiện nay, xăng A95 có giá bán 19.980 đồng, còn xăng E5 có giá bán 18.340 đồng, chênh lệch khoảng 1.640 đồng (theo giá bán ngày 13/3).
Đây cũng là giải pháp ổn thoả cho đôi bên, không giảm nguồn thu ngân sách (tăng thuế BVMT đối với xăng khoáng) nhưng khuyến khích người tiêu dùng sử dụng xăng E5 để bảo vệ môi trường. Người nào sử dụng xăng khoáng RON 95 sẽ phải chấp nhận giá xăng cao hơn.
Với quy định hiện hành, mức thuế BVMT đối với nhiên liệu có tiêu chuẩn khí thải mức VI với nhiên liệu mức II đang ngang bằng nhau. Hiện tại, thuế BVMT của xăng E5 với dầu Diezel bằng nhau (1.500 đồng/lít). Điều đó đã khiến cho giá bán xăng E5 chưa thể thấp hơn nhiều so với xăng khoáng, chưa thu hút sự quan tâm của người tiêu dùng.
Trước đó, các doanh nghiệp đầu mối xăng dầu kiến nghị cần ưu đãi, áp dụng thuế BVMT đối với nhiên liệu sạch (tiêu chuẩn khí thải cao), xăng sinh học/E5 thấp hơn so với nhiên liệu có tiêu chuẩn thấp. Ví dụ, có thể áp dụng mức thuế bảo vệ môi trường đối với xăng sinh học E5 và E10 lần lượt bằng mức 80% và 70% so mức thuế của xăng khoáng.
Có ý kiến cho rằng, đây cũng là một kiến nghị gắn với quyền lợi người tiêu dùng. Về nguyên tắc, doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu bán xăng E5 hay xăng A95 cũng đều có lợi nhuận, thậm chí khi chuyển qua bán xăng A95 họ còn có mức lợi nhuận tốt hơn.
Nguồn tin: tapchitaichinh.vn