Để sử dụng Xangdau.net, Vui lòng kích hoạt javascript trong trình duyệt của bạn.

To use Xangdau.net, Please enable JavaScript in your browser for better use of the website.

Loader

Giá xăng tăng mạnh, gánh nặng đè lên người tiêu dùng và doanh nghiệp

 Trong kỳ điều chỉnh giá xăng dầu ngày 26.6, giá xăng tăng mạnh, trong đó xăng RON 95 vọt lên gần 21.000 đồng/lít. Đây là mức tăng cao kỷ lục trong vòng 1,5 năm trở lại đây. Giá xăng dầu tăng “chóng mặt” khiến người dân không khỏi lo lắng bởi giá hàng hóa trong những ngày tới có thể sẽ tăng theo giá xăng dầu, tác động lớn đến chi tiêu hằng ngày.

“Xăng tăng cộng thêm dịch bệnh, chúng tôi không có lãi”

Ngày 26.6, Liên Bộ Tài chính - Công Thương quyết định điều chỉnh giá bán lẻ xăng dầu theo chu kỳ 15 ngày/lần. Theo đó, giá xăng RON 95 được điều chỉnh tăng 752 đồng/lít, xăng E5 RON 92 tăng 712 đồng/lít. Mức giá bán lẻ tối đa với xăng E5 RON 92 là 19.760 đồng/lít và xăng RON 95 là 20.916 đồng/lít.

Như vậy, giá các mặt hàng xăng trong nước có lần tăng thứ hai liên tiếp và đạt mức cao nhất kể từ ngày 30.1.2020. Trong hơn 7 tháng qua (từ ngày 11.11.2020), giá xăng E5 RON 92 tăng tổng cộng 5.875 đồng/lít, xăng RON 95 tăng 6.215 đồng/lít.

Việc phụ thuộc nhiều vào giá xăng dầu nhập khẩu khiến giá xăng dầu trong nước tăng liên tiếp trong thời gian qua khiến dư luận không khỏi lo ngại về nguy cơ giá cả các mặt hàng khác sẽ bị đẩy lên cao. Nhiều người dân, doanh nghiệp đã có phản hồi không mấy tích cực về giá xăng dầu, nhất là trong bối cảnh dịch COVID-19 hoành hành, đang gây ra nhiều khó khăn cho sản xuất, kinh doanh và đời sống sinh hoạt.

Mỗi ngày chạy xe khoảng 50km, trong đó có 30km là có khách với doanh thu 300.000 đồng/ngày, song tiền xăng lên tới gần 100.000 đồng, anh Nguyễn Văn Giản - tài xế của hãng taxi G7 than thở “chạy xe gần như không có lãi”. Thậm chí là lỗ nếu giá xăng tiếp tục tăng vào các kỳ điều chỉnh tới, cộng thêm các chi phí gọi đàm của hãng, phí cầu đường, khấu hao xe...

Trao đổi với Lao Động, anh Nguyễn Mạnh Tú - Chủ nhà xe Mạnh Béo chạy tuyến Hải Dương - Hà Nội cho hay, xe anh chạy dầu, mỗi một lượt chạy cả chiều đi và chiều về mất 350.000 tiền dầu, nay anh phải đổ 410.000 đồng mới đầy bình vì giá xăng dầu tăng nhanh.

“Do ảnh hưởng của dịch bệnh, cộng với việc xăng tăng giá khiến tôi phải tăng giá vé lên. Bên cạnh đó, cũng phải cắt số lượng xe từ 10 xe xuống còn 5 xe chạy tuyến Hải Dương - Hà Nội. Nếu không làm thế thì doanh nghiệp vận tải như chúng tôi chết đói” - anh Tú bộc bạch.

Anh Trần Văn Tuấn - tài xế GrabBike kiêm shipper cũng than thở về việc giá xăng tăng mạnh khiến giới tài xế chạy dịch vụ gặp khó khăn. Những hôm chạy nhiều, anh kiếm được khoảng 500.000 đồng, trong đó, anh phải trả 27% cho Grab, trừ tiền xăng gần 100.000 đồng, tính ra mỗi ngày anh chỉ được hơn 200.000 đồng.

“Trước đây, mỗi 1 đơn hàng trong nội thành, mỗi một shipper được khoảng 10.000 - 15.000 đồng, nay giá xăng tăng, mỗi đơn hàng chỉ còn 6.000 - 7.000 đồng” - anh Tuấn nói.

Biến động giá xăng dầu tăng cũng ảnh hưởng trực tiếp đến đời sống người tiêu dùng và các cơ sở kinh doanh, buôn bán. Theo một số tiểu thương ở Hà Nội, giá hàng hóa sẽ không tăng ngay sau khi giá xăng dầu tăng mà có độ trễ. Tuy nhiên, thời gian qua, giá xăng tăng liên tục, giảm rất ít, nên các mặt hàng rau củ quả và nhu yếu phẩm đã bắt đầu tăng nhẹ, tăng theo giá xăng dầu.

Chị Lã Thị Thu Hạnh - chủ quán bún chả trên phố Trần Thái Tông (Cầu Giấy, Hà Nội) - cho biết, cùng với giá xăng, các mặt hàng thiết yếu như dầu ăn, mì chính, nước mắm, rau xanh... cũng đồng loạt tăng nhẹ. Ví dụ, mặt hàng dầu ăn tăng từ 800 - 900 đồng/chai, thậm chí cao hơn.

“Tôi mới mua một can dầu ăn về làm hàng, một chai dầu ăn Cái Lân tăng từ 28.000 đồng/can 1 lít, nay tăng lên 29.000 đồng/chai 1 lít; rau xanh cũng tăng nhẹ, như rau xà lách tăng từ 30.000/kg lên 32.000 đồng/kg... Mỗi thứ tăng một ít, cộng vào khiến tôi phải tăng một suất bún chả từ 30.000 đồng - 35.000 đồng” - chị Yến nói.

Xăng dầu tăng - doanh nghiệp phải giảm tối đa chi phí

Trao đổi với Lao Động, chuyên gia kinh tế - TS Cấn Văn Lực phân tích, giá dầu thế giới tăng có thể tác động tiêu cực đến tiêu dùng của người dân và hoạt động của doanh nghiệp trong nước. Các doanh nghiệp, đặc biệt là doanh nghiệp vận tải sẽ chịu áp lực tăng chi phí đầu vào khi giá xăng dầu tăng, từ đó có thể dẫn đến tăng giá thành sản phẩm.

Đó cũng là quan điểm của ông Bùi Danh Liên - Phó Chủ tịch Hiệp hội Vận tải TP.Hà Nội. Theo ông Liên, xăng dầu là mặt hàng đầu vào của hầu hết các lĩnh vực, nên khi giá xăng tăng như thời gian qua theo quy luật kinh tế thị trường, mua đắt bán đắt, mua rẻ bán rẻ nên việc giá xăng dầu tăng sẽ có nguy cơ đẩy giá các mặt hàng theo kiểu “té nước theo mưa”.

“Giá xăng dầu liên tục tăng khiến các nhà kinh doanh đau đầu vì phải tính toán các phương án cân đối chi phí phát sinh để không lỗ, không mất khách hàng. Trong đó, các công ty vận tải chịu áp lực rất lớn do giá xăng dầu chiếm khoảng 35-40% chi phí đầu vào” - ông Liên nhấn mạnh.

PGS-TS Đinh Trọng Thịnh - chuyên gia tài chính - cho hay, để làm chậm đà tăng giá xăng dầu, Việt Nam đã có quỹ bình ổn giá xăng dầu. Tuy nhiên, với đà tăng liên tục thì quỹ bình ổn hạn hẹp cũng khó đủ sức kiềm chế đà tăng giá xăng dầu.

Do vậy, trước mắt về phía các doanh nghiệp sản xuất phải kiểm tra, giám sát chặt chẽ hoạt động của mình để giảm tối đa các mức chi phí, đặc biệt là những đơn vị sử dụng nhiều xăng dầu. Mặt khác, doanh nghiệp cũng phải đa dạng hóa nhiên liệu để không bị phụ thuộc, chịu tác động quá nhiều khi giá xăng dầu tăng.

Trước những ý kiến lo ngại giá xăng dầu tăng khiến tình trạng “té nước theo mưa” của một số loại hàng hóa, để có thể giữ tốc độ tăng chỉ số CPI ở mức dưới 4% trong năm 2021 như chỉ tiêu của Quốc hội, chuyên gia này cho rằng, cần thực hiện tốt một số biện pháp, như tiếp tục đẩy mạnh công tác phòng, chống dịch bệnh COVID-19 bùng phát trở lại và phòng ngừa các dịch bệnh sẽ là tiền đề tốt cho ổn định sản xuất, ổn định thị trường, bình ổn giá cả các mặt hàng.

Giữ vững ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, bảo đảm các cân đối lớn, tạo nền tảng cho phục hồi và phát triển bền vững của nền kinh tế. Tăng trưởng kinh tế sẽ là nhân tố hỗ trợ đắc lực cho việc giữ ổn định nền kinh tế, giúp tránh được tâm lý hoài nghi của các doanh nghiệp và các tầng lớp dân cư, tránh tình trạng “lạm phát do tâm lý”.

Tổng cục Quản lý thị trường (Bộ Công Thương) và Cục Quản lý giá (Bộ Tài chính) cần tăng cường kiểm tra, giám sát hoạt động giá cả, thị trường, nhất là với các hàng hóa, dịch vụ thiết yếu, đảm bảo ổn định mặt bằng giá cả. Đặc biệt, cần có sự theo dõi chặt chẽ sự biến động trên cả thị trường bất động sản và thị trường chứng khoán tránh các tình huống có thể ảnh hưởng xấu đến thị trường tài chính tiền tệ và lạm phát.

Nguồn tin: Lao động

ĐỌC THÊM