Giá dầu thế giới đang ở giai đoạn tăng mạnh trong bối cảnh triển vọng phục hồi kinh tế toàn cầu lạc quan. Các chuyên gia kinh tế cho rằng việc giá dầu tăng sẽ có những ảnh hưởng nhất định đến quá trình phục hồi sản xuất - kinh doanh của doanh nghiệp trong nước sau đại dịch.
Giá xăng dầu thế giới và trong nước liên tục leo thang.
Giá xăng dầu tăng, GDP giảm 0,5 %
Giá dầu thế giới đang trong xu hướng tăng mạnh. Tâm lý tích cực và kỳ vọng của giới đầu tư đang hỗ trợ giá dầu thô tăng cao hơn trong bối cảnh nguồn cung bị thắt chặt nhưng nhu cầu vẫn đang tăng lên khi nhiều khu vực tái mở cửa nền kinh tế. Dự báo trong thời gian tới, thị trường xăng dầu thế giới tiếp tục biến động, giá xăng dầu dự báo vẫn tăng.
Các Tổ chức dự báo năng lượng quan trọng của thế giới gồm OPEC, Tổ chức Năng lượng quốc tế và Cơ quan Thông tin Năng lượng Mỹ đều dự báo, giá dầu thô có thể chạm ngưỡng 100 USD/ thùng vào mùa hè năm 2022.
Phía Bộ Công Thương cũng thông tin, nhu cầu năng lượng (trong đó có xăng dầu) tăng do việc chuẩn bị nguồn năng lượng cho mùa đông trong khi giá khí đốt tăng, bên cạnh đó, OPEC+ quyết định không gia tăng sản lượng khai thác so với kế hoạch...
Nhiều yếu tố tác động làm giá xăng dầu thành phẩm trên thị trường thế giới tăng mạnh. Điều này cũng tác động nhiều đến giá bán lẻ xăng dầu trong nước.
Trong nước giá xăng dầu bình quân 9 tháng năm 2021 tăng 24,1% so với cùng kỳ năm trước. Tại kỳ điều chỉnh gần đây nhất vào ngày 11/10 vừa qua, giá xăng E5RON92 đã được điều chỉnh tăng 967 đồng/lít; Xăng RON95-III tăng 934 đồng/lít…
Xăng dầu là mặt hàng đầu vào của nhiều hoạt động sản xuất kinh doanh, nên theo các chuyên gia kinh tế, khi giá xăng tăng đương nhiên tác động tới phương án kinh doanh của doanh nghiệp (DN). Cụ thể, giá xăng dầu tăng có tác động rất mạnh tới các ngành sử dụng nhiều xăng dầu như: đánh bắt thuỷ sản, vận tải hàng hoá và hành khách đường bộ, đường thuỷ và đường hàng không.
Bên cạnh đó giá xăng tăng cũng làm tăng giá thành sản phẩm, tạo áp lực lên lạm phát, giảm sức cạnh tranh của hàng hoá sản xuất trong nước, tác động xấu đến tăng trưởng kinh tế…
Trao đổi với báo chí, ông Nguyễn Bích Lâm, nguyên Tổng cục trưởng Tổng cục Thống kê phân tích, đối với nền kinh tế Việt Nam, khi giá xăng dầu tăng 10% làm GDP giảm khoảng 0,5 %. Không những thế, giá xăng dầu trực tiếp làm tăng chỉ số giá tiêu dùng (CPI), ảnh hưởng đến thu nhập và chi tiêu của người dân. Khi giá xăng dầu tăng 10% làm cho chỉ số CPI tăng 0,36 điểm phần trăm.
Do chi tiêu cho xăng dầu chiếm 1,5% trong tổng tiêu dùng cuối cùng của hộ gia đình nên khi giá xăng dầu tăng cao, hộ gia đình sẽ cơ cấu lại và cắt giảm một phần chi tiêu, điều này làm giảm tổng cầu của nền kinh tế.
Theo PSG.TS Ngô Trí Long, Việt Nam phụ thuộc nhiều vào nguyên vật liệu nhập khẩu từ bên ngoài, với tỷ lệ chi phí nguyên vật liệu nhập khẩu trong tổng chi phí nguyên vật liệu của toàn nền kinh tế là 37%. Khi giá xăng dầu thế giới tăng sẽ làm tăng giá nguyên vật liệu nhập khẩu và nguyên vật liệu trong nước. Và như vậy, giá xăng dầu tăng sẽ tác động đến các ngành sản xuất vì đây là nhiên liệu đầu vào.
Cẩn trọng xây dựng các kịch bản
Xăng dầu là một trong những mặt hàng chiến lược do Nhà nước quản lý giá, giá bán được quản lý trên cơ sở bảo đảm lợi ích giữa nhà nước, DN và người dân. Theo ông Nguyễn Bích Lâm, trong những tháng còn lại của năm 2021 và nửa đầu của năm 2022, Bộ Công Thương cùng Bộ Tài Chính và DN cần bám sát diễn biến thị trường xăng dầu để có giải pháp ứng phó linh hoạt với giá dầu tăng cao nhằm giảm thiểu tác động xấu đến tăng trưởng và lạm phát kinh tế trong nước.
Đồng thời, hai bộ cùng các DN nhận định, đánh giá và phối hợp nhịp nhàng để sử dụng Quỹ bình ổn giá xăng dầu. Từ đó, quyết định giá bán sao cho phù hợp với giá thế giới, đảm bảo lợi ích của DN và người dân.
Theo Cục trưởng Cục Quản lý Giá (Bộ Tài Chính) Nguyễn Anh Tuấn, cần thường xuyên cập nhật kịch bản điều hành giá, nhất là việc tính toán, điều chỉnh giá các mặt hàng do Nhà nước quản lý, các dịch vụ công đang triển khai lộ trình thị trường đảm bảo mục tiêu kiểm soát lạm phát và phù hợp với dịch bệnh. Trong đó tiếp tục đẩy mạnh công tác rà soát, đánh giá thực hiện và sửa đổi, bổ sung hoàn thiện các văn bản quy phạm pháp luật về cơ chế chính sách quản lý, điều hành giá cho phù hợp với thực tế hiện nay.
Giá xăng, dầu đồng loạt tăng mạnh
Chiều 26/10, liên Bộ Tài chính - Công Thương quyết định điều chỉnh giá bán lẻ xăng dầu theo chu kỳ 15 ngày/lần. Theo đó, giá xăng E5 RON 92 lên mức 23.110 đồng/lít (tăng 1.430 đồng); RON 95 là 24.330 đồng/lít (tăng 1.460 đồng). Giá các mặt hàng dầu đều tăng. Dầu hoả là 17.630 đồng/lít, tăng 1.010 đồng. Dầu diesel là 18.710 đồng/lít, tăng 1.170 đồng. Dầu madut là 17.210 đồng một kg, tăng 120 đồng.
Đây là kỳ tăng giá lần thứ tư liên tiếp từ 10/9 đến nay. Giá xăng trong nước hiện ở mức cao nhất trong vòng hơn 7 năm. Với đợt tăng giá lần này, giá xăng RON 95 đã vượt ngưỡng 24.000 đồng/lít; còn xăng E5 RON 92 vượt 23.000 đồng/lít. Ở kỳ điều chỉnh này, cơ quan điều hành chi 1.100 đồng (nhiều hơn kỳ trước 150 đồng) từ Quỹ bình ổn giá xăng dầu để bù cho mỗi lít xăng E5 RON 92; RON 95 là 400 đồng, kỳ trước là 0 đồng. Dầu diesel và dầu hoả có mức chi quỹ lần lượt là 150 đồng và 100 đồng mỗi lít. So với hồi đầu tháng 9, tổng cộng mỗi lít xăng RON 95 đắt thêm 3.200 đồng và xăng E5 RON 92 thêm 3.220 đồng.
P.Vân
Nguồn tin: Đại đoàn kết