Tại mỗi kỳ điều chỉnh giá xăng, các cơ quan điều hành giá nên làm rõ và minh bạch cách tính giá xăng dầu. Bất kỳ người dân, lãnh đạo doanh nghiệp nào còn thắc mắc về điều chỉnh giá xăng dầu có thể tra cứu và nắm được.
Mới đây, giá xăng trong nước đã được điều chỉnh giảm lần đầu tiên sau 7 kỳ tăng liên tiếp. Theo đó, giá bán lẻ trong nước với xăng RON 95 giảm 632 đồng/lít còn 29.192 đồng/lít; xăng E5 RON 92 giảm 655 đồng/lít còn 28.330 đồng/lít.
Theo liên bộ Công Thương - Tài chính, đà giảm này do giá bình quân các sản phẩm xăng dầu trên thị trường thế giới giữa 2 kỳ điều chỉnh (ngày 11/3 và 21/3) giảm. Cụ thể, xăng RON 92 giảm 7,82%, xăng RON 95 giảm 7,3% và dầu diesel giảm 15,74% so với kỳ trước. Thế nhưng, mức giảm đối với giá xăng, dầu trong nước tại kỳ điều chỉnh ngày 21/3 chỉ ở mức 2,9% với xăng RON 95; 2,3% với xăng E5 RON 92 và 6,9% với dầu diesel.
Việc điều chỉnh giảm "nhỏ giọt" sau chuỗi 7 lần tăng "sốc" liên tiếp khiến không ít người dân và doanh nghiệp cảm thấy hụt hẫng. Họ từng kỳ vọng rằng giá xăng, dầu sẽ giảm sâu khi mà giá xăng dầu thế giới có dấu hiệu hạ nhiệt.
Cần rõ ràng, minh bạch
Trao đổi với Tạp chí điện tử Kinh tế Môi trường, một vị chuyên gia kinh tế phân tích, mức giảm của giá xăng trong nước không chỉ phụ thuộc vào giá thế giới, mà còn chịu tác động bởi các loại thuế, phí và quỹ bình ổn giá.
"Theo tôi được biết thì trong lần điều chỉnh ngày 21/3, cơ quan quản lý đã không sử dụng quỹ bình ổn giá mà ngược lại còn trích lập quỹ này nhằm tạo dư địa để điều hành giá cho các kỳ tiếp theo.
Về cơ bản, động thái này của cơ quan quản lý không sai, nhưng lại vô tình khiến cho một số người dân và doanh nghiệp cảm thấy thất vọng. Đây không phải là lần đầu tiên xảy ra việc tăng giá "sốc" rồi giảm "nhỏ giọt", trong quá khứ không ít lần diễn ra sự việc tương tự", vị chuyên gia chia sẻ.
Vị chuyên gia kinh tế nhấn mạnh, ngoài việc giảm thuế bảo vệ môi trường, đã đến lúc cơ quan quản lý xem xét bỏ lợi nhuận định mức và thuế tiêu thụ đặc biệt đối với các mặt hàng xăng, dầu. Bởi lẽ, đây là những loại thuế, phí có phần bất hợp lý mà mỗi lít xăng, dầu đang phải "gánh".
Ở một góc nhìn khác, TS Vũ Đình Ánh - Chuyên gia kinh tế cho rằng, để tránh dư luận bức xúc về việc xăng tăng phi mã, giảm nhỏ giọt, tại mỗi kỳ điều chỉnh giá xăng, các cơ quan điều hành giá nên làm rõ và minh bạch cách tính giá xăng dầu. Bất kỳ người dân, lãnh đạo doanh nghiệp nào còn thắc mắc về điều chỉnh giá xăng dầu có thể tra cứu và nắm được.
"Xăng dầu đang là gánh nặng của người dân và doanh nghiệp. Việc điều hành giá xăng dầu đã có quy định, nhưng tôi cho rằng nên công khai cụ thể cách tính để người dân nắm được vì sao có con số giảm 630 – 650 đồng cho mỗi lít xăng?", ông Ánh đề xuất.
Nhìn nhận sự việc một cách lạc quan hơn, ông Bùi Danh Liên - Phó Chủ tịch Hiệp hội Vận tải Hà Nội cho rằng, việc điều chỉnh giá xăng giảm 650 đồng/lít là tín hiệu tốt.
"Giá xăng dầu giảm tuy không nhiều song đó là tín hiệu tốt. Giá dầu thế giới đang có dấu hiệu hạ nhiệt, cộng với việc điều chỉnh thuế bảo vệ môi trường trong thời gian tới, hi vọng rằng trong đợt điều chỉnh tiếp theo giá xăng sẽ giảm sâu hơn. Giá xăng giảm cho thấy được sự cầu thị của Chính phủ, sau khi lắng nghe ý kiến đóng góp của các chuyên gia và doanh nghiệp", Phó Chủ tịch Hiệp hội Vận tải Hà Nội chia sẻ.
Lý giải của cơ quan quản lý
Theo lý giải của cơ quan điều hành, thị trường xăng dầu thế giới tiếp tục diễn biến phức tạp. Giá xăng, dầu sau khi giảm trong những ngày giữa tháng 3 lại có xu hướng tăng trở lại.
Bên cạnh đó, để có dư địa điều hành giá trong các kỳ tới khi thị trường còn diễn biến phức tạp và để giá các mặt hàng xăng dầu trong nước biến động theo xu hướng thế giới, liên bộ quyết định giảm chi sử dụng quỹ bình ổn và bắt đầu trích lập quỹ này từ 50-400 đồng/lít đối với một số mặt hàng.
Do vậy, đây cũng là một yếu tố khiến giá xăng giảm ít hơn ở mức 655 đồng/lít với xăng E5 RON 92, 632 đồng/lít với RON 95 và dầu diesel giảm 1.630 đồng/lít.
Theo liên bộ việc này để giảm áp lực cho quỹ bình ổn và có dư địa để điều hành giá cho các kỳ tiếp theo, bảo đảm góp phần thực hiện mục tiêu kiểm soát lạm phát và bình ổn thị trường.
Mới đây, Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên cho biết, nếu giá dầu thô thế giới tiếp tục tăng thì sẽ phải tính giảm thêm các công cụ thuế, phí khác, đồng thời kết hợp các chính sách an sinh, xã hội.
Ngoài ra, quỹ bình ổn giá xăng dầu có thể được xem xét thay đổi cơ chế huy động tiền, tăng quỹ lên, tuân thủ quy luật thị trường. Tuy nhiên, ông Diên không loại trừ khả năng tạo nguồn cho quỹ từ ngân sách.
Nguồn tin: Kinh tế môi trường