Giới chuyên gia có chung nhận định việc điều hành giá xăng dầu hiện nay rất phức tạp, chưa cạnh tranh đúng theo bản chất thị trường.
Trong kỳ điều chỉnh gần nhất, giá xăng giảm 200 đồng (với E5RON92) và 592 đồng (với RON95) sau 3 lần tăng liên tục tổng cộng 3.600 đồng/lít. Đáng nói, giá xăng dầu thế giới trong 15 ngày trước điều chỉnh giảm mạnh. Điệp khúc xăng tăng “ngấu nghiến”, giảm “nhỏ giọt” được lặp lại, tại sao vậy?
Xăng thế giới trong 15 ngày qua giảm mạnh nhưng giá xăng trong nước chỉ giảm nhẹ từ 200 - 592 đồng/lít. (Ảnh: H.H)
Trả lời VTC News sáng 19/5, ông Ngô Trí Long, nguyên Viện trưởng Viện Quản lý giá (Bộ Tài chính) cho rằng “nghịch lý” nói trên xuất phát từ việc sử dụng Quỹ bình ổn xăng dầu.
“Nhà nước có 3 van để điều tiết là giá, thuế và quỹ bình ổn. Khi giá xăng dầu thế giới tăng cao, để điều tiết thị trường, tránh giá xăng dầu trong nước cũng tăng cao như thế giới, Liên bộ Công Thương – Tài chính sẽ trích quỹ bình ổn để giữ giá xăng, dầu tăng trong phạm phi đã được tính toán”, ông Long nói.
Theo ông Long, nhà nước sử dụng quỹ bình ổn nhằm phục vụ mục tiêu kinh tế vĩ mô, kiềm chế lạm phát. “Điều hành giá xăng dầu hiện nay rất phức tạp và khó khăn. Giá xăng, dầu thế giới lên xuống thất thường, ra ngoài tầm kiểm soát, nhiều khi không phụ thuộc và quy luật cung – cầu mà phụ thuộc vào địa chính trị. Nên việc điều hành giá trong nước hiện nay vẫn đảm bảo theo cơ chế thị trường song một mặt vẫn phục vụ mục tiêu ổn định kinh tế vĩ mô”, ông Long nói thêm.
Tuy nhiên, theo nguyên Viện trưởng Viện Quản lý giá, việc sử dụng quỹ bình ổn giá như hiện nay cũng tồn tại nhiều điểm bất hợp lý. “Nếu chỉ chăm chăm vào quỹ bình ổn mà không bám sát giá thị trường sẽ rất nguy hiểm. Nhiều doanh nghiệp âm quỹ đó, sau nhà nước không bù mà phải trích kiểu lấy thu bù chi”, ông Long cho hay.
Chuyên gia tài chính Vũ Đình Ánh cho rằng cần xem lại cơ chế điều hành giá xăng dầu trong nước, do cách điều hành hiện nay có độ trễ nên nảy sinh bất cập, thậm chí có lần điều chỉnh tăng mạnh giá trong nước trong khi giá xăng dầu thế giới lại đang có xu hướng giảm.
“Tôi cho rằng cần xem lại giá xăng dầu trong nước, nhất là tới đây, khi Nhà máy Lọc dầu Nghi Sơn đi vào hoạt động ổn định, Việt Nam tự chủ sản xuất được 80% nhu cầu. Nên căn cứ điều chỉnh xăng dầu trong nước không thể hoàn toàn theo giá xăng dầu nhập khẩu nữa”, ông Ánh nói.
Theo TS Lê Đăng Doanh, nguyên Viện trưởng Viện Quản lý kinh tế trung ương, chính sách lợi nhuận định mức với các doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu hiện nay không hợp lý, triệt tiêu nỗ lực sáng tạo của doanh nghiệp.
“Trong khi người dân, doanh nghiệp vận tải, sản xuất điêu đứng vì giá xăng dầu liên tục tăng cao thì bản thân các doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu lại được đảm bảo ổn định thu nhập với chính sách tính lợi nhuận định mức 300 đồng/lít. Đây là một nghịch lý của thị trường cạnh tranh”, ông Doanh nói.
Cùng chung quan điểm, TS Lê Xuân Nghĩa, nguyên Phó chủ tịch Ủy ban giám sát tài chính quốc gia cho rằng việc đảm bảo lợi nhuận sẽ không khuyến khích các doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu tiết kiệm chi phí, đặc biệt là quản lý chất lượng xăng, điều này ảnh hưởng trực tiếp đến quyền lợi người tiêu dùng.
Đồng thời, đánh mất đi môi trường cạnh tranh công bằng giữa các công ty kinh doanh xăng dầu.
Theo ông Ngô Trí Long cơ quan quản lý cần tính toán lại chính sách định mức lợi lợi nhuận định mức xăng dầu.
“Với cơ chế thị trường, không nên tồn tại chính sách bán 1 lít xăng, dầu là đương nhiên lãi 300 đồng được. Khi giá xăng thế giới tăng quá cao, doanh nghiệp cũng phải chia sẻ với nhà nước và người dân”, ông Long nhận định.
Nguồn tin: vtc.vn